Nỗi đau trong tim, hy vọng trong ánh mắt

Ngọc An
Ngọc An
(từ Thổ Nhĩ Kỳ)
19/02/2023 06:09 GMT+7

Sau thảm họa động đất, dù trong lòng mỗi người dân Thổ Nhĩ Kỳ là nỗi đau buồn lớn, nhưng tôi khó bắt gặp những ánh mắt lo lắng, bất an trên những con phố nơi đây.

Thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria bất ngờ xảy ra chỉ vài ngày trước khi tôi lên đường du học tại Istanbul, thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. "Số người chết đang mỗi lúc một tăng. Thật đáng buồn là cơ hội sống cho những người trong đống đổ nát là rất ít ỏi. Trái tim những người ở lại đang tan nát. Mọi thứ thật tồi tệ", anh Süvari, một sĩ quan quân đội, sống tại TP.Çerkezköy (Thổ Nhĩ Kỳ) - nơi cách xa khu vực xảy ra động đất vào ngày 6.2 tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, đã nhắn tin cho tôi chỉ vài giờ sau thảm họa.

Nỗi đau trong tim, hy vọng trong ánh mắt - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng mua cà phê ở một cửa hàng nổi tiếng

Ngọc An

Khắp nơi người ta chỉ nói về động đất

Không nằm trong khu vực bị động đất nhưng chịu tác động bởi những hậu quả của "thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong 100 năm qua" (do WHO đánh giá), Istanbul ngay sau đó còn hứng chịu bão tuyết, nhiều chuyến bay đến thành phố đã bị hoãn lại. 3 ngày sau thảm họa kinh hoàng không chỉ với Thổ Nhĩ Kỳ, Syria mà với cả thế giới, sân bay quốc tế Sabiha Gokcen đã trở lại hoạt động gần như bình thường.

Hơn 7 giờ tối, chuyến bay chở tôi đáp xuống sân bay theo đúng dự kiến. Trời mưa và lạnh. Tôi bắt taxi về quận Kadıköy nằm ở khu trung tâm bên bờ Á của Istanbul (thành phố này được eo biển Bosphorus chia tách thành 2 phía châu Á và châu Âu). Tôi trả cho người tài xế 350 lira (gần 450.000 đồng) cho chặng đường dài khoảng 35 km, trong khi bình thường là 220 lira (gần 280.000 đồng). Trong một năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao ngất ngưởng, có thời điểm lên tới gần 84% - mức cao nhất trong 24 năm trở lại đây của đất nước này. "Tình hình sẽ tiếp tục tồi tệ sau động đất", chị Semra, chủ ngôi nhà tôi thuê trọ, dự báo.

Suốt cả ngày, Semra ngồi trước màn hình ti vi theo dõi những thông tin được cập nhật liên tục về động đất. Trường học các cấp của Thổ Nhĩ Kỳ tạm thời đóng cửa 1 tuần. Semra cũng nhanh chóng thông báo với tôi: Tổng thống Erdoğan vừa ra quyết định tất cả các trường đại học sẽ học từ xa dự kiến đến kỳ học mùa thu. "Có vẻ một số quyết định được đưa ra giống như trong thời kỳ giãn cách do đại dịch Covid-19", Semra bảo tôi và ngỏ ý muốn dẫn tôi đi loanh quanh Kadıköy vào ngày hôm sau.

Nỗi đau trong tim, hy vọng trong ánh mắt - Ảnh 2.

Người đàn ông ngồi ăn sáng, uống trà trên đường phố Kadıköy. Phía trước cuộc sống sẽ đối mặt nhiều khó khăn

Buổi sáng thứ sáu tại trung tâm Kadıköy, người xếp hàng chờ mua cà phê ở một cửa hàng nổi tiếng; người ngồi ăn sáng, uống trà… Mọi sinh hoạt diễn ra như bình thường, có điều câu chuyện của những người nơi đây nói với nhau thường có chung một chủ đề. "Ở khắp nơi, người ta chỉ nói về động đất. Bây giờ có gì khác đâu ngoài câu chuyện này", chị Semra bảo tôi rồi bất ngờ nhận ra vợ chồng người bạn đang rảo bước qua. Sau cuộc trò chuyện ngắn ngủi, họ ôm hôn tạm biệt nhau. Semra nhìn theo bạn, kể với tôi: "May mắn đã đến với gia đình cô ấy ở khu vực động đất. Bố mẹ của cô đã tỉnh giấc và kịp chạy thoát khỏi ngôi nhà trước khi bị sập. Họ đã đến Istanbul an toàn".

Tôi đã được nghe kể về những trường hợp thoát chết một cách "thần kỳ" như vậy. Gia đình Zeynep, một giáo viên dạy tiếng Ả Rập cùng chồng Ahmet và con trai kịp chạy ra khỏi nhà vào lúc 4 giờ sáng. Họ đã chứng kiến những tòa nhà đổ sập ngay trước mắt mình, người dân la hét, bỏ chạy tán loạn. Sau khi rời Kahramanmaraş, Zeynep rơi vào tình trạng hoảng loạn khi hay tin biết bao đồng nghiệp và học trò của chị đã không còn nữa. Nguyễn Trúc Ly, người thân của gia đình Zeynep, cho biết lúc này chị không biết làm gì hơn ngoài việc ở bên cạnh động viên, giúp họ vực dậy tinh thần.

