Nỗi lo đăng kiểm

22/12/2022 04:16 GMT+7

Đến hôm qua (21.12), Cục Đăng kiểm Việt Nam ra quyết định tạm đình chỉ toàn bộ hoạt động kiểm định xe cơ giới trong thời hạn 3 tháng đối với 2 trung tâm đăng kiểm 50-17D (H.Nhà Bè, TP.HCM) và 50-10D (H.Củ Chi, TP.HCM), do vi phạm quy định tại Nghị định 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Trước đó, ngày 19.12, cũng vì vi phạm như vậy, 2 trung tâm đăng kiểm (TTĐK) 50-07V (P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, TP.HCM) và 50-15D (P.Long Thạnh Mỹ, Q.9, TP.HCM) đã bị Cục Đăng kiểm Việt Nam tạm đình chỉ hoạt động.

Ngày 20.12, Công an TP.HCM cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với 33 bị can về các tội “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ”, “môi giới hối lộ” và “giả mạo trong công tác”. Đồng thời khám xét tại 9 TTĐK. Theo đó, những người làm công tác chuyên môn tại các TTĐK trên đã nhận tiền để bỏ qua lỗi vi phạm của hơn 70.000 phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Thực tế, tình trạng “ăn tiền” để bỏ qua lỗi khi đăng kiểm phương tiện cơ giới không hề mới. Báo chí từng nhiều lần “chỉ mặt đặt tên” những vi phạm này rất rõ ràng. Thế nhưng, mỗi lần như vậy thì kết quả phần lớn chỉ là kỷ luật, đình chỉ công tác một số người liên quan. Nhìn chung rất “giơ cao đánh khẽ”. Cứ thế, “ung nhọt” nay vỡ ra thì chỉ riêng các TTĐK vừa bị điều tra đã bỏ qua lỗi vi phạm của lên đến 70.000 phương tiện.

Suốt nhiều năm qua, tai nạn giao thông luôn là một tồn tại đáng lo gây hậu quả về nhân mạng lẫn tài sản. Trong khi đó, việc đăng kiểm lại có quá nhiều tồn tại dẫn đến tình trạng nhiều phương tiện giao thông không đủ tiêu chuẩn theo quy định vẫn vô tư tham gia giao thông. Thực tế, đã có những vụ việc mà cảnh sát giao thông phải cắt gọt các thùng xe tải được cơi nới. Việc cơi nới như thế nhằm chở nhiều hàng hơn so với thiết kế của xe, và khi chở hàng nhiều hơn mức thiết kế xe cho phép thì chắc chắn không còn an toàn, bởi các hệ thống an toàn của xe như hệ thống phanh đều được nhà sản xuất tính toán dựa trên thiết kế chung.

Thực tế trên đặt ra câu hỏi là làm sao để giảm thiểu tai nạn giao thông khi các TTĐK lại để cho xe vi phạm được lưu hành? Liệu những phương tiện giao thông gây tai nạn có thực sự đạt chất lượng như các chứng nhận đăng kiểm kèm theo hay không? Và rồi hành vi vi phạm của các TTĐK thì đã rõ, nhưng còn trách nhiệm của cơ quan chức năng liên quan ở đâu khi để những “ung nhọt” như vậy tồn tại suốt nhiều năm qua, dù báo chí đã nhiều lần lên tiếng.

Ngay sau khi nhiều TTĐK bị xử lý, tình trạng ùn ứ đã xảy ra ở nhiều TTĐK tại TP.HCM dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ đến ngành vận tải vốn đang vào “mùa” của giai đoạn cuối năm.

Chính vì thế, bên cạnh việc cần làm rõ trách nhiệm quản lý, Cục Đăng kiểm Việt Nam cần nhanh chóng xử lý tình trạng ùn ứ để đảm bảo cho ngành giao thông vận tải ổn định hoạt động trong bối cảnh kinh tế đang nỗ lực hồi phục sau đại dịch Covid-19. Nếu không kịp thời ổn định, hậu quả của những vụ việc trên còn lan rộng hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.