Nỗi lo xuất khẩu giảm tốc

18/08/2022 06:33 GMT+7

Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh đầu năm nhưng bắt đầu từ nửa cuối năm 2022 lại đột ngột giảm nhanh.

Đồ gỗ, dệt may báo động đỏ

Năm 2021, sau giai đoạn đình trệ vì ảnh hưởng đại dịch Covid-19, chỉ vài tháng cuối năm, xuất khẩu đồ gỗ đột nhiên tăng tốc ngoạn mục và về đích vượt chỉ tiêu kế hoạch. Sang năm 2022, tình thế gần như đảo ngược: Những tháng đầu năm, các doanh nghiệp (DN) đồ gỗ hoạt động tương đối ổn định nhưng đơn hàng xuất khẩu dần giảm sút; những tháng cuối năm, gần như tất cả DN đều đi xuống.

Đơn hàng xuất khẩu giảm sút cuối năm đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống công nhân, người lao động

Độc Lập

Bà Lê Thị Xuyến, Tổng giám đốc Công ty CP chế biến gỗ Thuận An (Bình Dương), chia sẻ: “Sau dịch, mặc dù khó khăn nhưng ngành gỗ lại có nhiều đơn hàng hơn trước vì người lao động làm việc online tại nhà, nên nhu cầu mua sắm trang trí nội thất tăng lên. Từ khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine, giá xăng dầu, giá cước, giá nguyên vật liệu tăng mạnh kéo theo tình trạng lạm phát leo thang khiến người dân chỉ chi tiêu cho nhu yếu phẩm, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gỗ giảm mạnh. Đối tác cũ thì yêu cầu hoãn, giãn thời gian giao hàng; đơn hàng mới thì chưa ký, một số đơn hàng bị hủy. DN gỗ vừa tăng tồn kho, vừa thiếu đơn hàng sản xuất, làm ảnh hưởng tới việc làm của người lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty trong những tháng cuối năm 2022”. Bà Xuyến cũng cho biết các DN còn phải đối mặt nhiều khó khăn về vốn, tiền lương lao động, nguyên liệu đầu vào nên “khó khăn chưa từng có: Số lượng lao động, thời gian làm việc của công nhân trong các nhà máy giảm trên 30%, và sản lượng sản phẩm giảm trên 40% so với những tháng đầu năm 2022”.

Tương tự, DN dệt may, da giày cũng sớm đánh mất niềm vui tăng trưởng những tháng đầu năm khi thị trường quý 3, quý 4/2022 đột ngột xấu đi, cùng với đó là giá cả đầu vào tăng cao, lợi nhuận thu hẹp. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN, lý giải do lạm phát ở nhiều nước đang gia tăng, sức mua toàn cầu giảm sút, lượng hàng tồn kho khá lớn khiến đơn đặt hàng mới giảm mạnh. Bên cạnh đó, giá bông nguyên liệu lại tăng gần 20% nên hàng dệt may VN chịu áp lực cạnh tranh lớn.

Ông Trần Thế Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty Giày Viễn Thịnh (Rich Ever), cho hay: “Trước đây, DN có thể nhận đơn hàng trước từ 1 đến 2 quý nhưng với những biến động thị trường, giờ chỉ nhận được đơn đặt hàng trước 2 - 3 tháng. Hiện nay, công nhân không còn nhiều đơn hàng để tăng ca nên thu nhập giảm, từ mức bình quân 10 triệu đồng/tháng đã giảm còn 6 - 7 triệu đồng, đời sống người lao động khá khó khăn”.

Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách VN, các DN thành viên cũng đối diện rất nhiều khó khăn, tỷ lệ tồn kho lên tới khoảng 40%, các đơn hàng mới từ tháng 8.2022 đến quý 1/2023 cũng ít đi. Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, thông tin đơn hàng những tháng cuối năm đang giảm dần, mức giảm hơn 30% so với cùng kỳ những năm trước.

