Nói tục, chửi bậy: ‘Muốn phạt nhưng chưa có chế tài’

03/07/2015 09:47 GMT+7

Các biện pháp xử lý nói tục, chửi bậy đã không được nhắc đến trong hội nghị Tổng kết chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội mang tên “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2011 - 2015 vừa được tổ chức hôm qua (2.7) tại Bảo tàng Hà Nội.

Các biện pháp xử lý nói tục, chửi bậy đã không được nhắc đến trong hội nghị Tổng kết chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội mang tên “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2011 - 2015 vừa được tổ chức hôm qua (2.7) tại Bảo tàng Hà Nội.

Ứng xử của người dân nơi công cộng sẽ được quy định
Ứng xử của người dân nơi công cộng sẽ được quy định - Ảnh minh họa: Ngọc Thắng
Mới đây, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã đề xuất “cấm” nói tục, chửi bậy, xử lý các hành vi thiếu văn hóa tại trường học và trong xã hội. Đề xuất này khởi phát từ đề án Bộ quy tắc ứng xử cho người Hà Nội, được xây dựng trong chính chương trình “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Đề án Bộ quy tắc ứng xử cho người Hà Nội do Sở VH-TT-DL Hà Nội phối hợp với Trường ĐH Quốc gia Hà Nội phối hợp thực hiện từ năm 2012, trong đó quy định quy tắc ứng xử đối với lãnh đạo cơ quan, tổ chức, với thầy, cô giáo, quy tắc ứng xử của y, bác sĩ, cán bộ nhân viên tại bệnh viện, trung tâm y tế, các chuẩn mực ứng xử của doanh nghiệp, ứng xử tại khu dân cư.
Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội cho hay, bộ quy tắc này được xây dựng từ hàng chục ngàn trang tài liệu. Trước đó, một cuộc khảo sát thực tế đã được tiến hành. Theo lời lãnh đạo của Sở VH-TT-DL, rõ ràng bộ quy tắc đã được thực hiện khá bài bản, cẩn thận, nhưng đến giờ vẫn chưa được ban hành chính thức.
Trao đổi với Thanh Niên bên lề hội nghị, Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội Tô Văn Động giải thích: “Dù chưa chính thức hóa, nhưng bộ quy tắc đã được công bố từ 6 tháng nay, ai áp dụng được thì cứ áp dụng. Còn để ra văn bản chính thức thì chúng tôi phải có sự đồng thuận, hiện vẫn có những ý kiến khác nhau, người bảo tiêu chí phải kỹ càng hơn, người bảo phải đơn giản hơn”. Ông Động nói thêm: “Dù gì đến cuối năm, văn bản cũng sẽ được ký, bộ quy tắc sẽ được đưa ra chính thức”.
“Phạt chửi bậy phải có chứng cứ”
Chưa có bộ quy tắc ứng xử cũng là chưa có cơ sở xác định hành vi, lời nói thiếu văn hóa. Tuy nhiên, nếu bộ quy tắc được đưa ra vào cuối năm nay, theo lời ông Động, cũng khó có thể xử lý nói tục, chửi bậy. “Bộ quy tắc ứng xử chỉ là bộ quy tắc, chứ không phải văn bản pháp quy, vì vậy khó có thể dựa vào đây để đưa ra chế tài xử phạt chửi tục, nói bậy. Chúng tôi muốn phạt lắm nhưng chưa có chế tài, bảo chúng tôi xây dựng chế tài nhưng nội dung đó còn đang có nhiều ý kiến tranh cãi khác nhau”, ông Động giải thích.
Ông Động cũng nói thêm: “Việc cấm nói tục, chửi bậy chỉ có thể mang tính chất vận động, hướng dẫn. Biện pháp mà chúng tôi đang làm hiện giờ là tuyên truyền, đấu tranh, bên cạnh đó, cũng cần tất cả mọi người cùng vào cuộc”.
Một vị đại biểu trong hội nghị chia sẻ: đề xuất là vậy nhưng khả năng khó thực hiện được lắm. Vì nói tục, chửi bậy muốn phạt cũng phải có chứng cứ chứ. Kể cả có quay clip người chửi bậy rồi đưa lên mạng, nhưng nếu người đó không nổi tiếng thì cũng rất mất thời gian để truy ra tung tích, tên tuổi. “Tôi cũng chưa hình dung được nếu có quy định, thì chửi bậy, nói tục như thế nào thì bị phạt đây?”, vị này băn khoăn.
Ông Tô Văn Động cho rằng, nếu việc xử lý được quy định cụ thể trong từng cơ quan, trường học, các bộ, ngành, “may ra lúc đó mới có thể xử phạt nói bậy, chửi tục được”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.