Nỗi niềm học thi "cuốn chiếu"

27/12/2007 21:18 GMT+7

Để giảm tải cho sinh viên (SV), hoặc do thiếu giáo viên, không đủ phòng học mà nhiều trường đang áp dụng hình thức học thi "cuốn chiếu".

Dễ ôn tập và... mau quên

Vào những học kỳ chuyên ngành, trường CĐ Kinh tế kỹ thuật công nghiệp II thường tổ chức cho SV học và thi "cuốn chiếu" để giảm tải vào cuối học kỳ. Lớp Công nghệ sợi năm cuối có 5 môn thi chia thành 2 đợt học, trong đó 2 môn học xong đã thi trước, 2 môn khác đang ôn và chuẩn bị thi, còn 1 môn phải lên lớp.

Học kỳ thứ 4, để chuẩn bị cho tháng thực địa ở Nam Bộ và dành học kỳ cuối cho việc ôn thi và làm luận văn tốt nghiệp, các SV bộ môn Nhân học trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cũng vào chương trình "cuốn chiếu". Ở học kỳ thứ 5, ngoài 2 môn học theo lịch chung của trường thì còn 12 môn khác được học theo lịch cuốn chiếu của khoa. 32 tín chỉ, có môn 4 tín chỉ, môn 2 tín chỉ nên một học kỳ có thể chia thành 3 đợt học, môn nào kết thúc trước thì bổ sung tiếp môn khác. "Dàn trải chương trình học và thi là cách tốt để giảm tải bài vở cho SV. Tuy nhiên, nhiều khi suốt buổi chỉ học một môn với một giáo viên nên dễ gây buồn ngủ và mỏi mệt cho SV", Tống Phương - SV bộ môn Nhân học trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM nhận xét.

Với SV một số ngành trường ĐH Văn Hiến thì ngay từ năm đầu đã làm quen với cách học này, như Ngữ văn, Xã hội học... "Ưu thế của hình thức học thi này là dễ ôn tập vì vừa học xong nên kiến thức còn mới. Tuy nhiên, khi thi xong SV hầu như không quan tâm thêm về môn học đó nên cũng nhanh quên hơn. Hoặc có những môn cần nhiều thời gian để đọc tài liệu, đọc tác phẩm văn học, nghiên cứu sách vở... thì sẽ bị hạn chế nhiều với hình thức học nhanh thi gọn này", Nguyễn Loan - SV ngành Ngữ văn trường ĐH Văn Hiến cho biết.

Trường hợp như của K.C - SV năm II khoa Kiến trúc trường ĐH Kiến trúc TP.HCM lại khác: "Năm học này phải học cuốn chiếu, vừa chạy đồ án vừa học bài, ôn thi. Có khi tuần này lên đồ án tập trung, tuần sau thi, tuần tiếp theo lại lên đồ án tập trung, áp lực rất nặng. Đặc biệt, trường hợp như môn Toán cao cấp 3 là một trong những môn học "cuốn chiếu" đợt thứ 2 của học kỳ này, do học thiếu buổi và không học bù sớm nên hôm qua lớp em vừa kết thúc chương trình thì hôm nay đã phải thi luôn theo lịch thi chung của trường cùng các lớp khác. Vì vậy, không chỉ vất vả mà nhiều người còn đang phấp phỏng sợ bị rớt môn".

"Cuốn chiếu" tập trung

Bước vào những môn học chuyên ngành, các SV ngành Công nghệ hóa dầu trường ĐH dân lập Hải Phòng bắt đầu với những tuần "cuốn chiếu" tập trung. Cứ 3 đơn vị học trình thường học trong một tuần nên tùy theo môn có số lượng đơn vị học trình nhiều ít mà thời gian có thể một hay hơn một tuần học tập trung. Thông thường cách ít nhất một tuần sau đó sẽ thi, mỗi đơn vị học trình SV sẽ được nghỉ một ngày để ôn thi. Sắp xếp được sẽ thi ngay sau khi học, có khi dồn vào thi tập trung trong cuối kỳ.

