Nỗi lo học sinh đuối nước

23/03/2019 09:21 GMT+7

Mới đây, 8 học sinh thuộc 2 trường tiểu học và THCS Hữu Nghị (Hòa Bình) đã bị đuối nước, tử vong. Tình trạng này xảy ra thường xuyên trong thời gian gần đây để lại nhiều hậu quả nặng nề.

Gia Lai là một trong những tỉnh có tỷ lệ học sinh (HS) đuối nước khá cao, song việc trang bị kỹ năng sinh tồn cho các em còn hạn chế. Tình trạng này kéo dài nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có những giải pháp quyết liệt.

Gần 160 HS tử vong trong 2 năm

Đã có nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra trên địa bàn Gia Lai để lại hậu quả nặng nề về nhân mạng cũng như tâm lý. Với địa hình đồi dốc, nhiều sông suối, hồ chứa; đặc biệt trong mùa khô, mùa lũ, nhiều trẻ em do sơ sẩy trượt chân xuống hồ nước sâu, suối dữ gây tai nạn đáng tiếc.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH Gia Lai, tỉnh này có số lượng HS bị đuối nước khá cao. Chỉ tính từ năm 2017 đến nay đã có 135 vụ đuối nước khiến 156 HS tử vong. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ đuối nước thương tâm như: phụ huynh thiếu quan tâm, nhắc nhở, giám sát con em mình; môi trường sống thiếu an toàn cho trẻ; đa số trẻ em chưa biết bơi; thiếu các khu vui chơi cho trẻ em, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa; cơ sở vật chất để phổ cập môn bơi chưa được đầu tư thỏa đáng.
Nhiều vụ đuối nước tập thể xảy ra đã gây hậu quả nặng nề. Chẳng hạn, vào đầu tháng 6.2017, một nhóm HS ở H.Ia Grai rủ nhau đến một hồ chứa nước tưới cà phê tắm và không may bị trượt chân.
Hậu quả 4 HS là Nguyễn Hải Yến (11 tuổi), Nguyễn Thị Ngọc Hảo (10 tuổi), Đỗ Ngọc Thuận (9 tuổi) đều trú tại xã Ia Sao và Tống Thị Quỳnh Hương (9 tuổi) trú tại xã Ia York, đều tử vong trong tình trạng bám chặt lấy nhau.
Người duy nhất thoát nạn là em Tống Thị Anh Thư. Theo người nhà của em Thư, rất nhiều tháng sau, em vẫn bị ác mộng và hay hoảng loạn. Đây là một trong rất nhiều vụ đuối nước mà nguyên nhân là các em thiếu kỹ năng sinh tồn, đặc biệt là không biết bơi.

Môn bơi chưa đưa vào chương trình chính khóa

Gia Lai hiện có 788 trường học, hơn 390.000 HS. Song, bộ môn bơi vẫn chưa được đưa vào dạy trong chương trình chính khóa vì nhiều trở lực như số bể bơi quá ít, kinh phí đầu tư chưa chú trọng trang bị bể bơi trong trường học… Theo thống kê, toàn tỉnh có chưa đến 20 bể bơi trong các trường học. Ngoài ra còn có 35 bể bơi của các hộ cá thể, doanh nghiệp. Song số này chỉ tập trung ở TP.Pleiku. Đây là con số quá ít đối với số lượng HS hiện có.
Việc dạy bơi và kỹ năng sinh tồn cho HS đặc biệt cần thiết để tránh cho các em khỏi những tai nạn thương tâm.
Ông Phạm Long Trọng, Giám đốc Công ty huấn luyện kỹ năng Đồng Đội Tây Nguyên, cho biết: “Theo chúng tôi tìm hiểu, các trường học ở Gia Lai hầu như chưa đưa môn bơi lội vào nội dung giảng dạy. Việc dạy bơi theo chúng tôi là hết sức cần thiết nhằm trang bị thêm cho các em kỹ năng sinh tồn. Năm vừa qua, chúng tôi cũng tổ chức chương trình 27 giờ chống đuối nước để dạy cho HS. Các em cần khoảng một tuần đến 10 ngày là bơi được. Các em được học về các kỹ năng như hô hấp nhân tạo, khả năng giữ thăng bằng khi xuống nước, học bơi… Hơn 300 em đã theo học các lớp này. Tuy nhiên, chúng tôi không thể tổ chức cho các em ở vùng sâu vùng xa vì chưa đủ điều kiện”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Văn Căn, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Gia Lai, nói: “Sở đã cùng với các ngành chức năng khác tổ chức tuyên truyền, cảnh báo để giảm thiểu số trường hợp tử vong do đuối nước. Một số bể bơi thông minh cũng được đầu tư cho một số trường. Tuy nhiên, thiếu bể bơi và chưa có môn bơi trong chương trình học ở đa số trường học là thực tế”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.