Đối mặt nhiều khó khăn

"Trái tim tôi đau đớn", Semra nói và chỉ cho tôi hình ảnh của thành phố Hatay gần như trở thành "thành phố chết" sau động đất. "Tôi đã ở đây một thời gian. Ở đó, tôi đã gặp rất nhiều những người tốt bụng", Semra nói và im lặng một lúc.

Lát sau, chúng tôi đón một người bạn gái của Semra tới nhà. Semra nói: "Chúng tôi cần an ủi nhau trước nỗi đau quá lớn này". Họ uống rượu vang, nhâm nhi vài món đồ nhắm mà Semra đã chuẩn bị và nói chuyện về những đứa trẻ không còn cha mẹ, những con người đang phải sống trong lán lều tạm bợ thiếu thốn đủ thứ giữa mùa đông lạnh giá…

Tôi gặp Hasan, một nhân viên tư vấn tài chính, vừa trở về Istabul từ thành phố Kahramanmaraş, sau khi cùng những người bạn của mình tham gia công tác cứu trợ. Anh cho hay đã không thể chợp mắt trong nhiều ngày. "Tôi nghĩ có thể mình gặp vấn đề về tâm lý. Tôi không dám nhớ lại những gì đã nhìn thấy. Tôi cần nghỉ ngơi trong vài ngày trước khi trở lại công việc". Hasan nói. Özgür, quản lý của công ty phân phối hàng gia dụng tại Ankara, cho biết tâm lý đang là vấn đề với nhiều người. "Ankara không phải là khu vực rủi ro nên không có gì đáng lo ngại. Chúng tôi chỉ lo lắng về những nạn nhân động đất. Hiệu suất công việc chưa cao như bình thường vì tinh thần của mọi người đang xuống thấp. Chúng tôi đang quyên góp để giúp đỡ những nạn nhân động đất", Özgür cho biết.

Nỗi đau trong tim, hy vọng trong ánh mắt - Ảnh 3.

Hình ảnh thành phố Kahramanmaraş sau động đất

Nhân vật cung cấp

Anh Erol, người kinh doanh văn phòng phẩm ở Istanbul, cho tôi hay sau động đất, trường học tạm đóng cửa, việc kinh doanh chậm hơn, nhưng hiện tại công việc của anh đã trở lại bình thường. Trong khi đó, chị Mỹ Hạnh, vợ anh Erol, hằng ngày đi chợ, lo cơm nước cho gia đình thì quan tâm đến giá cả thực phẩm đang tăng lên một chút sau động đất. Dù vậy, chị đã quen với việc tăng giá này do tình trạng lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ. "Giá cả không tăng lên đáng kể, nhưng một số mặt hàng khan hiếm do được thu mua để cứu trợ", chị Nguyễn Trúc Ly thông tin và cho biết thêm kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ được dự đoán sẽ lâm vào tình trạng khó khăn hơn. Còn ở thời điểm hiện tại, mọi sinh hoạt, giá cả chưa có quá nhiều biến động.

"Tôi không muốn khóc nữa"

Cũng như nhiều người bạn Thổ Nhĩ Kỳ mà tôi đã gặp, Semra nói với tôi về những nỗi buồn hay nói đúng hơn là những điều họ cảm thấy đáng tiếc. "Nhiều tòa nhà đã quá cũ và được xây dựng không theo tiêu chuẩn hay kỹ thuật chống động đất nào. Khi thảm họa xảy ra, chúng tôi đã mong chờ việc cứu hộ nhanh chóng nhưng một số việc đã không thể diễn ra như thế…", Semra nói, và rồi trở nên cứng rắn: "Tôi đã khóc nhiều rồi. Tôi không muốn khóc nữa". Cô bảo bản thân người dân Thổ Nhĩ Kỳ không muốn có những câu "giá như" nữa. Mỗi con người và đất nước Thổ Nhĩ Kỳ cần vực dậy, làm những điều cần làm. Cuộc sống vẫn tiếp tục, như cách mà Hasan vẫn đến lớp học nhảy tango sau khi đi cứu trợ từ Kahramanmaraş. Còn Semra cùng những người bạn của chị hỗ trợ cho người đàn ông cùng gia đình đến Istanbul mà trên người chỉ có manh áo cộc; quần áo, của cải của họ đều đã nằm trong đống đổ nát.

Dù trong lòng mỗi người dân Thổ Nhĩ Kỳ là nỗi đau buồn lớn, nhưng tôi khó bắt gặp những ánh mắt lo lắng, bất an trên những con phố. Tôi hỏi Semra: "Bạn có lo lắng không khi Istanbul được dự báo có thể xảy ra động đất?". "Không, chúng tôi không lo lắng. Chúng tôi đang chờ nó!", Semra điềm tĩnh nói. Còn anh Süvari bảo tôi, anh luôn cố gắng làm tốt công việc hằng ngày của mình. Theo anh, mỗi công dân có "nhiệm vụ" của riêng mình. "Cùng với công việc, tôi đang quyên góp vật chất cũng như ủng hộ tinh thần cho nạn nhân động đất", Süvari cho hay.

Bất ngờ, anh gửi cho tôi tấm hình chụp người chiến sĩ trong đoàn cứu hộ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ được đăng tải trên Instagram với lời nhắn: "Thật đặc biệt. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia cứu hộ tại nước ngoài. Chúng tôi cảm ơn các bạn".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.