Nối vòng tay lớn trên Biển Đông

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
05/10/2021 07:51 GMT+7

Làng biển Cửa Việt (H.Gio Linh, Quảng Trị) trù phú có một 'ông già gân'. Nay đã 72 tuổi nhưng khi nhớ nghề, ông vẫn lên thuyền đi biển. Ông là Bùi Đình Sành, Tổ trưởng tổ tự quản tàu thuyền, giúp nhau làm ăn trên biển.

“Đại tổng quản” của 40 con tàu xa bờ

Nhà ông Sành ngay dưới chân cầu Cửa Việt (TT.Cửa Việt, H.Gio Linh). Mấy hôm liền, liên lạc với ông khó khăn, đến khi ông nhấc máy điện thoại thì đã nói ngay: “Tôi đi biển chứ có ở nhà đâu. Nhà có ghe mà, đang mùa ruốc (tép biển) nên không đi thì tiếc. Cứ sáng đi chiều về kiếm 2 - 3 tạ ruốc. Tiếc là bữa nay giá cả rẻ quá, chỉ 500.000 đồng/tạ”.

Cũng theo ông Sành, vì Covid-19 nên ngư dân thời nay thêm phần vất vả, hàng không xuất đi xa, thường xuyên bị tư thương ép giá. “Con cá ngày xưa 10 đồng thì nay còn 6 - 7 đồng. Anh em ngư dân lạy trời cho Covid-19 qua nhanh, con cá con tôm về đúng với giá trị của nó”, ông Sành nói.

Nhiều người bảo, ông Sành… sành về biển cả, về những ngón nghề đánh bắt ngoài khơi xa như cái tên của chính ông. Sinh ra đã là người của gia tộc Bùi Đình hùng mạnh chuyên đánh cá xa bờ ở Cửa Việt, khi mới hơn 10 tuổi ông đã theo cha chú mình đạp sóng ra Biển Đông khai thác hải sản, nuôi sống bản thân và gia đình.

Ông Bùi Đình Sành ở Cửa Việt

“Mấy chục năm qua, cá tôm đã nuôi tôi lớn lên, rồi đến thế hệ của con cái tôi. Tôi không học hành gì nhiều nhưng con cái tôi thì đủ đầy. Nay cũng lập gia thất cả rồi. Miếng cơm của gia đình tôi bưng lên vẫn còn mặn mòi mùi của biển nên chúng tôi mang ơn biển cả này”, ông Sành nói đầy văn vẻ, khác hẳn vẻ bề ngoài sương gió với mái tóc bạc vuốt ngược ra đằng sau.

Khi lớn tuổi, những chuyến biển xa của ông Sành thưa dần, nhưng khát vọng vươn khơi đã được 2 người con trai tiếp nối. Và dù không còn tung hoành dọc ngang trên biển mà chỉ thi thoảng đánh bắt cá tôm ở gần bờ, thì “ông già gân” vẫn luôn được bà con ở làng biển này quý mến, nể trọng. Đó cũng là lý do, người ta bầu ông làm Tổ trưởng tổ tự quản tàu thuyền, giúp nhau làm ăn trên biển của khu phố 5, TT.Cửa Việt. “Hết năm nay là ngót 3 nhiệm kỳ. Hơi tham quyền cố vị nhỉ?”, ông cười tếu táo.

Cũng phải nói thêm rằng, Cửa Việt là địa phương có nhiều tàu đánh cá xa bờ nhất của tỉnh Quảng Trị, nhưng riêng khu phố 5 của ông Sành, đội tàu khơi xa là hùng hậu nhất thị trấn này, với 40 chiếc, nhiều chiếc vỏ thép được đóng mới với giá hàng chục tỉ đồng. Phạm vi hoạt động của các tàu kéo dài từ vịnh Bắc bộ, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đến vùng biển phía nam. Mỗi năm ngư dân khu phố 5, TT.Cửa Việt đánh bắt về 2.000 - 3.000 tấn hải sản là thường.

“Quy mô là thế nhưng ngày trước anh em mỗi người mỗi phách, mạnh ai nấy lo. Một ngày chúng tôi họp nhau lại bàn bạc, nói “đến mấy bà vợ lên chợ bán cá cũng rủ nhau đi cùng, cớ sao chúng ta đi ra chốn biển cả mênh mông này lại tách nhau ra”, “đại tổng quản” 40 con tàu xa bờ nhớ lại.

Với sự giúp sức của chính quyền địa phương và lực lượng biên phòng Cửa Việt, Tổ tự quản trên biển của khu phố 5 đã ra đời như thế, khi các ngư phủ siết chặt tay nhau.

