Nổi chìm "Ngũ phụng tề phi"

13/11/2008 23:00 GMT+7

Ngũ phụng tề phi" (năm con chim phụng cùng bay), biểu tượng khoa bảng của xứ Quảng, sau chẵn 110 năm giờ cũng nổi chìm theo thời gian nếu ai đó thử một lần tìm về để viếng thăm nơi các vị đại khoa ấy yên nghỉ.

Hẩm hiu mộ người số 1

Khoa thi năm Mậu Tuất 1898 đã khắc một dấu vết quan trọng trong lịch sử khoa bảng Việt Nam. Cả 5 vị đại khoa đều sinh quán Quảng Nam, gồm 3 tiến sĩ (Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn) và 2 phó bảng (Dương Hiển Tiến, Ngô Chuân). Nhưng hành trang sau này của mỗi vị quả thực rất khác nhau. Đặc biệt với cụ Phạm Liệu, người đỗ tiến sĩ năm 25 tuổi và từng được xem là một trong ba người thông minh, hay chữ nhất kinh đô Huế những năm 1891-1894.

Một vài nhà nghiên cứu khẳng định, khi làm Án sát ở Quảng Ngãi, chính Phạm Liệu lại là người phát giác đầu mối cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916, đưa đến cuộc thảm sát hàng loạt nhà cách mạng như Trần Cao Vân, Thái Phiên...

Đến năm 1933, nội các do Nguyễn Hữu Bài đứng đầu đã phải từ chức tập thể, khi đó Phạm Liệu giữ chức Thượng thư bộ Binh.

Vị đại khoa thứ 5, Phó bảng Ngô Chuân (tức Ngô Lý) xem ra là người "lặng lẽ" hơn cả. Có khá ít tư liệu nhắc đến cụ. Ông Lý Quốc Sum, người gọi cụ Ngô là cố ngoại, kể thêm rằng, sau khi "Ngũ phụng tề phi" vinh quy, có tộc lớn trong làng cho rằng tộc Ngô là "tộc lẻ" (tộc nhỏ, nơi khác đến) mà đỗ đạt cao nên nảy sinh đố kỵ. Cụ lâm bệnh chết khi đang làm quan ở Huế, thi hài sau đưa về làng. Nhưng rốt cuộc, mộ của cha con cụ buộc phải dời đến một nơi khác trong làng Cẩm Sa. Mãi đến năm 2000, chính quyền xã Điện Nam (nay là Điện Nam Bắc, Điện Bàn) cùng gia đình viết đơn đề nghị hỗ trợ kinh phí trùng tu mộ cụ Ngô Chuân - một nấm mộ nhỏ chưa đến 10m2.

Phải chăng những biến cố lịch sử và chính trị này đã làm "mờ" đi phần nào nhân vật số một của "Ngũ phụng tề phi"? Những người chép sử về xứ Quảng lâu nay dường như cũng ít muốn nhắc đến. Trong cuốn Chí sĩ Trần Cao Vân (NXB Đà Nẵng 1999) do Trần Trúc Tâm sưu tầm, biên soạn, tác giả - người gọi cụ Trần Cao Vân là cố - đã có những lời phê nặng nề: "Phạm Liệu - một tiến sĩ đứng đầu "Ngũ phụng tề phi" của đất Quảng Nam, nỡ đem tài học vấn của mình giúp cho chính quyền bảo hộ khám phá bí mật của công cuộc khởi nghĩa Duy Tân 1916". Đây hẳn là nỗi đau lớn đối với con cháu cụ Phạm.

Chúng tôi gặp đôi chút khó khăn khi viếng mộ cụ Phạm Liệu ở Điện Trung (huyện Điện Bàn). Quá ít người biết về nơi yên nghỉ của cụ. Đấy là ngôi mộ không lớn do gia đình xây năm 1997, tương đối vững chãi, nằm khuất trong vùng trồng bắp khá vắng vẻ, cạnh một nghĩa địa nhỏ. Bia ghi dòng chữ "Phạm Liệu, tự Sư Giám, hiệu Tang Phố, Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1898)". Và chỉ có hai chữ "ngũ phụng" tiếp bên dưới mà bỏ sót hai chữ "tề phi", không hiểu có ngụ ý gì.

