Nới lỏng chính sách tiền tệ, cứu doanh nghiệp

Thanh Xuân
Thanh Xuân
18/07/2023 06:33 GMT+7

Chính sách tiền tệ từ chỗ thắt chặt đang được Chính phủ chỉ đạo nới lỏng. Các bộ, ngành cũng kiến nghị tương tự. Thế nhưng nếu không đẩy mạnh cung tiền và sửa đổi một số quy định trong Thông tư 06 Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành, thì e rằng việc nới lỏng khó có hiệu quả.

Không cung tiền thì giảm lãi vay, nới room cũng vô nghĩa

Bộ KH-ĐT vừa kiến nghị điều chỉnh định hướng điều hành chính sách tiền tệ từ "chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả" sang "chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả". Trước đó, Nghị quyết 97 của Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) "thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả...".

Nới lỏng chính sách tiền tệ, cứu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Ngân hàng cần sửa đổi những quy định gây khó tiếp cận vốn trên thị trường

NGỌC THẮNG

Sở dĩ việc "nới lỏng" được kiến nghị, chỉ đạo liên tục bởi thực tế, việc thắt chặt chính sách tiền tệ kéo dài đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Đặc biệt là tình trạng doanh nghiệp phải "bán mình" với giá rẻ vì không thể tiếp cận được tín dụng từ hệ thống NH.

TS Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, phân tích từ năm 2022 đến những tháng đầu năm 2023, chính sách tiền tệ vẫn duy trì theo hướng "thắt chặt", mà biểu hiện là lãi suất tăng liên tục, đặc biệt là lãi suất cho vay, cùng với đó là hoạt động hút tiền của NHNN trên thị trường. Việc này là nhằm theo đuổi mục tiêu chống lạm phát. Thế nhưng tình hình hiện nay đã hoàn toàn thay đổi, lạm phát trong nước đã được kiểm soát nên cần phải thay đổi mục tiêu, đó là hỗ trợ kinh tế tăng trưởng. 

Tuy nhiên, ông Chí cũng khuyến cáo việc nới lỏng cần được thực hiện thực chất. "Chúng ta đều thấy, NHNN đã thực hiện 4 lần giảm lãi suất kể từ tháng 3 đến nay, mặt bằng lãi suất cũng đã giảm so với đầu năm nhưng tại sao tăng trưởng tín dụng hiện nay vẫn đang rất thấp (6 tháng đầu năm chỉ tăng 4,7%)", ông Chí đặt vấn đề và nhấn mạnh việc nới lỏng tiền tệ không hẳn nằm ở giảm lãi suất mà cần bơm tiền ra. Vừa qua, NHNN đã nới hạn mức tín dụng cho nền kinh tế từ 11% lên 14%, nhưng nếu không cung tiền thì điều này cũng vô nghĩa.

"Các công cụ điều tiết cung tiền ra nền kinh tế như kênh tái cấp vốn, chiết khấu giấy tờ có giá cần hoạt động mạnh hơn nữa để từ đó NH có thể tiếp cận được nguồn vốn rẻ để cho vay. Trong giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ, kênh chiết khấu giấy tờ có giá bị hạn chế rất nhiều. Nay các NH ôm trái phiếu Chính phủ có thể thực hiện chiết khấu giấy tờ có giá, tiếp cận vốn rẻ cho vay ra thị trường", TS Lê Đạt Chí nói.

Xóa bỏ "rào cản" tiếp cận vốn của Thông tư 06

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, chỉ đạo nới lỏng chính sách tiền tệ nói trên của Chính phủ trong điều kiện hiện nay là cần thiết. Đây cũng là cơ hội, quyết sách giữ vai trò quyết định trực tiếp để hỗ trợ nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay.

Còn hơn tháng rưỡi nữa là Thông tư 06 có hiệu lực thi hành. Do đó, NHNN cần xem xét sửa đổi để có thể phù hợp với định hướng chính sách tiền tệ nới lỏng phù hợp mà Chính phủ đưa ra.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Thế nhưng theo ông Lê Hoàng Châu, chính sách nới lỏng sẽ không có tác dụng với lĩnh vực bất động sản, vốn đang chiếm hơn 12% GDP, nếu không sửa đổi Thông tư số 06 của NHNN (ban hành tháng 6.2023) quy định về hoạt động cho vay, có hiệu lực từ ngày 1.9, sẽ hạn chế việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp, cá nhân trong thời gian tới. 

