Nông dân Tây Ninh sốt ruột chờ giống mì kháng bệnh khảm lá

Giang Phương
Giang Phương
31/03/2022 15:29 GMT+7

Thủ phủ cây mì lớn thứ 2 cả nước sau Gia Lai, Tây Ninh có năng suất đứng nhất cả nước nhưng hơn 80% diện tích đã bị nhiễm bệnh khảm trong khi giống kháng bệnh này mới cung cấp được 1% diện tích.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, diện tích trồng mì của Tây Ninh là 59.000 ha, chiếm 22,1% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của toàn tỉnh nhưng hiện có hơn 80% diện tích đã bị nhiễm bệnh khảm lá.

Nông dân Tây Ninh nóng lòng chờ giống mì kháng bệnh khảm lá

GIANG PHƯƠNG

80% diện tích cây mì nhiễm bệnh

Trao đổi với Thanh Niên, ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh cho biết, vụ này Tây Ninh hiện có khoảng 46.000 ha diện tích trồng cây mì bị nhiễm khảm lá, chiếm hơn 80% diện tích cây mì của toàn tỉnh, tập trung ở các huyện: Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành và Dương Minh Châu…

Dịch khảm xuất hiện từ năm 2017 và lây lan nhanh ra trên khắp tỉnh, thành trong nước và trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho ngành sản xuất và công nghiệp chế biến tinh bột mì tại Việt Nam.

Lá mì bị bệnh khảm

GIANG PHƯƠNG

Để duy trì và phát triển vùng nguyên liệu mì, từ năm 2018, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT và BVTV) phối hợp với Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam (thuộc Bộ NN-PTNT) và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) nghiên cứu, thử nghiệm các giống mì sạch bệnh, có tính kháng bệnh khảm lá.

Theo đó, vụ mì năm 2021, ngành nông nghiệp tỉnh đã chuyển giao 2 giống mì kháng khảm lá là HN3, HN5 cho nông dân trồng với diện tích 7 ha. Hiện 2 giống này được công nhận kháng bệnh khảm lá và đã được Cục BVTV đề nghị với Bộ NN-PTNT cho nhân nhanh phục vụ sản xuất đại trà.

Kiểm tra năng suất giống mì kháng bệnh khảm tại Tân Châu

GIANG PHƯƠNG


Tuy nhiên, giống mì kháng khảm hiện chỉ mới nhân giống cho khoảng 60 ha, chiếm 1% diện tích khoai mì toàn tỉnh. “Giống mì kháng khảm hiện nay còn ít nên giá giống còn khá cao. Do đó, Trung tâm Khuyến nông đang xây dựng dự án khuyến nông quốc gia trong 3 năm (2022-2024) trên 100 ha để hỗ trợ người dân giống kháng khảm nhằm chia sẻ bớt một phần giống hỗ trợ để người dân. Có như thế, thời gian tới tỉ lệ cây mì kháng khảm sẽ nhiều hơn”- ông Tùng cho biết.

Nông dân sốt ruột chờ

Nông dân chuyên trồng cây mì với diện tích lớn nhất tỉnh Tây Ninh, tới 100 ha là anh Bùi Công Ngọc (43 tuổi, ngụ xã Tân Hiệp, H.Tân Châu) cho biết, khi dịch khảm lá mì ập đến, anh thiệt hại nặng nề vì mỗi vụ anh đầu tư trồng lên đến 100 ha.

Khảo nghiệm trồng mì HN3 và HN5 kháng bệnh tại Tây Ninh

GIANG PHƯƠNG

Anh Bùi Công Ngọc chăm sóc cây mì được trồng từ giống kháng bệnh khảm lá

GIANG PHƯƠNG

“Cây mì bị bệnh khảm lá khiến chi phí chăm sóc lớn hơn nhưng năng suất, tinh bột lại giảm. Thậm chí, riêng nó không kháng được khảm thì nó lại bị sang nhiều bệnh khác do đề kháng kém như bọ phấn trắng, nhện đỏ”, anh Ngọc nói.

Anh Ngọc cũng là một trong những hộ nông dân đang bắt tay trồng khảo nghiệm giống mì kháng bệnh khảm gần 3 năm nay. “Các giống mới đều không xuất hiện bị khảm lá và cũng không bị thối cổ rễ. Đối chứng với giống cũ, giống này có phần vượt trội hơn chỗ nhẹ đầu tư phân bón cho tới công chăm sóc, làm cỏ, tưới tiêu…”- anh Ngọc nhận xét.

Dựa vào kinh nghiệm của mình, anh cho rằng khả năng giống này sẽ cho năng suất cao hơn nhiều so với giống cũ với khoảng 40 tấn/ha

GIANG PHƯƠNG

“Nông dân chúng tôi hy vọng các giống mì kháng khảm sẽ sớm có kết quả và phát triển đại trà để người trồng mì sớm tiếp cận, đưa ngành mì Tây Ninh trở lại”

Anh Bùi Công Ngọc

Riêng về năng suất, anh Ngọc cho biết, do đang trồng ở mức độ mô hình ở Tây Ninh nên chưa xác định chính xác. Tuy nhiên, dựa vào kinh nghiệm thì khả năng giống này sẽ cho năng suất cao hơn nhiều so với giống cũ với khoảng 40 tấn/ha, chữ bột có thể đạt từ 28-29 hoặc 30.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.