Ngư dân Cửa Việt đoàn kết, lập Tổ tự quản trên biển để vươn khơi

NGUYỄN PHÚC

Khơi dậy cái tình của người đi biển

Tổ tự quản của hàng chục ngư phủ khu phố 5 (TT.Cửa Việt) không phải lập ra để cho… oai, mà nó thực sự đã đồng hành cùng mỗi chuyến biển với những con tàu xa bờ. Bởi đánh bắt trên biển cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, từ tàu thuyền đến sinh mạng con người. Tổ tự quản đã khơi dậy cái tình của người đi biển, đùm bọc giúp đỡ nhau khi hành nghề trên biển; đồng thời góp sức mình bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Khi hành nghề trên biển, họ thường thông tin liên lạc cho nhau, cùng nhau chia sẻ những luồng cá, các vật dụng sinh hoạt, đặc biệt là kịp thời ứng cứu nhau khi có sự cố trên biển, đồng thời liên lạc với các lực lượng chức năng.

“Biển giã mà có ai nói trước được điều gì, nên có phúc cùng chia, có họa thì cũng cứu lấy nhau. Vì thế, khi ở bờ có khi cả mấy ngày không nói chuyện, nhưng cứ ra biển là chúng tôi thường xuyên liên lạc bằng bộ đàm. Nếu trong tổ, nhóm có tàu đánh trúng cá thì lên máy thông tin cho nhau để cùng đánh bắt. Khi sản xuất, tàu nào bị sự cố thì cũng kịp thời thông báo để tổ chức cứu hộ, cứu nạn”, ông Bùi Đình Tấn, thuyền trưởng tàu QT 91119, thành viên tổ tự quản, cho biết.

Với ngư dân Tổ tự quản và cá nhân ông Sành, ký ức về những lần cùng chiến sĩ biên phòng không quản ngại hiểm nguy để cứu người bị nạn trên biển vẫn còn vẹn nguyên. Đầu tháng 8.2013, 2 tàu cá của Nghệ An đang đánh bắt cá tại vùng biển Quảng Trị thì gặp sự cố hỏng máy, do sóng to nên đã đánh chìm tàu, khiến 14 ngư dân rơi xuống biển và trôi lênh đênh trong nhiều giờ. Tàu cá của anh Đoạn Văn Dũng (thuộc Tổ tự quản) đang khai thác gần đó phát hiện và kịp thời cứu hộ đưa lên tàu an toàn. “Cái tình của người đi biển thiêng liêng lắm, chỉ cần khơi dậy được thì họ không bao giờ buông tay nhau”, ông Sành bảo.

Ghép từng chiếc đũa thành bó đũa

Với công việc của mình, ngoài biệt danh “ông già gân” ra, có người ví ông Sành là “cái đài di động”, có người gọi ông là “ký giả của tổ tự quản”. Những biệt danh đó được mặc định do thói quen ghi chép tỉ mỉ từng sự vụ của ông Sành.

Lật dở trang sổ cũ mèm, đã sử dụng qua nhiều năm, chúng tôi thực sự bất ngờ về việc ghi chép cẩn thận đến từng chi tiết của ông Sành. “Phải giấy trắng mực đen chứ, mọi thông tin từ ngư dân báo về, tôi đều ghi chép thống kê lại, rồi “méc” chính quyền và biên phòng”, ông Sành nói.

Chi chít trong cuốn ghi chép là những tình huống phát hiện tàu Trung Quốc đánh bắt hải sản trái phép thuộc vùng biển chủ quyền của Việt Nam với đầy đủ tọa độ, hình dáng tàu, số hiệu. Một nội dung nữa đáng chú ý trong sổ ghi chép là những lần tàu của Tổ tự quản gặp những tàu cá khác đang khai thác hải sản theo kiểu hủy diệt môi trường biển (dùng thuốc nổ, xung điện, giã cào…). Kể cả những vụ trộm cắp xảy ra trên tàu khi đã về bờ neo đậu cũng không “lọt sổ” của ông Sành.

Nhọc công hơn cả chục năm để xây dựng Tổ tự quản trên biển vững mạnh, có mối liên kết bền chặt, ông Sành luôn liên hệ đến sức mạnh đoàn kết, như trong câu chuyện “Bó đũa” mà ông cha xưa đã kể lại. Ở đó là con người với nhau, lại cùng một dân tộc, có cớ gì đâu để họ không nối lại những vòng tay yêu thương, giúp đỡ nhau trong đánh bắt cá tôm và canh giữ phên dậu của Tổ quốc trên Biển Đông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.