Nỗi niềm trên khán đài Lusail tráng lệ

Đỗ Hùng
Đỗ Hùng
08/12/2022 09:54 GMT+7

“Anh ơi, sao anh không chụp hình cho tôi?”. Tôi quay lại, thấy anh bảo vệ Rehman Khaista đang cười với mình.

Trên khán đài sân Lusail sau trận thắng của Bồ Đào Nha trước Thụy Sĩ, tôi đã chụp hình cho cả trăm người, Iraq có, Palestine có, Oman có, Kuwait có, Việt Nam có, nói chung là họ đến từ bất kỳ nơi đâu miễn là cùng chung tình yêu bóng đá. Ấy thế mà trong đầu tôi lại không mảy may có ý tưởng sẽ chụp một tấm hình thật chỉn chu cho cái anh bảo vệ trong bộ đồ xanh lá cây cứ không ngừng loay hoay làm nhiệm vụ từ đầu trận đến giờ.

“Ồ, xin lỗi, anh đứng ngay ngắn lại cho tôi. Xích sang đây một chút, thế nhé”, tôi vừa hướng dẫn vừa bấm máy rẹt rẹt. “Mặt anh có cần nghiêm trọng quá vậy không? Cười lên xíu đi”, tôi đã cố hết sức mà Rehman vẫn không cười nổi, nhưng dù sao anh cũng đã có được những tấm ảnh có độ phân giải cao trong sân vận lớn nhất World Cup.

Anh Rehman quay lưng về phía sân đấu

Tôi vào sân xem trận Bồ Đào Nha gặp Thụy Sĩ hơi trễ do trước đó phải lên sóng bình luận trực tiếp. Thành ra khi lách vào ghế ngồi của mình thì thấy nó đã bị chiếm dụng. Giữa lúc tôi đang khom lưng trao đổi với cái anh chàng ngồi nhầm ghế của mình, từ phía sau có người lên tiếng: “Anh kia ơi, anh cho tôi xem vé”. Tôi quay lại, đấy là một anh bảo vệ da ngăm đen, nhiều râu và mặt nghiêm nghiêm như hàng trăm anh bảo vệ trên khắp các sân đấu World Cup mà tôi từng gặp từ đầu giải tới giờ.

Đó là những con người mà suốt cả trận đấu cứ quay lưng về phía sân, mắt không ngừng rà quét khu vực khán giả mà mình phụ trách để kịp thời nhắc nhở hay can thiệp. Có người kê chân lên hàng ghế trước - nhắc nhở ngay! Có người đứng che tầm nhìn của người sau - nhắc nhở ngay! Có người đôi co nhau - can thiệp ngay! Ai loay hoay tìm kiếm chỗ ngồi - hướng dẫn ngay, hoặc là chỉ sang các tình nguyện viên để được chỉ dẫn.

Một gia đình UAE muốn lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ trên khán đài

Thoạt tiên, tôi nghĩ rằng họ là những con người của công việc. Với họ, bóng banh, sân đấu cũng chỉ là nơi họ làm việc mà thôi. Nhưng qua nhiều lần quan sát và tiếp cận, tôi nhận ra họ cũng là những cổ động viên bóng đá thực thụ, vài người còn sốt sắng bày tỏ sự cuồng nhiệt của mình. Bên ngoài sân Education City sau trận Hàn Quốc thắng Bồ Đào Nha, một anh bảo vệ gốc Ấn đã vẫy tôi lại: “Anh là người Hàn Quốc à?”. “Không, Việt Nam”. “Anh ủng hộ Hàn Quốc chứ?”. Tôi khẽ gật đầu và cười. Anh ta như tìm được đồng minh: “Tôi cũng thế. Tôi ủng hộ các đội châu Á”.

Thi thoảng trên sân, tôi để ý bèn phát hiện ra có mấy ông bảo vệ lơ là nhiệm vụ. Bằng chứng là thi thoảng họ chăm chú xem các pha quay chậm tình huống ghi bàn trên màn hình ở bàn làm việc của phóng viên trong sân đấu. Nhưng những pha vụng trộm ấy không bền vững, bởi lẽ luôn có những ông cấp cao hơn lăm le nhắc nhở họ tập trung cho nhiệm vụ.

Rehman Khaista cũng luôn ở trong cái thế phân thân ấy, giữa một bên là con người của công việc, bên kia là một cổ động viên bóng đá. Suốt trận đấu trên sân Lusail, anh quay lưng về phía sân, có vẻ dửng dưng với diễn biến trên sân. Khi gần cả sân vận động đồng thanh hô to tên Ronaldo, như gây áp lực để HLV đội Bồ Đào Nha đưa cầu thủ này vào sân, Rehman càng căng thẳng hơn. Anh quan sát mọi động tĩnh trong đám đông trước mặt. Vài người phấn khích đứng lên ghế liền bị nhắc nhở. Một số người khác tranh thủ ra chỗ lan can tầng 6 chụp hình liền bị anh lùa vào vì che tầm nhìn của các khán giả phía sau. Một vài lần, sự cương quyết của anh cùng đồng đội đã dập tắt các pha cự cãi trước khi chúng kịp bung lên thành ẩu đả. Một lần khác, anh kiên trì bám đuổi theo một cổ động viên ngoan cố không chịu cho anh kiểm tra thanh nhựa màu đỏ trong tay mà nhìn qua thì hơi giống cán dao găm.

