Nói bừa hứa ẩu

27/08/2021 12:21 GMT+7

Vậy là mốc 1.5 chạy thương mại đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại bị phá vỡ, Bộ GTVT mong nhận được sự 'chia sẻ', 'thông cảm' của nhân dân và toàn xã hội.

Đây không phải là kết quả bất ngờ, sau lịch sử 9 lần vỡ tiến độ trước đó. Nhưng cái khiến chúng ta vẫn phải bất ngờ đó là thái độ bất chấp dư luận của chủ đầu tư.

Hứa mà không thực hiện được nó thể hiện 2 trạng thái: Một là năng lực yếu kém, không đánh giá được khối lượng, không kiểm soát được chất lượng công việc dẫn đến vỡ tiến độ; Hai là thể hiện thái độ thích nói bừa, nói ẩu. Dù là yếu kém hay nói bừa, nói ẩu thì ở đời, người ta cũng chỉ nên “quá tam 3 bận” thôi, chứ đến 10 bận vẫn một bài “câu giờ” như Bộ GTVT làm ở dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thì không còn là bừa, ẩu nữa mà đã đến mức không thể chấp nhận.

Sau 13 năm thi công, trải qua 4 đời bộ trưởng GTVT, đội vốn nhiều lần, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là nỗi đau lớn nhất trong lịch sử đầu tư hạ tầng.

Bộ GTVT đã rất nhiều lần nhận trách nhiệm trên cương vị là chủ đầu tư dự án. Lãnh đạo Bộ GTVT (nhiều đời) đều cho biết, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan làm rõ trách nhiệm. Nhưng trách nhiệm của ai, thế nào thì đến giờ vẫn không có, chưa từng thấy ai bị phê bình, kỷ luật gì liên quan đến dự án nhiều tai tiếng này.

Nhiều khi dư luận vì quá sốt ruột với “con rắn” phơi mưa phơi nắng giữa thủ đô nên cũng tạm quên đi trách nhiệm của cá nhân, tổ chức nào đẩy dự án vào tình cảnh trớ trêu như hiện nay, chỉ mong đến một ngày nó có thể chạy.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể có nói: “Chúng tôi cũng đã rút ra những bài học kinh nghiệm hết sức sâu sắc”. Kinh nghiệm ông rút ra là gì chúng tôi không rõ, nhưng thưa Bộ trưởng, học phí mà đất nước này đã phải trả cho Bộ GTVT ở dự án Cát Linh - Hà Đông thì quá đắt: đội vốn hơn 9.000 tỉ (từ 8.769 tỉ lên 18.001 tỉ đồng); 13 năm kéo dài mất đi rất nhiều cơ hội vàng của đầu tư hạ tầng; và quan trọng hơn là niềm tin của người dân mai một cùng với những lùm xùm của dự án.

Theo Bộ Tài chính, Việt Nam có 9 năm để trả nợ cả gốc lẫn lãi cho China EximBank do vay vốn để làm đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Rồi với gần 700 công nhân vận hành toàn tuyến, dự án được cho là sẽ tiếp tục ngốn tiền ngân sách trong quá trình vận hành. Hà Nội dự kiến sẽ phải chi 14,5 tỉ đồng mỗi năm để hỗ trợ giá vé cho hành khách đi tàu. Có thể bài học kinh nghiệm từ dự án này sẽ còn dài hơn rất nhiều và với thái độ làm bừa nói ẩu như thế này thì học phí chúng ta phải trả cũng chưa dừng lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.