Nối liền Lạng Sơn đến Cà Mau

Mai Hà
Mai Hà
02/01/2023 05:50 GMT+7

Sáng 1.1, ngày đầu tiên năm 2023, tại Quảng Ngãi , Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.

10 năm tới phải làm gần 4.000 km cao tốc

Từ điểm cầu Quảng Bình (dự án đoạn Bùng - Vạn Ninh), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông đã được quy hoạch với tổng chiều dài 2.063 km từ cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau đi qua 32 tỉnh, thành phố. Đến nay, đã hoàn thành đưa vào khai thác 642 km, bao gồm cả 98 km đoạn Cam Lộ - La Sơn vừa được Bộ GTVT khánh thành, đưa vào khai thác sử dụng ngày 31.12.2022.

Thủ tướng cảm ơn bà con xã Đức Hòa, H.Mộ Đức (Quảng Ngãi) đã nhường mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam

TTXVN

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu các đơn vị, chủ đầu tư, tư vấn tích cực triển khai thực hiện với nỗ lực lớn nhất, tinh thần trách nhiệm cao nhất, công tác thiết kế phải tối ưu hóa, phát huy tối đa hiệu quả của đường cao tốc; chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong các khâu triển khai thực hiện; công tác lựa chọn nhà thầu đã được tiến hành một cách chặt chẽ, công khai, minh bạch. Về giải phóng mặt bằng (GPMB), các địa phương đã xác định đây là một nhiệm vụ chính trị ưu tiên hàng đầu. Ban chỉ đạo, Hội đồng GPMB của các địa phương đã triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm, lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thực hiện chi trả và thu hồi đất. Đồng thời, nhân dân khu vực dự án đi qua có đất bị thu hồi đã ủng hộ, đồng thuận; đến nay các địa phương đã cơ bản bàn giao trên 70% diện tích GPMB đáp ứng yêu cầu khởi công.

Phát biểu tại điểm cầu chính Quảng Ngãi, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong 3 đột phá chiến lược. Đảng, Nhà nước đã dành nguồn lực lớn nhất phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tại các vùng, miền trọng yếu nhằm tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết Đại hội XIII đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc. Như vậy, trong 10 năm tới, chúng ta phải đầu tư, xây dựng gần gấp 4 lần số ki lô mét đường bộ cao tốc đã xây dựng trong giai đoạn 2000 - 2020 (khoảng 1.000 km). “Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi chúng ta phải có cách làm, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.

12 dự án cao tốc Bắc - Nam có tổng chiều dài 729 km, tốc độ thiết kế 100 - 120 km/giờ, đi qua 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau) với tổng mức đầu tư khoảng 147.000 tỉ đồng. Lễ khởi công được triển khai đồng loạt tại 12 điểm cầu, trong đó điểm cầu trung tâm được đặt tại Quảng Ngãi, hai điểm cầu còn lại tại Quảng Bình, Hậu Giang và 9 điểm cầu phụ khác. Cùng dự lễ khởi công tại các điểm cầu có Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông với chiều dài 2.063 km nối liền từ Lạng Sơn đến Cà Mau, kết nối thủ đô Hà Nội và TP.HCM, đi qua địa phận 32 tỉnh, thành phố, địa bàn; chiếm 62,1% dân số và đóng góp 65,7% GDP cả nước. Dự án có quy mô rất lớn, vai trò động lực, tác động lan tỏa mạnh mẽ, ý nghĩa hết sức quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mở ra không gian phát triển mới cho các vùng, địa phương, tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp, đô thị mới. Theo Thủ tướng, đây là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước, cùng với nhiều tuyến cao tốc khác đang được đầu tư trên khắp cả nước, trong đó có ưu tiên cho các vùng khó khăn như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây nguyên, miền núi phía bắc.

2025 nối thông cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định nhà nước đã dành sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt để đầu tư tuyến cao tốc xương sống này, đang đẩy nhanh tiến độ 11 dự án thành phần dài 654 km (quyết định đầu tư năm 2017) và khởi công 12 dự án thành phần dài 729 km (quyết định đầu tư năm 2021). Thời gian tới, công việc rất lớn và nhiều khó khăn, thách thức, như phải GPMB các đoạn còn lại, trong đó có các nơi đông dân cư, dễ phát sinh khiếu kiện; chuẩn bị khối lượng vật liệu xây dựng rất lớn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các địa phương; việc thi công khối lượng rất lớn trên nhiều địa bàn khác nhau, trong thời gian không dài và chịu tác động của thời tiết.

Thủ tướng nhấn mạnh dự án phải bảo đảm tiến độ, không để kéo dài; không được đội vốn, tăng tổng mức đầu tư; bảo đảm chất lượng thi công, yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật; bảo đảm hiệu quả đầu tư, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí… Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 nối thông tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau, các đơn vị phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, khó khăn, vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đấy, chủ động nắm bắt tình hình, giải quyết các vấn đề đặt ra, tăng cường kỷ luật kỷ cương.

“Phải xem việc này như việc nhà mình, đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm là có hiệu quả, có sản phẩm cụ thể, được nhân dân và các cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thừa nhận”, Thủ tướng nêu rõ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.