Nối thành công ngón tay đứt lìa cho bệnh nhân

08/05/2015 11:35 GMT+7

(TNO) Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện 19 - 8 (Bộ Công an) lần đầu tiên phẫu thuật thành công nối ngón tay cái đứt lìa cho bệnh nhân bị tai nạn lao động.

(TNO) Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện 19 - 8 (Bộ Công an) lần đầu tiên phẫu thuật thành công nối ngón tay cái đứt lìa cho bệnh nhân bị tai nạn lao động.

noi-thanh-cong-ngon-tay-bi-dut-liaSau 12 ngày điều trị, ngón tay cái được nối đã hồng ấm, có thể vận động nhẹ - Ảnh tư liệu khoa Chấn thương chình hỉnh, Bệnh viện 19 - 8
Bệnh nhân là anh Nguyễn Tiến K. 19 tuổi ở Thanh Lâm, Mê Linh, Hà Nội. Ngày 26.4.2015, trong lúc lao động, anh K. bị máy cắt giấy cuốn vào ngón cái bàn tay phải và nhổ lìa ngón tay cái. Bệnh nhân được sơ cứu, bảo quản ngón tay cái đứt lìa, chuyển đến Bệnh viện 19 - 8 sau tai nạn 2 giờ.
Tại đây, bệnh nhân đã được các bác sĩ của khoa Chấn thương chỉnh hình phẫu thuật cấp cứu. Sau 8 giờ vi phẫu nối lại mạch máu, thần kinh cũng như gân cơ, dưới sự hướng dẫn của giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Việt Tiến, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương quân đội 108, các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình đã nối thành công ngón cái đứt rời cho bệnh nhân. Đến ngày 8.5, sau 12 ngày điều trị, ngón cái được nối đã hồng ấm và có thể vận động nhẹ.
Thạc sĩ Vũ Hải Nam, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện 19 - 8, người trực tiếp tham gia phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết, việc nối lại chi thể (ngón tay) đứt rời có tỷ lệ thành công tùy thuộc vào các yếu tố như vị trí, nguyên nhân gây tổn thương, thời gian từ lúc bị tổn thương đến lúc được phẫu thuật và cách sơ cứu, bảo quản chi thể đứt lìa. Việc cấp cứu nối lại chi thể chỉ có thể thực hiện được khi bệnh nhân đến sớm, phần chi thể đứt rời được bảo quản đúng cách và được thực hiện tại các cơ sở có đầy đủ trang thiết bị, với đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm. 
Lưu ý khi bảo quản bộ phận cơ thể bị đứt rời
- Nên cho phần đứt rời vào túi nilon sạch, buộc kín lại, sau đó lại đặt vào một túi nilon khác đựng nước, buộc kín bỏ vào thùng đá, giữ ở nhiệt độ 4 - 10 độ C.
- Tránh để phần đứt rời tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh gây bỏng lạnh, dễ làm mạch máu và dây thần kinh bị hỏng.
- Nếu bộ phận cơ thể chưa đứt lìa hoàn toàn mà vẫn còn dính lại phần da thì không nên cắt rời ra, kể cả trường hợp gần như đứt rời hoàn toàn. Thay vào đó dùng gạc băng lại, đặt túi đá bên cạnh để giữ nhiệt độ tương đối lạnh, tránh đặt đá trực tiếp lên vết thương.
- Không dùng panh kẹp mạch máu, vì có thể gây nát đầu mạch máu, rất khó khi nối.
(Thạc sĩ Vũ Hải Nam)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.