Nồi thịt kho tàu của bác tôi trong ngày giáp Tết

21/01/2023 23:02 GMT+7

Trong bếp, nồi thịt kho tàu nhuốm màu vàng xuộm của nước, trên bề mặt loang loáng mỡ cùng màu trắng của hột vịt, phía dưới, lửa cháy liu riu, củi nổ lách tách… Tất cả hòa quyện tạo nên mùi hương thơm ngào ngạt trong ngày giáp Tết.

Tôi nhớ những năm còn khó khăn thời bao cấp. Người dân Sài Gòn thường tận dụng những không gian còn trống trong nhà để chăn nuôi, cải thiện đời sống. Nhà nào phía sau rộng thì dùng rào chắn lại để nuôi thả gà vịt và nuôi heo.

Nồi thịt kho tàu gợi lại kỷ niệm tuổi thơ của nhà thơ Trương Minh Nhật

ảnh minh họa

Nhà nào chật chội "quy hoạch" cái bếp một bên để nấu ăn, bên còn lại là chuồng gà, vịt. Nhờ vậy mà người dân nơi này có những cái Tết no đủ trong những năm tháng khó khăn. Nhà bác tôi cũng không ngoại lệ.

Cả năm sống chật vật là thế, nhưng mỗi dịp Tết đến trẻ con lại háo hức chờ khoe áo mới, nôn nao khi thấy đoàn múa lân đi ngang qua ngõ. Mỗi lần thấy tiếng pháo nổ lẹt đẹt đâu đó, bọn trẻ lại rủ nhau chạy đi lượm pháo lép về chơi.

Người lớn thì ai cũng rộn rã ngoài mặt nhưng trong lòng có những nỗi lo lớn hơn để chuẩn bị cho một cái Tết trọn vẹn khi bước vào ngày 28, 30 Tết .

Bác trai tôi vì có chân trong hội đền nên mối quan hệ rộng hơn. Từ 4 giờ sáng ngày 30 Tết, ông đã thắng chiếc xích lô trước nhà, đánh thức mọi người dậy khiêng các giỏ cói đựng các tảng thịt heo mà bác gái đã dặn để kho tàu và để gói bánh tét.

Mọi người bắt đầu chộn rộn ai vào việc ấy. Chị tôi có nhiệm vụ đi chợ mua trứng vịt, dừa khô và các đồ lặt vặt mà bác gái đã dặn bạn hàng trước đó. Tôi được giao việc lột vỏ hành tím, tỏi, ớt, hành lá rửa sạch và đập dập bỏ vào cối giã. Bác dặn: “Chỉ giã vừa vừa thôi khi ướp hương vị mới đậm đà”.

Thằng bé mới 13 tuổi nghịch ngợm như tôi lúc đó giã ớt, tỏi bắn tung tóe ra ngoài, mắt cay xè vì hơi hành tím văng lên.

Bác thấy vậy la toáng lên: “Một tay giã đều, một tay giữ cối theo thế úp tay che bớt để tỏi ớt không văng ra, xong rồi đi rửa tay bằng xà bông liền, coi chừng dụi lên mắt”.

Trầy trật một hồi tôi cũng giã xong chỗ hành, tỏi, ớt cùng một chén hột tiêu đập dập cho bác .

Bác gái tôi là người khéo tay hay làm, từng tảng thịt đùi ngon được bác lựa chọn xong được rửa sạch sẽ và theo thớ cắt từng miếng vuông to bằng cái chén của bà bán chè ngoài chợ.

Tôi hỏi bác cắt miếng lớn như vậy thì làm sao chín được? Bác lí giải khi kho, thịt chín, sẽ săn lại và không bị nát.

Tôi nhớ ngày đó, củi đun cũng phải xếp hàng mua. Nghe lời bác gái nhắc, tôi chạy ra ngoài ôm củi vào bếp. Lúc này, mùi thịt ướp gia vị đặt trên mâm thơm xộc vào mũi khiến bao tử của tôi bắt đầu sôi lên ùng ục.

Bác bảo, phải ướp thịt trên mâm, sau đó đặt mâm thịt ra ghế đẩu ngoài sân, phơi đến khi mỡ của thịt chuyển màu trong suốt, lúc đó mang kho sẽ tạo ra màu đẹp, giữ thịt được lâu hơn.

Chị tôi lúc này cũng vừa về tới, một tay giỏ dừa khô và các loại đồ lặt vặt, tay còn lại là 2 chục trứng vịt chạy đồng của bà Tư đem từ dưới quê lên bán.

Bác rửa sạch trứng để ra rổ rồi nhóm bếp củi, miệng như phân tích cho chúng tôi nghe, bác bảo: “Trứng vịt chạy đồng được cho ăn lúa nên lòng đỏ nhiều, khi kho trứng không bị vỡ, lúc ăn thì béo ngậy".

Chị tôi chặt dừa đổ nước ra thau. Bác dặn chị một lát phải gạn lại nước dừa cho sạch, khi kho thịt nước dừa sẽ trong, lên màu đẹp hơn.

Khi các nguyên liệu đã chuẩn bị xong, trứng đã được luộc, bóc vỏ. Bác cho tất cả vào một cái nồi lớn bằng nhôm dày, phía ngoài nồi đen bóng. Bác bảo đây là cái nồi chuyên dùng kho thịt kho Tàu. Cả năm chỉ dùng một lần, sau ba ngày Tết lại treo lên gác bếp.

Đặt nồi thịt lên bếp, chờ thịt sôi lên, ngấm gia vị bác mới đổ nước dừa vào. Khi nồi thịt sôi, nổi nhiều váng bọt, bác dùng muỗng, vớt hết bọt đồng thời rút bớt củi, chỉ để lửa cháy liu riu. Bác nói khi kho Tàu, lửa phải liu riu thì mới đúng điệu thịt nhừ đều nhưng không nát, vẫn giữ được miếng nào ra miếng đó.

Chao ôi, mùi thịt thơm lừng lan tỏa khắp nhà quyện mùi nước dừa ngào ngạt cùng với gia vị tạo ra một mùi khó tả gọi là mùi Tết.

Nồi thịt đượm một màu sắc đẹp mà tôi không biết diễn đạt sao cho đúng. Màu vàng nâu của thịt đã lên màu, sóng sánh màu nước dừa tan trong đường cát, màu trắng ngà của trứng... tất cả chỉ có thể gọi tên là màu của tuổi thơ trong những ngày Tết xa xưa ấy…

Hai bác tôi mất đã lâu, cuộc sống bây giờ cũng đủ đầy hơn trước, chỉ cần ra chợ, siêu thị mua cái gì cũng có. Vậy nhưng riêng chỉ không khí háo hức của Tết lại không còn. Tất cả đã nằm trong miền ký ức.

Bây giờ, mỗi dịp Tết, không còn mùi thơm phưng phức của nồi thịt kho tàu, không còn tiếng củi lửa cháy lách tách, tiếng bước chân của bác tôi cũng không còn… Tất cả đã phai mờ theo thời gian, chỉ trong lòng tôi mỗi dịp Tết vẫn thổn thức nhớ về bác, nhớ về nồi thịt kho tàu và nét Tết cổ truyền xưa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.