Nỗi lo ứng xử bạo lực trong giáo dục

06/04/2018 07:42 GMT+7

Hàng loạt sự việc liên quan tới hành vi xấu của giáo viên trong thời gian gần đây mà đỉnh điểm là vụ cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng ở Hải Phòng, khiến cho hình ảnh người thầy trở nên méo mó, trong khi đó ngành GD-ĐT tỏ ra bất lực.

Theo PGS Vũ Trọng Rỹ (ảnh), Phó chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục VN, không một bộ trưởng Bộ GD-ĐT nào giải quyết được vấn đề khi mà căn nguyên không chỉ xuất phát từ câu chuyện của giáo dục.
PGS Vũ Trọng Rỹ
PGS Vũ Trọng Rỹ nhận xét: Bạo lực học đường, biểu hiện xấu trong mối quan hệ thầy trò, mối quan hệ giữa người thầy với phụ huynh phản ánh sự suy đồi đạo đức của cả xã hội chúng ta chứ không riêng của ngành giáo dục. Giáo dục hay kể cả y tế chỉ là những nơi cuối cùng xuất hiện các biểu hiện đó mà thôi. Cũng như câu chuyện cô giáo bắt học sinh (HS) uống nước giặt giẻ lau bảng. Nó là cá biệt, nhưng nó phản ánh mức độ suy đồi của đạo đức xã hội nói chung và giáo dục nói riêng. Vậy thì tìm căn nguyên là tìm tận gốc, chứ không thể chỉ đổ lỗi cho ngành giáo dục để rồi bắt giáo dục tìm giải pháp.
Người giỏi không ai vào sư phạm
Như cách ông nói, giáo dục phải là nơi khu trú an toàn cuối cùng của xã hội. Vậy mà dường như sự an toàn đó đang bị đe dọa?
Cần phải đặt câu hỏi tại sao các thầy cô giáo lại có những hành vi xấu như thế? Nếu người ta sống có mục đích, có lẽ sống phù hợp với đạo đức của nhân loại nói chung thì họ sẽ không hành xử như thế. Nhưng bây giờ nếu các thầy cô không có niềm tin vào cuộc sống, thì họ sẽ mất phương hướng, rối loạn hành vi. Vì thế, nếu tôi là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tôi cũng không biết giải quyết thế nào ngoài việc ký ban hành những công văn yêu cầu chấn chỉnh.
Tuy nhiên, nếu tuyển người vào sư phạm chọn lọc hơn thì có thể chúng ta sẽ loại trừ được nguy cơ…
Đúng là có thể nhận thấy chất lượng nguồn nhân lực ngành sư phạm rất thấp. Vào sư phạm là những ai? Rõ ràng không phải là những người giỏi, hay là những người tâm huyết. Nhưng bây giờ đặt tiêu chí dứt khoát vào ngành sư phạm phải giỏi, phải tâm huyết thì có được không?
Tôi cho là không. Bởi người giỏi, người tâm huyết vào sư phạm làm gì khi mà ra trường thì không có công ăn việc làm. Người ta chọn nghề khác, chẳng hạn như vào các trường của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, vì ra trường không phải “chạy” việc mà lương cao.
Vừa rồi Bộ GD-ĐT cho biết sẽ quy định điểm sàn ngành sư phạm. Quy định là một chuyện, người giỏi người tâm huyết có thèm vào không là chuyện khác. Nghị quyết T.Ư 8 nói lương giáo viên (GV) là cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp nhưng thực tế không làm được như vậy. Bộ GD-ĐT nói muốn tăng lương cho GV nhưng Bộ Tài chính nói không có tiền, không làm được.
Hãy giao cho Bộ GD-ĐT quản lý toàn bộ ngân sách cho giáo dục, đừng để cho địa phương quản lý.
Ngoài yêu cầu giải quyết đời sống cho GV thì cần giải pháp nào nữa?
Là vấn đề tinh thần, là sự tôn trọng thực sự của xã hội dành cho nhà giáo. Thời tôi đi học, hay cả sau tôi nhiều chục năm, không bao giờ có chuyện phụ huynh kéo đến đánh thầy cô giáo, phụ huynh đến bắt cô giáo quỳ. Bây giờ chuyện đó trở nên bình thường. Vị thế nghề giáo còn được tôn trọng, truyền thống tôn sư trọng đạo làm gì còn được như xưa! Nó là do hai phía, bản thân phẩm chất của ông giáo cũng đã suy giảm nhưng xã hội đối với nghề giáo cũng đã khác.
Vấn đề ở chỗ, cho dù phẩm chất người thầy suy giảm nhưng xã hội có quyền ứng xử tệ bạc với nhà giáo như vậy không? Tôi cho là không. Bố mẹ mình có những cái sai đối với mình, mình có quay lại chửi, đánh bố mẹ không? Chắc chắn là không.
Cho nên phương tiện thông tin đại chúng phải góp phần lên án hành vi ấy. Dù GV có lỗi cũng không làm như thế. Và chính quyền thì cần phải xử lý nghiêm khắc các hành vi xúc phạm, làm nhục nhà giáo. Thậm chí phải xử theo luật hình sự. Còn vi phạm ở mức độ thấp hơn, chính quyền địa phương phải có thái độ giáo dục, răn đe, nhắc nhở.
Vấn đề chính sách GV, hoặc xây dựng xã hội tôn sư trọng đạo không phải là giải pháp triệt để, giải quyết tận gốc. Theo lý thuyết hệ thống, giáo dục là một hệ thống con trong hệ thống xã hội, trong đó có nhiều hệ thống từ văn hóa, chính trị, kinh tế. Giáo dục chịu sự tác động của tất cả hệ thống con ấy. Hệ thống con giáo dục không thể vượt ra khỏi hệ thống xã hội được. Cho nên đừng nghĩ giáo dục sẽ tốt đẹp khi xã hội có biểu hiện suy đồi.
Ý kiến
Giáo viên chưa có điều kiện làm nghề một cách chất lượng
Ngành giáo dục đã không chọn được những người thực sự hiểu và có tâm huyết với nghề giáo, và cũng không được chủ động để sàng lọc những GV yếu kém. Chúng ta cũng chưa thực sự tạo điều kiện cho GV làm nghề một cách chất lượng. Lớp học quá đông, cơ sở vật chất thiếu thốn, sự lạc hậu về phương pháp, thiếu sự quan tâm, phối hợp giáo dục của phụ huynh HS, của gia đình, của xã hội… Nghề giáo cũng giống như những nghề khác, khi quá nhiều áp lực thì sẽ dễ xảy ra những sai lầm trong hành vi của mình.
PGS Chu Cẩm Thơ (Giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)
Chuẩn đánh giá giáo viên có vấn đề
Dù xã hội bên ngoài có thế nào thì giáo dục vẫn phải là nơi sạch nhất, an toàn nhất.Tổng kết đánh giá chuẩn nghề nghiệp của GV hằng năm trong đó có chuẩn đạo đức vẫn gần như đều khá giỏi, không có ai trung bình. Như vậy, việc đánh giá chuẩn GV của chúng ta đang có vấn đề.
GS Đinh Quang Báo (Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)

