Nông dân khốn đốn vì hoa cúc nhiễm vi rút

09/05/2019 06:51 GMT+7

Hàng trăm héc ta hoa cúc bị nhiễm vi rút sọc thân nhưng chưa có thuốc đặc trị, nông dân phải nhổ bỏ những diện tích nhiễm nặng và tiêu hủy để chống lây lan.

Tình trạng này xảy ra trên địa bàn TP.Đà Lạt và H.Lạc Dương (Lâm Đồng). Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - bảo vệ thực vật Lâm Đồng (Chi cục TT-BVTV), cho biết vi rút gây hại hoa cúc có tên khoa học là vi rút TSWV (tomato spotted wilt virus), xuất hiện tại Đà Lạt từ giữa tháng 4.2017, gây bệnh sọc thân trên cây hoa cúc và bệnh đốm héo trên xà lách. Loại vi rút này lây lan qua bọ trĩ và nhân giống vô tính. Hằng năm vào tháng 4 và 5 thời tiết khô, nắng nóng là điều kiện bọ trĩ phát triển mạnh, do đó kéo theo bệnh nhiễm vi rút sọc thân gia tăng.

Thiệt hại hàng tỉ đồng

Anh Võ Ngọc Dương, ngụ thôn Đăng Lèn, TT.Lạc Dương (H.Lạc Dương), buồn rầu: “Gia đình tôi trồng 3.000 m2 hoa cúc trong nhà kính, nhưng có phân nửa diện tích bị nhiễm vi rút phải nhổ bỏ. Tôi đã sử dụng nhiều loại thuốc để chữa trị mà không có chuyển biến gì”. Theo anh Dương, hoa cúc khi mới mua về trồng phát triển rất tốt. Tuy nhiên sau 2 tháng cây bắt đầu còi cọc, thối lá, thối rễ và chết dần.
Tương tự, gia đình anh Trần Đức Hiệp (ngụ thôn Đăng Gia Rít B, TT.Lạc Dương) trồng 1.000 m2 hoa cúc để phục vụ dịp đại lễ Phật đản, nhưng đến nay có khoảng 90% cây hoa bị nhiễm vi rút. Anh Hiệp bỏ gần 10 triệu đồng mua thuốc BVTV với mong muốn cứu chữa vườn hoa, nhưng vẫn không hiệu quả.
Ông Nguyễn Phú Việt, Phó chủ tịch UBND TT.Lạc Dương, cho biết thêm: “Trên địa bàn thị trấn có khoảng 200 ha hoa cúc, nhưng đã có trên 60 ha bị vi rút gây hại phải nhổ bỏ. Chúng tôi đang hướng dẫn các hộ dân tiêu hủy hoa bị bệnh tập trung để đảm bảo an toàn cho những vụ mùa sau”.
Tại TP.Đà Lạt, khu vực trồng nhiều hoa cúc như làng hoa Thái Phiên, Trại Mát, Đa Thiện từ đầu tháng 4 đến nay, người dân cũng nhổ bỏ hàng chục héc ta hoa cúc. Theo các thương lái, có gần 1/3 diện tích hoa cúc bị nhiễm vi rút sọc thân phải nhổ bỏ, nên sản lượng hoa sắp tới sẽ giảm. Theo tính toán của nhà vườn Đà Lạt, để canh tác một sào (1.000 m2) hoa cúc, phải đầu tư 25 - 30 triệu đồng, gồm giống, phân bón, thuốc BVTV, tiền điện... chưa tính công chăm sóc trong vòng ba tháng rưỡi. Với hàng trăm héc ta hoa bị nhiễm vi rút, nhà vườn thiệt hại hàng tỉ đồng.

Cần test vi rút cây giống trước khi trồng

Thường xuyên kiểm tra vườn, nếu phát hiện cây nhiễm bệnh phải nhổ bỏ tiêu hủy ngay. Khi tỉa nụ phải kết hợp phun các loại thuốc phòng trừ bọ trĩ, các thuốc trừ vi khuẩn để vết thương mau phục hồi, hạn chế bệnh xâm nhiễm

Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - bảo vệ thực vật Lâm Đồng

Theo ông Lại Thế Hưng, hiện nay tại Đà Lạt và Lạc Dương có khoảng 600 ha hoa cúc bị nhiễm vi rút, trong đó 300 ha nhiễm mức độ nhẹ, 200 ha nhiễm mức độ trung bình, gần 100 ha nhiễm nặng. Với những diện tích nhiễm nặng, Chi cục TT-BVTV khuyến cáo nông dân nhổ bỏ và tiêu hủy ngay để tránh lây lan sang những vườn khác.
Ông Lại Thế Hưng khuyến cáo: "Để ngăn ngừa bệnh, trước tiên người dân phải chú ý mua cây giống ở những vườn ươm uy tín, chất lượng, sạch bệnh, vườn ươm có hệ thống lưới chống bọ trĩ...". Trước khi mua, nhà vườn có thể mang cây giống đến Chi cục TT-BVTV, Trường ĐH Đà Lạt hoặc Trung tâm nghiên cứu khoai tây rau và hoa tại Đà Lạt nhờ test, nếu nhiễm vi rút thì ngưng mua. Không luân canh cây xà lách với hoa cúc, cà chua, húng quế, vì cùng là ký chủ của vi rút này. Hạn chế việc canh tác các giống nhiễm nặng như cúc đóa, farm vàng, kim cương trắng và xà lách scarole.
Với hệ thống nhà kính, vào mùa này cần gia cố hệ thống lưới nhằm ngăn ngừa bọ trĩ xâm nhập làm lây lan vi rút. Trước khi xuống giống nhà vườn cần chú ý vệ sinh vườn, xử lý đất, thu gom tiêu hủy nguồn tàn dư thực vật nhiễm bệnh trước khi trồng. Mặt khác, trong vườn cần đặt hệ thống bẫy vàng, bẫy xanh để theo dõi mật độ bọ trĩ. Ngay ở giai đoạn mới trồng 5 - 7 ngày, nếu phát hiện có bọ trĩ phải phòng trừ kịp thời phun 3 - 5 ngày/lần bằng cách sử dụng luân phiên các loại thuốc đã đăng ký trong danh mục như dinotefuran (oshin 100WP) hoặc tham khảo sử dụng các hoạt chất imidacloprid, spinoteram, thiamethoxam...
“Thường xuyên kiểm tra vườn, nếu phát hiện cây nhiễm bệnh phải nhổ bỏ tiêu hủy ngay. Khi tỉa nụ phải kết hợp phun các loại thuốc phòng trừ bọ trĩ, các thuốc trừ vi khuẩn để vết thương mau phục hồi, hạn chế bệnh xâm nhiễm”, ông Hưng lưu ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.