Nỗi lòng kiếp cầm ca

Hoàng Kim
Hoàng Kim
21/12/2018 10:45 GMT+7

Kỷ niệm 100 năm cải lương, Nhà hát Trần Hữu Trang ra mắt vở Giấc mộng đêm xuân (soạn giả Nhị Kiều - Phi Hùng, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu) tại Nhà hát TPHCM đêm 20.12.

Khán giả đi sớm, khác hẳn thói quen rề rà trước nay và rạp không còn một ghế trống. Những tràng pháo tay liên tục cho những câu vọng cổ ngọt ngào, những tiếng cười thoải mái vì nghệ sĩ hài quá duyên… Vậy thôi, đủ cho một đêm dịu dàng ôm giấc mộng hoa vương.
Có người hỏi sao 100 năm cải lương mà chọn kịch bản này có vẻ “hơi nhẹ” so với những vở khác hoành tráng hơn, hào hùng hơn? Nhưng có thể nghĩ ở một góc cạnh khác, rằng Nhà hát Trần Hữu Trang chỉ muốn gửi gắm một thông điệp duy nhất, là hãy trân trọng cải lương, trân trọng người nghệ sĩ, nếu không cải lương sẽ mai một, sẽ không còn trăm năm nữa để mà tự hào, mà thương nhớ… Có trân trọng thì mới giữ gìn, phát triển, bằng không, cải lương sẽ bị vùi dưới sự rẻ rúng như gia đình ông phủ từng rẻ rúng cô đào Xuân và các nghệ sĩ trong gánh hát Tầm Xuân Ban. Cải lương không phải chỉ mua vui trong vài trống canh, mà nó đắp xây nhân cách, tô điểm cuộc đời, góp thêm những điểm sáng lung linh cho mỗi thân phận nhỏ nhoi. Vì thế hãy trân trọng cải lương!
Cậu Ba Lạc con ông huyện (nghệ sĩ Trung Dân) đang tán tỉnh cô đào Xuân (NSƯT Thanh Ngân) Ảnh: H.K
Hai vợ chồng ông phủ (NSƯT Quỳnh Hương - nghệ sĩ Linh Trung) rất mê cải lương, đi xem hát thì say sưa, liền tay thảy quạt thưởng tiền cho đào kép. Nhưng đến khi biết con trai mình là cậu Hai Tuấn (NSƯT Trọng Phúc) đem lòng yêu cô đào xinh đẹp tên Xuân (NSƯT Thanh Ngân) thì ông bà mạnh tay ngăn cản và nói những lời miệt thị kiếp cầm ca, lại đuổi luôn gánh hát ra khỏi phủ. Cậu Hai Tuấn bèn bỏ nhà đi theo ghe hát, cưới cô Xuân, sinh một đứa con. Từ một công tử nhà giàu, cậu rơi vào cảnh nghèo như nghệ sĩ, nhưng cậu không than vãn, mà sống đồng cam cộng khổ với mọi người, lại say sưa sáng tác kịch bản.
Hình ảnh gánh hát ngày xưa hiện về thật cảm động, ở đó người ta yêu thương đùm bọc nhau và cũng không thiếu phần dũng khí. Như kép Tư Vân (NSƯT Lê Tứ) nhất quyết từ chối quà cáp cũng như tình cảm của cô Tuyết (nghệ sĩ Thu Vân) vì không muốn bị xem là lợi dụng nhà giàu. Như ông bầu gánh (NSƯT Tấn Giao) nhất quyết không chịu diễn tuồng ca ngợi kẻ ác của địa phương, nên bị chính quyền làm khó dễ.
Đời nghệ sĩ cứ thế treo mong manh trên sợi dây nghiệp dĩ, vừa kiên cường, vừa bi thương, vừa thăng hoa rạng ngời như vua chúa trên sàn diễn, vừa rớt xuống tận cùng cơ cực của đời thường. Họ không khác gì chiếc ghe bầu lênh đênh sông nước, bến bờ thì có đó nhưng vô định, vô thường. Chẳng biết đâu mới là bến đỗ vững vàng, khi mà dòng đời còn đưa đẩy với bao nhiêu định kiến.
Cậu Hai Tuấn (NSƯT Trọng Phúc) van xin cha mình là ông phủ (nghệ sĩ Linh Trung) chấp nhận mối tình của cậu với cô đào Xuân Ảnh: H.K
Cô đào Xuân, kép Tư Vân cũng như bao nhiêu người bình thường khác, cũng mơ một mái ấm gia đình với vợ chồng con cái quây quần hạnh phúc. Họ tuy lênh đênh sông nước nhưng vẫn muốn hạnh phúc bám vững chắc vào bến bờ chung thủy. Thế nhưng người đời đã gắn cho họ hai chữ “xướng ca” như một kiểu mặc định không mấy tốt. Thế là họ chia uyên rẽ thúy, như ông bà phủ đã bắt giam ông bầu để làm áp lực buộc cậu Hai Tuấn về với gia đình, cưới vợ sang giàu, danh giá. Nhưng không ngờ, chính cô Thanh (NSƯT Lê Hồng Thắm) vợ hứa hôn của cậu Hai lại giàu lòng nhân ái, đã chủ động từ hôn để đôi uyên ương kia được trùng phùng. Và ông bà phủ đã chấp nhận cô con dâu đào hát, lại đầu tư cho gánh hát đẹp hơn hòng giữ cho cải lương còn sáng đèn phục vụ nhân gian.
Một cốt truyện giản dị và có hậu, điều nổi bật là những phẩm cách nghệ sĩ đã khiến người xem cảm động và suy nghĩ, từ đó mà trân trọng cải lương và những người làm nghề. Phần đầu lại đẹp và hấp dẫn vì gánh Tầm Xuân Ban diễn tuồng Mộng hoa vương cho ông bà phủ xem nên đào kép sắm tuồng rực rỡ, áo mão lung linh, sắc diện phong quang xinh xắn… Đó cũng là cách thu hút khán giả. Những nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Trần Hữu Trang đã chinh phục được người xem bởi lối ca diễn chỉnh chu, ngọt ngào. Đặc biệt hai cây hài Trung Dân và Hoài Linh điểm xuyến vào với hai nhân vật (cậu Ba Lạc con trai ông huyện và thằng Chít người hầu của gia đình ông phủ) khiến cho vở tuồng tươi tắn dễ thương vô cùng. Trung Dân quả không hổ danh lão tướng, anh hài nhẹ như không, tung chiêu không ồn ào cường điệu mà khán giả cứ bật cười.
Nói chung là một vở dễ xem, như một lời thủ thỉ tâm sự nỗi lòng trăm năm… Chỉ lo chiếc ghe hát của cải lương trôi tới bây giờ đã tìm được bến hay chưa?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.