Vì giáo viên từ Hà Nội đến nên một khi tuần tập trung bắt đầu thì các môn học cơ sở khác đều phải tạm ngưng hết để tập trung vào môn học "cuốn chiếu". Những môn học bị tạm ngưng sẽ tiếp tục học trở lại khi môn học "cuốn chiếu" kết thúc. Mỗi tuần học "cuốn chiếu" chỉ tập trung cho môn học đó từ đầu tuần đến cuối tuần. SV mỗi ngày lên lớp 2 buổi, nếu các ngày trong tuần không học hết chương trình thì SV phải tiếp tục học vào thứ bảy và chủ nhật. Mỗi ngày bắt đầu từ 7 giờ 30 sáng đến 11 giờ trưa, từ 1 giờ 30 chiều đến 5 giờ. Tuy nhiên, vẫn theo quy định chung về việc nghỉ giải lao giữa giờ của trường, kết thúc mỗi tiết học SV được ra chơi một lần.

"Các môn chuyên ngành như Công nghệ hóa dầu, Hóa công, Hóa phân tích... chương trình nặng, trong khi lượng kiến thức đến quá dồn dập khiến SV rơi vào tình trạng quá tải. Những môn như Tiếng Anh chuyên ngành với đặc thù rất cần đầu tư thời gian nhưng chỉ học trong một vài tuần thì chất lượng học tập không đảm bảo. Đó là chưa kể việc giáo viên từ xa đến không thể quản lý tốt các SV theo học trong lớp, nhiều khi SV có việc cần hỏi thêm giáo viên cũng không được. Rồi, lịch học không ổn định do phải thường thay đổi ưu tiên những lớp "cuốn chiếu" nên cũng ảnh hưởng đến những môn học khác", Trịnh Tiến Lập - SV ngành Công nghệ hóa dầu khóa VI trường ĐH dân lập Hải Phòng bức xúc.

Những SV trường ĐH Kiến trúc TP.HCM - cơ sở Vĩnh Long cũng trong tình trạng tương tự. Thông thường, một tuần giáo viên từ TP.HCM chỉ xuống cơ sở của trường dưới Vĩnh Long 2 đợt: chiều chủ nhật xuống chiều thứ tư về, chiều thứ tư xuống và chiều thứ sáu về. Tuần chỉ học 2 môn nhưng có khi môn này nhiều tuần sau mới tiếp tục học lại. Ví dụ, lớp KT06VL của khoa Kiến trúc hệ chính quy năm thứ 2, học kỳ này có 10 môn được chia cho 15 tuần học, thêm 2 tuần dự trữ dành để học bù và ôn thi, tuần cuối thi tập trung các môn. Trong đó, môn Đồ án kiến trúc 1 được học ở tuần đầu tiên thì mãi tuần thứ 5 mới học tiếp chương trình, môn Ngoại ngữ học ở tuần thứ 2 nhưng tận tuần thứ 15 mới học tiếp, hay như môn Hội họa ở tuần thứ 4 và buổi tiếp theo vào tuần thứ 9... Mỗi ngày bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 11 giờ trưa, chiều từ 1 giờ 30 đến 5 giờ. Bình thường chỉ học từ thứ đến thứ sáu nhưng có khi vẫn phải học bù vào đêm hoặc các ngày cuối tuần. Như môn Cấu tạo kiến trúc phải học bù vào thứ bảy do trước đó nhà trường cho nghỉ ngày 20.11 hơn một tuần. Hay môn Toán cao cấp 3, giáo viên thay vì phải xuống Vĩnh Long thêm một ngày vào tuần khác để kết thúc môn thì cho SV học bù vào đêm thứ sáu. Tính ra, nguyên ngày thứ sáu hôm đó từ 7 giờ sáng đến 9 giờ đêm SV chỉ toàn học Toán cao cấp 3.

"Học dưới này cũng hệ chính quy như các bạn trên TP.HCM nhưng tụi em lại thiệt thòi rất nhiều vì cơ sở không có giáo viên dạy chuyên ngành cố định. Trong đó, một lịch học không ổn định và dồn dập ảnh hưởng nhiều nhất đến việc học tập của SV", C.M - SV lớp KT06VL trường ĐH Kiến trúc TP.HCM - cơ sở Vĩnh Long tâm sự.

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.