Danh thơm và hậu vận

Nhưng thế hệ trẻ nếu có tâm nguyện được biết tường tận nơi chốn các bậc đại khoa ấy đang yên nghỉ, phải tìm đến nơi đâu?

Trên cánh đồng Xuân Đài (xã Điện Trung, huyện Điện Bàn), mộ tiến sĩ Phạm Tuấn nằm giữa một vuông đất nổi lên trông khá lẻ loi, chỉ cách mộ cụ Hoàng Diệu chừng vài trăm mét. Cụ Phạm Tuấn (1852-1917) làm đến Thừa biện bộ Lễ, sau mất tại làng. Những năm 1972-1973, mộ ở gần sông Thu Bồn, gia tộc sợ bị nước cuốn trôi đã cải táng về Cồn Nô. Sau năm 1975, mộ cụ lại cải táng lần nữa khá trang trọng về quê cũ với diện tích khoảng 160m2... Nhưng khu mộ này hiện đang bị "vây khốn" bởi bốn bề lúa và cỏ voi, lối đi vào chỉ bằng bàn chân men theo bờ ruộng rồi hẹp dần. Bên dưới cổng tam quan cao lớn có dòng chữ "Ngũ phụng tề phi" lại đang bị chân ruộng lúa lấn sát. Sau mùa lụt 2007, dãy tường phía sau đổ sập, bia ghi công trạng bị vỡ ngổn ngang. Phòng VH-TT huyện Điện Bàn từng đề nghị địa phương mở con đường rộng 1 mét dẫn vào mộ, đã một năm rồi mà vẫn chưa thấy động tĩnh. Thật khó hình dung đây là một di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Mộ cụ Phan Quang, tiến sĩ thứ ba trong "ngũ phụng", hiện tọa lạc tại thôn 4, xã Quế Châu (huyện Quế Sơn). Cụ Phan có hoạn lộ suôn sẻ, làm đến chức Tham tri bộ Hình, về hưu được tặng hàm Lễ bộ Thượng thư. Mộ phần do con cháu dòng tộc trùng tu chừng 10 năm trước trên diện tích xấp xỉ 80m2...

 
Biểu tượng "Ngũ phụng tề phi" nổi chìm theo thời gian, qua góc nhìn lăng mộ - Ảnh: H.X.H

Nếu mộ cụ Phan táng trên một gò cao thoáng đãng, thì ở thôn Cẩm Phú 1, xã Điện Phong (huyện Điện Bàn), mộ cụ Phó bảng Dương Hiển Tiến lại chen chúc giữa hàng trăm ngôi mộ san sát nhau của nghĩa địa Cẩm Phú có 16 chi tộc phái. Cụ từng về quê dạy học đến năm 1907 lâm bệnh chết, đồng môn các nơi quy về mai táng. Chiến tranh đã phá hỏng một phần của tấm bia cũ, mãi sau năm 1975 mộ cải táng về đây để lấy đất sản xuất. Đến lần tu bổ năm 2001, mộ cụ nghè Dương hoàn chỉnh theo lối song tam mộ (có hai nấm của cụ bà chánh và thứ), nấm mộ chính hình bát giác đã cũ nhưng trông gần gũi, ấm áp...

Tại dinh Tổng đốc Điện Bàn ngày trước, có bức thục thêu hình năm con chim phụng, 3 con đang bay tượng trưng cho 3 tiến sĩ, 2 con xếp cánh tượng trưng 2 phó bảng. Sắc ban "Ngũ phụng tề phi" của vua Thành Thái ngày nào hiện chỉ còn lưu lại trong tâm thức người dân hiếu học. Với những vị đại khoa ấy, danh thơm không hẳn đã "chia đều" cho tất cả. Họ đã tứ tán trên đường công danh sau một lần "tề phi" (cùng bay), và đến nay càng có nguy cơ mất hút trong sự lãng quên.

Hứa Xuyên Huỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.