Nóng trên mạng xã hội: Hậu phương vững chãi cho tuyến đầu chống dịch

31/05/2021 10:01 GMT+7

Những “chiến sĩ áo trắng” nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 đã có chuỗi ngày làm việc không ngừng nghỉ ở các điểm nóng, nhưng ít ai biết phía sau họ là người chồng, vợ, con thơ... cũng lặng lẽ hy sinh mong chờ ngày đoàn tụ.

Lời nhắn “thời Covid-19”

Anh Dương Tuấn Anh (31 tuổi, quê ở Thái Nguyên) nhận được tin nhắn từ vợ có nội dung ngắn gọn: “Bảo trọng. Em sẽ lên đường”. Đọc dòng tin nhắn đó, anh chững lại mấy phút rồi nhanh chóng nhắn lại cho vợ: “Em cứ đi đi, anh ở nhà sẽ lo cho con”.
Anh Tuấn Anh ở nhà chăm lo con gái, để vợ yên tâm chống dịch

Anh Tuấn Anh ở nhà chăm lo con gái, để vợ yên tâm chống dịch

Vợ anh là chị Trần Thị Trang, bác sĩ chuyên khoa Nhi - Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên, hiện đang chống dịch ở Bắc Giang. Chia sẻ với Thanh Niên, anh Tuấn Anh cho biết dù việc vợ đến tâm dịch nhiều vất vả, hiểm nguy nhưng anh luôn động viên, làm hậu phương vững chắc để chị yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.
“Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, vợ chồng cũng nói chuyện với nhau, xác định tư tưởng vợ đi chống dịch, tôi sẽ ở nhà lo cho con. Giờ ở nhà, buổi sáng trước khi đi làm, tôi chuẩn bị bữa sáng cho con rồi nhờ ông nội chăm sóc, chiều về tắm rửa, cơm nước đầy đủ cho con để vợ yên tâm đi làm”, anh Tuấn Anh cho biết.
Chị Tuyền phải gửi con trai cho bà ngoại để vào “tâm dịch”

Chị Tuyền phải gửi con trai cho bà ngoại để vào “tâm dịch”

Vợ chồng anh có một bé gái 4 tuổi, chưa bao giờ chị Trang phải xa con dài như vậy. Thương vợ vất vả, anh thường xuyên nhắn tin, nhắc nhở vợ giữ gìn sức khỏe. “Tôi cứ để vợ chủ động gọi vì không biết thời gian cố định, lịch trình của vợ như thế nào nên lúc nào rảnh là cô ấy gọi về. Nhìn thấy trên ti vi, báo đài những hình ảnh vất vả của đội ngũ chống dịch, tôi cũng lo lắng xúc động nên chỉ biết nhắn tin động viên, lo con cái chu đáo”, anh Tuấn Anh tâm sự.

“Vừa thương, vừa tự hào”

Bà Dương Thị Vân (59 tuổi, ở TP.Sông Công, Thái Nguyên) những ngày qua chỉ biết lo chăm cháu để con gái yên tâm đến “tâm dịch” Bắc Giang chống dịch. Con gái bà là chị Dương Thị Thanh Tuyền, điều dưỡng, cũng xung phong tuyến đầu. Con trai chị Tuyền 10 tuổi, nhà chị chỉ có hai mẹ con nên bà Vân thay con gái đảm nhận việc chăm lo cho cháu.
“Khi con đi chống dịch, bản thân tôi vừa tự hào vừa lo lắng. Ở nhà tôi cố lo cho cháu để con gái yên tâm công tác. Nhìn thấy những vất vả, mệt nhọc cũng xót con, lắm lúc thương chảy nước mắt nhưng vì Tổ quốc, vì nhân dân, nên cứ động viên con không phải lo gì ở nhà, cố hoàn thành nhiệm vụ”, bà Vân tâm tình.

Tối 30.5: TP.HCM phát hiện 14 ca dương tính Covid-19 mới, nhiều F2 thành F0

Còn chị Nghiêm Thị Phương Lan (36 tuổi, vợ anh Trần Anh Tuấn, tình nguyện viên tham gia chống dịch ở Bắc Giang) chia sẻ hôm chồng lên đường, chị đi trực nên cũng không chuẩn bị được nhiều cho anh.
“Trước đó không thấy anh bảo gì, tới khi thấy có đơn tình nguyện đến Bắc Giang thì tôi mới biết. Nghe tin Bắc Giang có nhiều ca bệnh, ở nhà tôi cũng lo, chỉ biết gọi điện nhắn tin anh giữ gìn sức khỏe”, chị Lan kể.

Quán xá trung tâm TP.HCM "cửa đóng then cài" trước giờ giãn cách xã hội

Vợ chồng chị có hai con, bé lớn học lớp 5, bé thứ hai học lớp 2. Hôm anh lên đường, chị đi trực, trời mưa to chỉ mỗi hai con ở nhà. May mắn thay, các con cũng quen với công việc của bố mẹ nên ở nhà tự chơi, tự học với nhau.
Chị Lan chia sẻ đợt dịch này là lần đầu tiên chồng chị đi lâu nhất và cũng chưa biết chính xác ngày về. Chưa bao giờ, ba mẹ con chị thèm bữa cơm đoàn viên có bố như hiện tại. Bản thân chị hiểu, thông cảm với quyết định của chồng nên cũng tự hào vì chồng được góp phần nhỏ bé vào công cuộc chống dịch của cả nước.
“Tôi cứ mong dịch chóng hết để chồng, các đồng nghiệp của anh được về với gia đình, cuộc sống yên bình trở lại”, chị Lan nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.