Bị nhắc xóa hình xăm, học trò đâm thầy giáo trọng thương
Vụ việc xảy ra tại Quảng Bình sáng 5.4. Theo Ban giám hiệu Trường THPT Trần Hưng Đạo (H.Lệ Thủy, Quảng Bình), sau khi dạy tiết thứ 3 môn vật lý tại lớp 12A6, thầy Nguyễn Văn Tiến (giáo viên chủ nhiệm lớp 12A6) ra về thì bị HS Ngô Văn Công (ở xã Ngư Thủy Trung, lớp trưởng lớp 12A6) dùng dao bấm dài khoảng 15 cm đâm vào bụng ngay khu vực cổng trường. Thầy Tiến gục xuống sân, sau đó được đồng nghiệp đưa đến Bệnh viện đa khoa H.Lệ Thủy cấp cứu và tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới để phẫu thuật. Nguyên nhân ban đầu là khi vào dạy, thầy Tiến thấy trên người Công có hình xăm nên đã nhắc nhở và cho nghỉ học về đi xóa. Công không đi xóa mà ra trước cổng trường ngồi đợi thầy Tiến. Gây án xong, Công vứt dao tại hiện trường và bỏ trốn. Công an H.Lệ Thủy đang truy tìm HS này và xử lý vụ việc.
T.Q.Nam
Chấm dứt hợp đồng với giáo viên bắt học sinh uống nước giặt giẻ
Ngày 5.4, Trường tiểu học An Đồng (H.An Dương, TP.Hải Phòng) đã có quyết định chấm dứt hợp đồng với cô Nguyễn Thị Minh Hương (25 tuổi, GV chủ nhiệm lớp 3A5), người đã ép HS súc miệng bằng nước giẻ lau bảng. Trước đó, chiều 3.4, bà Trần Thị Ngọc Bảo, Hiệu trưởng Trường tiểu học An Đồng, nhận được phản ánh của ông Phạm Khắc Thảo, ông nội HS Phạm Phương Anh (HS lớp 3A5) về việc cô Hương bắt cháu uống nước vắt từ giẻ lau bảng để phạt tội nói chuyện trong lớp. Kết quả xác minh của Trường tiểu học An Đồng khẳng định có sự việc; cô giáo Hương cũng thừa nhận việc làm của mình và tối 3.4 đã viết bản kiểm điểm, xin lỗi gia đình cháu Phương Anh.
Cô Hương có bằng cử nhân kinh tế và đại học sư phạm (văn bằng 2); ký hợp đồng lao động với Trường tiểu học An Đồng từ tháng 8.2017.
Lê Tân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.