Nói ra... tiền

13/06/2015 09:00 GMT+7

Sở hữu chất giọng tốt, biết diễn xuất, nhạy bén với vai diễn trong phim... là những nền tảng căn bản để trở thành diễn viên lồng tiếng - một nghề đang rất thịnh hiện nay.

Sở hữu chất giọng tốt, biết diễn xuất, nhạy bén với vai diễn trong phim... là những nền tảng căn bản để trở thành diễn viên lồng tiếng - một nghề đang rất thịnh hiện nay.

Nói ra... tiền Diễn viên lồng tiếng Ngô Tấn Phát (thứ hai từ trái sang) cùng các đồng nghiệp trong phòng thu  - Ảnh: Thanh Đông
Nói nhiều...
Tại một phòng thu trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM, Ngô Tấn Phát (20 tuổi) cùng hai nam đồng nghiệp đang lồng tiếng Việt cho các nhân vật nam trong bộ phim truyền hình Vợ tôi là cảnh sát của Ấn Độ. Ngô Tấn Phát vào vai Vikram - một thanh niên khá điển trai trong phim.
Trước mặt các diễn viên lồng tiếng là một màn hình lớn đang chiếu cảnh phim. Cô nhân viên kỹ thuật cho phim chạy tới cảnh của nhân vật nào thì diễn viên sẽ lồng những lời thoại của mình vào. Một câu nói thu đi thu lại vài lần, đến khi lời khớp miệng thì chuyển qua phân cảnh khác.
Sau 2 giờ thu, Phát cùng hai bạn diễn hoàn thành xong 4 tập phim. Tranh thủ lúc giải lao, Phát kể về cái duyên đến với nghề: “Mình mê nghề lồng tiếng cho phim từ năm 13 tuổi, khi đó mình theo người anh học lớp đào tạo diễn viên lồng tiếng. Học xong, mình được thầy giới thiệu lồng tiếng cho vài vai nhí trong phim Việt. Thời đó phim Việt ít, vai nhí càng ít nên vài tháng em mới có một vai. Sau khi dậy thì, bể tiếng mới được mời lồng tiếng cho vài nhân vật người lớn nhưng không nhiều”.
Phát cho biết thêm, những ngày tuần đầu tiên chỉ đến phòng thu ngồi nhìn các anh chị làm việc. Sau đó mới được cho lồng những vai nhỏ. “Giọng của mình lúc đó quê một cục, phải thu đi thu lại nhiều lần mới ổn”, Phát nhớ lại.
Với Phương Minh, nữ diễn viên chuyên lồng tiếng cho những vai ác thì con đường vào nghề là sự tình cờ nhưng may mắn. Phương Minh kể: “Sau một thời gian làm cô giáo mầm non, công việc quá vất vả, nhiều áp lực nên mình xin nghỉ. Lúc thất nghiệp mình mong được làm nghề lồng tiếng, bởi từ lúc nhỏ đã tham gia kể chuyện cùng 'bà Tám' trên Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM. Sau khi được một đàn anh trong lĩnh vực lồng tiếng giới thiệu vào làm nghề này, mình mê công việc bắt nhịp được ngay và dần dần trưởng thành với nghề”.
Nghề “đang ăn nên làm ra”
Với Phương Minh: “Vào nghề là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời, bởi nó mang đến nhiều niềm vui hơn nỗi buồn. Được xem phim mới trước mọi người, sống với nhiều vai diễn, được khóc cười cùng nhân vật. Bên cạnh đó, thu nhập khá, ổn định cũng là điều rất đáng mừng. Trước đây mình rất ít nói, sau vài năm vào nghề giờ nói nhiều lắm, khi gặp một vấn đề nào trong cuộc sống mình diễn đạt cảm xúc cũng rõ ràng, dễ hiểu hơn”.
Còn trẻ nhưng thu nhập mười mấy triệu đồng mỗi tháng, công việc vui vẻ, thoải mái, yêu thích là những điều mà Ngô Tấn Phát hài lòng nhất sau 2 năm bước vào nghề lồng tiếng. Theo Phát, để sống được với nghề, đòi hỏi phải có đam mê, học hỏi mỗi ngày.
Là một trong những diễn viên lồng tiếng gạo cội, anh Đạt Phi, đang là ông chủ của Công ty Đạt Phi Media, nhìn nhận về nghề: “Hiện nay phim truyền hình VN và phim truyền hình các nước chiếu trên truyền hình cũng nhiều. Phim nào cũng cần lồng tiếng, kể cả phim chiếu rạp. Do đó, diễn viên lồng tiếng có rất nhiều đất sống. Những bạn lành nghề thu nhập có thể vài chục triệu đồng mỗi tháng nếu chạy show nhiều”.
Để bước vào nghề, bạn trẻ phải trải qua lớp đào tạo tại các trung tâm hoặc được chính các phòng thu hướng dẫn, rèn nghề. Anh Xuân Tâm, Chủ nhiệm bộ môn lồng tiếng Nhà văn hóa Điện ảnh TP.HCM, cho biết công tác đào tạo diễn viên lồng tiếng ở trung tâm diễn ra từ nhiều năm qua. Mỗi khóa đào tạo kéo dài trong 3 tháng, học 3 buổi/tuần gồm cả lý thuyết và thực hành, học phí hơn 2 triệu đồng/khóa. Ngoài ra, còn có nhiều nhóm lồng tiếng khác cũng tổ chức đào tạo.
“Hiện nay số lượng diễn viên lồng tiếng tại TP.HCM có đến hàng trăm người, họ đầu quân cho hơn 10 nhóm lồng tiếng cũng như các đài truyền hình, các hãng phim. Không chỉ lồng tiếng cho các phim chiếu trên Đài truyền hình TP.HCM mà còn cho các đài truyền hình tỉnh như: Vĩnh Long, Long An, Bình Dương, Đồng Nai... Do đó, nhu cầu về diễn viên lồng tiếng khá cao. Đây là cơ hội tốt cho các bạn trẻ đam mê công việc này”, anh Đạt Phi cho biết.
Bình luận
“Nếu ở thời phim bộ Hồng Kông thịnh hành, thiết bị kỹ thuật chưa hiện đại, mỗi khi lồng tiếng dàn diễn viên phải tập hợp đông đủ để lồng, thì hiện nay, kỹ thuật hiện đại, một người hay nhiều người lồng cùng nhau đều được. Kỹ thuật cũng giúp diễn viên rất nhiều trong việc khớp miệng, điều chỉnh âm lượng...”.
Đạt Phi (Diễn viên lồng tiếng)
“Nghề lồng tiếng cho phim thịnh hành từ thời phim bộ Hồng Kông ở thập niên 1990, sau đó một thời gian tạm lắng. Vào đầu năm 2000 đến nay là lúc nghề này thịnh nhất, khi đài đài lồng tiếng, nhà nhà lồng tiếng cho phim, giúp nhiều bạn trẻ có một nghề ổn định, thu nhập cao”.
Thế Phương (Diễn viên lồng tiếng )
“Vẫn còn điều không vui trong nghề, đó là việc tuyển dụng người vào ào ạt để đào tạo, thu tiền rồi sau đó sa thải, tạo nên những vết đen cho nghề”.
Xuân Tâm (Chủ nhiệm bộ môn lồng tiếng, Nhà văn hóa Điện ảnh TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.