Những người đàn ông Palestine mang theo ước vọng lên khán đài World Cup

ĐỖ HÙNG

Anh Rehman cũng muốn có hình đẹp

Trận đấu kết thúc, và bởi vì Bồ Đào Nha thắng quá đậm nên không có cái cảm giác phấn khích tột độ hay thở phào nhẹ nhõm trên khán đài. Mọi người hân hoan, vui vẻ chụp hình ghi lại những khoảnh khắc “chỉ có một lần trong đời” trên khán đài đấu trường Lusail tráng lệ.

“Anh chụp hình cho chúng tôi với!”, một nhóm ba anh chàng Kuwait gạ gẫm tôi. “Anh nhớ gửi hình cho tụi tôi qua WhatsApp nhé!”, một anh Iraq nói. “Anh chụp giúp hai chúng tôi tấm hình đi”, hai anh chàng với chiếc khăn có in chữ Palestine vẫy tôi. “Mấy anh đứng ra đây, tôi chụp cho tấm ảnh đàng hoàng nào”, tôi nói với ba anh chàng Việt Nam mặc áo cờ đỏ sao vàng, trong đó có một anh đội nón lá. Trong lúc tôi loay hoay chạy qua chạy lại một góc khán đài, không quên ghé mắt trông chừng cái túi xách để nơi hàng ghế của mình, Rehman như biết ý đã kéo chiếc túi ấy lại gần chỗ anh đứng. “Anh yên tâm, không ai lấy đâu, nhưng để đấy lỡ có người vô ý giẫm chân lên thì vỡ máy móc của anh. Để đây tôi trông cho”, nghe anh bảo thế, tôi liền yên tâm tập trung vào công việc mới phát sinh nhưng cũng hay hay này.

Người bảo vệ tên Rehman tại nơi anh thường làm nhiệm vụ trên sân Lusail sau khi khán giả đã về gần hết

Tôi may mắn được có mặt trên nhiều khán đài, tại nhiều kỳ World Cup khác nhau. Nhưng đối với mỗi người ở đây, có khi chỉ riêng việc được có mặt trên khán đài này thôi đã là sự kiện có một không hai của bản thân họ rồi. “Anh biết sao tôi gọi tên Ronaldo không? Tôi chỉ có vé xem trận này nên sẽ thật đáng tiếc nếu không được nhìn Ronaldo thi đấu”, anh chàng Razaq Ahmed người Kuwait giải thích khi nhờ tôi chụp hình anh ta cùng hai anh bạn đồng hương. Hai anh chàng Palestine thì giương cao chiếc khăn có tên gọi miền đất của họ, như ước nguyện những tao loạn lửa binh rồi sẽ sớm qua. “Tôi xin lỗi, nhưng tôi chưa từng hình dung mình sẽ gặp những cổ động viên Palestine trên khán đài World Cup, với chiếc áo in tên Ronaldo trên lưng”, tôi chia sẻ. Anh chàng Abdul Labhan đáp: “Anh hình dung Palestine chỉ có đánh nhau thôi, đúng không? Thực ra thì chúng tôi cũng đá bóng, cũng kinh doanh và cũng đi du lịch. Đây là lần đầu tiên World Cup diễn ra tại thế giới Ả Rập, cách không xa Palestine nên chúng tôi phải đi bằng được”.

Những con người chợt gặp, những câu chuyện được kể tình cờ trên khán đài cứ thế vun bồi thêm trải nghiệm của tôi. Thế rồi rất lâu sau đó, khi những khán giả lưu luyến bịn rịn cuối cùng đã chịu rời sân, tôi liền quay lại lấy túi xách. “Anh ơi, sao anh không chụp hình cho tôi?”. Tôi khựng lại trước câu hỏi ấy của Rehman. Trong lúc mải mê làm việc, và mải mê tham dự vào cuộc vui trên khán đài cùng các khán giả khác, tôi hầu như đã quên mất rằng cái anh bảo vệ từ đầu tới cuối luôn quay lưng về phía sân cỏ này cũng chỉ là một người bình thường, một cổ động viên bóng đá. Anh cũng có nhu cầu lưu lại một vài khoảnh khắc đáng nhớ nơi đấu trường Lusail choáng ngợp. “Anh đứng đây, xích sang bên này xíu. Cười lên đi, đừng nghiêm trọng quá”, tôi lập tức nhận ra sự vô tâm của mình và liền sửa sai.

Hôm đó, tôi đã nán lại trung tâm báo chí ở sân thật lâu sau trận đấu để xử lý bài vở, cũng như để gửi đi những tấm hình vừa chụp trên khán đài. Tôi đã gửi cho Abdul người Palestine, Razaq người Kuwait và hàng chục người khác. Nhưng trước hết, tôi đã gửi cho anh bảo vệ Rehman. “Cho anh có cái mà khoe với vợ”, tôi nhắn thêm dòng chữ như vậy khi nhận thấy những tấm hình mình gửi đi được người nhận nhìn thấy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.