Thủy sản, cao su giảm tốc

Là các mặt hàng tăng trưởng mạnh, đóng góp vào giá trị xuất siêu của ngành nông nghiệp nhưng đến những tháng cuối năm, thủy sản, cao su lại đang đối diện khó khăn và giảm dần tốc độ tăng trưởng. Ông Lê Thanh Hưng, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN, cho biết: “Mặc dù đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt trong việc gia tăng tối đa nguồn thu, kiểm soát giá thành nhưng yếu tố chi phí đầu vào liên tục tăng đã ảnh hưởng không tốt đến hoạt động kinh doanh của tập đoàn và các đơn vị thành viên. Vì thế, để đạt được chỉ tiêu, kế hoạch năm 2022 vẫn là thách thức rất lớn”.

Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) dự báo mức tiêu thụ toàn cầu năm 2022 là 15,026 triệu tấn, tăng 4,1% so với năm 2021. Như vậy, xét về yếu tố cung cầu năm 2022, sản lượng khai thác sẽ thấp hơn nhu cầu tiêu thụ cao su tự nhiên là 474.000 tấn. Tuy nhiên, xuất khẩu sản phẩm cao su và cao su thiên nhiên vẫn khó khăn do tình hình xung đột Nga - Ukraine kéo dài, diễn biến dịch bệnh tại Trung Quốc vẫn hết sức phức tạp sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ cao su tại quốc gia này, giá xăng dầu đang ở ngưỡng cao đã làm cho kinh tế thế giới dự báo sẽ còn suy thoái.

Là điểm sáng của bức tranh xuất khẩu nhưng ngành thủy sản gần đây đã bắt đầu chững lại. Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), sau khi tăng nóng từ 39 - 62% trong 4 tháng đầu năm, từ tháng 5, xuất khẩu thủy sản đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Tồn kho tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Mỹ đã đạt mức cao, do khối lượng nhập khẩu quá nhiều trong khoảng thời gian từ tháng 1 - 5 vừa qua. Cùng với việc vào mùa xuất khẩu thủy sản thấp điểm, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm tốc trong quý 3.

Bà Lê Hằng, Phó giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, chia sẻ: “Một trong những thị trường xuất khẩu tiềm năng cuối năm của VN là Nhật Bản cũng đang gặp khó khăn khi đồng yen rớt giá xuống mức thấp nhất trong 24 năm so với đồng USD. Đã xuất hiện tình trạng nhà nhập khẩu Nhật Bản đề nghị đàm phán lại giá nhập khẩu đề bù đắp những thiệt hại cho họ khi đồng yen sụt giá. Hoặc có tình trạng khách hàng đã ký hợp đồng từ trước nhưng xin đàm phán nhận hàng chậm lại. Bị thiệt nhiều khi đồng nội tệ mất giá, các nhà nhập khẩu của Nhật Bản cũng sẽ điều chỉnh kế hoạch cũng như nhu cầu nhập hàng trong giai đoạn này”.

Theo đại diện VASEP, trước áp lực lạm phát, giá thủy sản tại Nhật Bản liên tục tăng trong thời gian qua, càng làm cho người dân Nhật phải cân nhắc và thắt chặt chi tiêu, do vậy xuất khẩu thủy sản sang thị trường này cũng khó có những đột phá đáng kể từ nay đến cuối năm. Thị trường EU cũng đang bị khủng hoảng sau dịch Covid-19 và đặc biệt từ ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine. Lạm phát làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân châu Âu. Do vậy, những mặt hàng thủy hải sản giá cao sẽ nằm trong danh sách mà người tiêu dùng phải cân nhắc, tính toán.

DN cần sự hỗ trợ từ Chính phủ

Trước tình hình khó khăn do giá nguyên vật liệu tăng cao, nhu cầu tiêu thụ giảm sút, các hiệp hội ngành hàng đề xuất ngân hàng cần giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn các khoản vay đến hạn, cho vay thế chấp hàng tồn kho, vay tín chấp... đẩy nhanh chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ gói ngân sách 40.000 tỉ đồng để DN có vốn cho sản xuất, kinh doanh. Đẩy nhanh các gói kích thích và phục hồi kinh tế trong 6 tháng cuối năm, để tạo hiệu ứng lan tỏa, kích thích kinh tế khởi sắc nửa cuối năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.