"Thông tư 06 dựng thêm "rào chắn", làm cho việc tiếp cận tín dụng khó khăn hơn so với trước đây do đã tăng thêm từ 6 lên 10 trường hợp mà NH không được cho vay. Nhiều điều khoản trong đó dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực của nền kinh tế có nhu cầu vay vốn, các doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà sẽ rất khó tiếp cận được tín dụng, trong khi vốn tín dụng là "phao cứu sinh" để vượt qua khó khăn hiện nay", ông Châu nhận xét.

Cụ thể, khoản 8 của Thông tư 06 quy định "Tổ chức tín dụng không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom" sẽ hạn chế việc doanh nghiệp vay để góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; hạn chế khả năng thực hiện quyền tham gia đầu tư của các nhà đầu tư VN ngay ở giai đoạn ban đầu.

Từ đó, có thể làm mất cơ hội của doanh nghiệp được tham gia đầu tư ở giai đoạn sớm vào các dự án khả thi, có hiệu quả, đồng thời cũng hạn chế khả năng thu hút, kêu gọi vốn sớm để có thể triển khai được các dự án của chủ đầu tư. Hạn chế này cũng làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp VN trên sân nhà khi mà các nhà đầu tư nước ngoài không bị hạn chế sử dụng vốn vay từ NH để làm vốn góp ban đầu.

Tương tự, khoản 9 điều 8 của Thông tư 06 quy định tổ chức tín dụng không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay. 

Quy định này chưa đồng bộ, thống nhất với điều 55 và điều 57 luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định phải đảm bảo "điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh" thì mới được giao dịch và thực hiện "thanh toán trong mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai". 

Bởi sau khi chủ đầu tư bỏ ra một khoản tiền lớn để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của dự án và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép xây dựng, thì đây là thời điểm họ có nhu cầu vay vốn tín dụng để xây dựng các hạng mục của dự án. Nhưng tại thời điểm này thì dự án đã có hồ sơ pháp lý nhưng "chưa đủ điều kiện kinh doanh". 

Không chỉ tác động đến lĩnh vực bất động sản, quy định này còn tác động tiêu cực lớn hơn cho đầu tư phát triển vì điều cấm này áp dụng cho mọi dự án đầu tư, trong đó có các dự án PPP hạ tầng, điện, nhà ở xã hội… Khi các dự án này đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, tức là doanh nghiệp đã chuẩn bị có thu từ dự án. Ví dụ, dự án điện khi đã hoàn công, đấu nối, phát thử nghiệm xong, đã có giá bán điện, thì thực tế bản thân chủ đầu tư không còn mục đích huy động vốn để thực hiện dự án đầu tư nữa.

"Điều cấm này đặt ra khả năng duy nhất cho các dự án là chủ đầu tư phải có đủ năng lực và tự mình vay vốn để thực hiện dự án, hoặc bên thứ ba khác nếu có đủ năng lực thì huy động vốn của nước ngoài để có thể tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh phát triển dự án. Như vậy, có thể thấy rõ khả năng phát triển, triển khai các dự án đầu tư sẽ bị ảnh hưởng và kéo dài vì số lượng nhà đầu tư đáp ứng điều này ở VN hiện không nhiều. Và như vậy, phát triển kinh tế chung của đất nước, cải thiện đời sống dân sinh sẽ bị ảnh hưởng", ông Lê Hoàng Châu phân tích và đề nghị cần phải xem xét bỏ các quy định này. "Còn hơn tháng rưỡi nữa là Thông tư 06 có hiệu lực thi hành. Do đó, NHNN cần xem xét sửa đổi để có thể phù hợp với định hướng chính sách tiền tệ nới lỏng phù hợp mà Chính phủ đưa ra", ông Châu nói. 

Liệu lãi suất ngân hàng và chính sách tiền tệ có thể cứu được nền kinh tế?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.