Nơi bình yên trong phố

12/10/2023 15:00 GMT+7

Tôi đến thành phố Biên Hòa như một cơ duyên, để rồi nơi đây trở thành quê hương thứ hai của mình.

Nhắc đến Biên Hòa người ta nghĩ ngay đến những khu công nghiệp san sát, khu dân cư sầm uất với nhiều căn nhà cao tít tắp. Nhưng rồi tôi thật sự ngỡ ngàng khi lạc giữa lòng thành phố, giữa khu công nghiệp Biên Hòa II, bắt gặp con đường mà lá vàng rơi đầy mặt đất. Hai hàng cây cao thẳng tắp đứng hiên ngang như thách thức mọi hiểm nguy. Con đường, dường như là duy nhất ở thành phố này, có nhiều cây với hàng dài và thân to cao đến thế. Không biết nó có từ bao giờ. Chỉ biết thân cây to lớn, có cây to hai người ôm...

Nơi bình yên trong phố - Ảnh 1.

Kết thúc một buổi làm việc mệt nhọc, nhiều anh chị em đến nơi này mắc võng nghỉ trưa, cũng có khi ai đó đi ngang qua "tức cảnh sinh tình" dừng lại để chụp vài bức ảnh...

TGCC

Mới nhìn sẽ ngỡ như mình lạc vào Đà Lạt với hàng thông reo rì rào, khi lại gần nhận ra thân cây thuộc dòng gỗ có giá trị là cây dầu. Một loài cây có thân hình thẳng và rất cao. Tôi không biết người ta trồng để lấy gỗ hay trồng lấy bóng mát, chỉ biết nó có tự bao giờ và không ai khai thác. Mỗi độ tan ca, công nhân nhà máy đi về thành từng dòng người nối đuôi nhau giữa hàng cây trông rất đẹp.

Những ngày thứ bảy, chủ nhật, bạn đến nơi đây sẽ thấy vài cặp đôi trong trang phục áo cưới đứng chụp ảnh ngoại cảnh, những nhóm bạn tới đây "dã ngoại" - trải bạt, ăn hoa quả, check in... Phong cảnh nơi đây làm cho lòng người như tìm thấy một thôn quê hay bìa rừng nhỏ, có tiếng chim hót, có lá vàng rơi. Kết thúc một buổi làm việc mệt nhọc, nhiều anh chị em đến nơi này mắc võng nghỉ trưa, cũng có khi ai đó đi ngang qua "tức cảnh sinh tình" dừng lại để chụp vài bức ảnh. Ảnh chụp ở đây nếu bạn chú thích là Đà Lạt thì ai xem qua cũng tin, nó trong veo mát mẻ. Một không gian hoàn toàn thoát tục, như tách rời khỏi phố thị ồn ào.

Con người như một chuỗi mâu thuẫn, khi ta ở quê ta ao ước được lên phố lao động và an cư. Người đã sống nhiều năm ở phố lại thèm về miền quê tá túc. Có lẽ phố là áp lực mưu sinh hay phố làm cho ta không có thời gian để thảnh thơi tìm phút bình yên.

Thành phố Biên Hoà nơi tôi đang sống là một thành phố có rất nhiều nhà máy, xí nghiệp, cơ sở hạ tầng khá tốt, giao thông nối liền với các tỉnh lân cận thuận lợi. Đây vẫn là nơi để những lao động nhập cư muốn đến, đến để tìm cho mình một tương lai. Ngày tôi còn ngồi trên ghế nhà trường - ở miền Trung, khi nhắc đến Đồng Nai nói riêng và miền Đông Nam bộ nói chung, tôi thật sự ao ước được đến nơi đây. Chỉ cần nghe mô tả về cây ăn trái ở Đồng Nai đã làm trí tò mò của tôi bị kích thích, sau này khi tôi đến đây tôi lại thấy dường như sách vở mô tả còn khiêm tốn. Đồng Nai với bạt ngàn vườn trái cây trĩu quả, chỉ cần đến Tân Triều nhìn hàng bưởi nối đuôi nhau cho trái đã thấy thiên nhiên nơi đây màu mỡ làm sao. Về Long Khánh ghé vườn chôm chôm vào vụ, những cành cây sà xuống mặt đất vì trĩu quả. Ngày mới vào tôi có nhiều thời gian rảnh rỗi nên hễ chủ nhật là lại tìm những vườn cây ăn trái để ngắm nhìn cho thỏa thích. Về với vườn cây tôi như tìm thấy mình ở miền quê, thấy những ngày thơ bé.

Phố vẫn là nơi có công ăn việc làm lý tưởng cho bao thế hệ, đâu đó trong phố ta vẫn bắt gặp một không gian yên bình. Không gian dành cho những đứa con xa quê luyến lưu một góc quê trong phố. Thiên nhiên vẫn làm lòng người bớt đi những áp lực cuộc sống, xoa dịu lòng người bằng những tiếng gió thì thào, bằng những chiếc lá vàng chao nghiêng.

Bao nhiêu năm nay khi có việc đi ngang khu công nghiệp II tôi lại cố tình đi vào con đường có hàng cây ấy, con đường cho tôi một cảm giác yên bình. Trong tôi cứ miên man với tiếng xào xạc của lá vàng rơi, của tiếng chim non ríu rít. Tôi tìm tôi giữa trời…

Cuộc thi viết Hào khí miền Đông do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổ chức là cơ hội để độc giả chia sẻ tình cảm sâu đậm của bản thân về đất và người các tỉnh thành Đông Nam bộ (bao gồm Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, TP.HCM), đồng thời đóng góp những cách làm hay, mô hình mới, tư duy sáng tạo, năng động của người miền Đông. Tác giả có thể gửi bài tham dự theo hình thức tản văn, tùy bút, ghi chép, phóng sự báo chí... để có cơ hội nhận các giải thưởng hấp dẫn với tổng trị giá đến 120 triệu đồng.

Bài dự thi vui lòng gửi về địa chỉ email haokhimiendong@thanhnien.vn hoặc gửi qua đường bưu điện về địa chỉ Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Hào khí miền Đông). Cuộc thi sẽ nhận bài dự thi đến hết 15.11.2023. Bài viết được chọn đăng trên nhật Báo Thanh Niên và báo điện tử thanhnien.vn sẽ nhận được nhuận bút theo quy định của tòa soạn.

Thể lệ chi tiết vui lòng xem tại đây.

Nơi bình yên trong phố - Ảnh 2.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.