Nỗi đau dai dẳng của nạn nhân bị mua bán

Như Lịch
Như Lịch
02/01/2020 07:00 GMT+7

Nạn mua bán người vẫn diễn ra nóng bỏng, có chiều hướng phức tạp. Biết bao gia đình tan tác, bao nạn nhân bị đọa đày.

Trong quá trình thực hiện loạt bài Thoát ra từ bẫy buôn người, tôi ám ảnh khi tiếp xúc những nạn nhân bị mua bán trở về cùng nỗi đau sâu thẳm của họ.
Những đứa trẻ 13 - 15 tuổi, những phụ nữ cả tin bỗng chốc trở thành nạn nhân. Kẻ buôn người không chỉ là người lạ, mà còn là người quen, người yêu, họ hàng thân thuộc, thậm chí có khi là cha mẹ ruột. Họ sập bẫy bởi các chiêu lừa: môi giới việc làm, quan hệ tình cảm, rủ đi chơi, sinh nhật...
Phần lớn nạn nhân bị đưa sang Trung Quốc trở về mà Nhà nhân ái Lào Cai - cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về (dự án hợp tác giữa Sở LĐ-TB-XH tỉnh Lào Cai và Tổ chức Vòng tay Thái Bình) tiếp nhận đều bị cưỡng bức vào các động mại dâm, bị bóc lột tình dục, bị bắt ép làm vợ. Một số khác sang Trung Quốc làm thuê trái phép và thường bị quỵt lương sau tháng ngày lao động khổ nhọc. Đặc biệt, đã có những trường hợp nhiễm HIV/AIDS do bọn buôn người cưỡng hiếp và truyền bệnh. Nhiều nạn nhân đành phải bỏ lại con thơ cho nhà chồng ở Trung Quốc để trốn về, mang nỗi đau chia lìa mẫu tử không bao giờ nguôi. Một vài sản phụ sau khi trốn chạy khỏi địa ngục trần gian, về đến VN thì thai bị chết lưu. Gần như 100% nạn nhân trở về bị sang chấn tâm lý nặng nề, mặc cảm, tự ti, xa lánh mọi người, không ít ca có ý định tự tử... Nhiều nạn nhân khu vực miền Tây Nam bộ bị buôn bán trở về từ Campuchia, Trung Quốc đã không chịu nổi miệng lưỡi thế gian, bỏ xứ mà đi.
Nạn mua bán người là vấn đề quan tâm rất lớn của xã hội và cộng đồng. Vì vậy, đừng đẩy họ vào đường cùng với những cái nhìn khinh bỉ, những định kiến nghiệt ngã, xem họ là “loại hư hỏng, vô dụng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.