Nối bàn tay đứt lìa cho một thiếu niên nhờ ướp nước đá kịp thời

Đình Tuyển
Đình Tuyển
08/10/2021 18:47 GMT+7

Sau 6 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã nối thành công bàn tay đứt lìa cho một nam thiếu niên bằng kỹ thuật vi phẫu không cần dùng chỉ khâu.

Ngày 8.10, BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết các bác sĩ Trung tâm Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện vừa phẫu thuật xuyên đêm để khâu mạch máu, nối thành công bàn tay đứt lìa cho một thiếu niên 17 tuổi.

Bàn tay đứt lìa của bệnh nhân 17 tuổi đã dần hồi phục

đình tuyển

Trắng đêm cứu bàn tay

Trước đó, nam bệnh nhân T.Đ.K. (17 tuổi, ngụ An Giang) được tuyến trước chuyển đến bệnh viện trong tình trạng vết thương đứt lìa bàn tay phải ở vị trí cổ tay, chéo vát từ nếp gấp cổ tay đến khớp bàn ngón 5, vết đứt sắc gọn, nhiều dị vật. Bệnh nhân được sơ cứu, truyền dịch, giảm đau tại bệnh viện địa phương và chuyển viện ngay trong đêm cùng với bàn tay phải được ướp nước đá, bảo quản cẩn thận.

Sau khi nhập viện, nhận thấy tình trạng bệnh nhân rất khẩn cấp, giờ thứ 4 của vết thương đứt lìa bàn tay phải. Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và huy động ê kíp phẫu thuật để cứu bàn tay cho bệnh nhân.

Các phẫu thuật viên của Trung tâm Chấn thương chỉnh hình cùng Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi hồi sức đã khẩn trương tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ê kíp tiến hành làm sạch vết thương, xuyên đinh cố định xương bị gãy, khâu nối động mạch quay và động mạch trụ, khâu nối 2 tĩnh mạch mu tay, khâu gân duỗi, khâu thần kinh quay - trụ - giữa, khâu gân gấp nông - sâu các ngón tay.

Phải mất 6 giờ, phẫu thuật xuyên đêm, ê kíp mới hoàn thành khâu nối phục hồi lại toàn bộ giải phẫu cho bàn tay bị đứt lìa bao gồm cố định xương, khâu nối mạch máu, thần kinh, gân gấp, gân duỗi.

Quá trình khâu nối mạch máu, các bác sĩ sử dụng kỹ thuật nối mạch bằng Coupler (dụng cụ bấm nối vi phẫu 2 đầu mạch máu không cần dùng chỉ khâu). Nhờ áp dụng kỹ thuật này nên thời gian khâu nối mạch máu được rút ngắn, phục hồi tưới máu bàn tay được sớm hơn, tập trung thời gian để khâu nối thần kinh, gân gấp, gân duỗi. Đây cũng là kỹ thuật giúp rất nhiều bệnh nhân cải thiện tình trạng tổn thương đứt mạch máu chi.

Ê kíp phẫu thuật mổ xuyên đêm để nối bàn tay đứt lìa cho bệnh nhân

đình tuyển

Đến chiều 8.10, dấu hiệu sinh tồn bệnh nhân ổn định, bàn tay phải hồng ấm, các ngón tay có thể cử động nhẹ. Bệnh nhân hiện được theo dõi và điều trị tiếp tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình. Thời gian tới sẽ được đánh giá và tập vật lý trị liệu để phục hồi dần chức năng.

Cấp cứu đứt lìa tay cần xử lý ra sao?

Theo BS.CK2 Huỳnh Thống Em, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, để chi thể bị đứt rời sống được và phục hồi tốt chức năng thì yêu cầu của cuộc phẫu thuật là phải khôi phục lại tất cả các thành phần bị đứt như: Kết hợp xương, khâu nối gân cơ và đặc biệt là phải khâu nối lại các mạch máu, thần kinh. Chính vì vậy, việc bảo quản phần chi bị đứt rời vô cùng quan trọng, góp phần cho phẫu thuật thành công.

Bệnh nhân sau khi được nối lại bàn tay đã dần bình phục, dấu hiệu sinh tồn ổn định

đình tuyển

“Khi gặp những tình huống chi bị đứt rời, trước hết là rửa sạch phần chi bị đứt dưới vòi nước sạch sau đó bọc trong một đến hai lớp gạc vô trùng hoặc vải sạch rồi cho vào trong một túi ni lông, thổi phồng, buộc kín và cho vào trong xô nước đá. Tránh để phần chi bị đứt rời tiếp xúc trực tiếp với nước đá dễ gây bỏng lạnh sẽ không thể khâu nối lại được”, BS Em nói và cho biết thêm: Các trường hợp đứt lìa hay gần lìa chi (tay hay chân), bệnh nhân cần được làm sạch vết thương, băng ép cầm máu, bất động phần chi bị đứt, bảo quản phần chi đứt lìa và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết theo chỉ đạo của Bộ Y tế, ngoài nhiệm vụ triển khai khu điều trị hồi sức các trường hợp Covid-19 nặng ở ĐBSCL, bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ cũng phải tập trung đảm bảo nhiệm vụ điều trị cấp cứu các bệnh lý khác, kể cả các trường hợp cấp cứu kỹ thuật cao (mổ tim cấp cứu, can thiệp mạch vành cấp cứu, mạch não…) từ các tuyến chuyển về. “Vì vậy, bệnh viện luôn phải đảm bảo hoạt động khám và điều trị bệnh cho người dân diễn ra bình thường, sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp bệnh nặng chuyển từ các tuyến đến”, BS Phong nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.