Nơi ấy có thầy

20/11/2020 10:00 GMT+7

Tháng ba âm lịch, miền Trung có gió nam hanh khô. Trong căn nhà cổ rộng nhưng hơi thấp, trần được lót bằng một lớp vỏ cây quý với hỗn hợp vôi và mật đường, khiến căn nhà mát rượi.

Giữa nhà chiếc bàn thờ được chạm trổ công phu với hình long lân qui phụng, hai ngọn đèn cầy làm bằng sáp ong, đang tỏa sáng với mùi thơm dễ chịu. Bộ tam phong bằng đồng sáng loáng. Bên cạnh bàn thờ tổ tiên, một bộ phản gỗ đen bóng gồm 3 tấm dày bằng gang tay ghép lại, được đặt phía bên phải của căn nhà.
Hai hàng cột to lớn làm bằng loại gỗ sơn, bóng tưởng chừng có thể soi thấy hình người và mọi vật. Một ông cụ mặc áo dài đen, đầu đội khăn đóng ngồi trên bộ phản, đối diện là một thanh niên mặc áo dài tay, bỏ trong quần trông rất nghiêm nghị - người này ít nói - còn bốn người đàn ông khác đang nói chuyện vui vẻ. Ông cụ nhẹ nhàng đưa tay cầm lấy chiếc bình đựng rượu “Bàu Đá” (một loại rượu mạnh đặc sản của xứ Bình Định), rót đầy từng ly, tất cả đều để trên một khay vuông được làm bằng gỗ quý có cẩn xà cừ. Ông cụ cầm ly rượu lên mời người thanh niên. Vị khách trân trọng nâng ly và cảm ơn gia chủ.
Đây là phút mở đầu cho buổi hầu kỵ. Nguời thanh niên đó chính là thầy hiệu trưởng trường tiểu học duy nhất ở đây. Thầy tốt nghiệp sư phạm ở Huế, về nhận chức hiệu trưởng cũng như kiêm nhiệm giáo viên lớp nhất (lớp năm bây giờ).
Ngoài học sinh trong làng, trường còn thu nhận học sinh trong xã và vùng lân cận. Nó được xây ở giữa làng trên một khoảnh đất rộng, có nhiều cây xanh. Cách đó không xa, dòng sông Côn chảy qua đem màu mỡ cho ruộng vườn, nhờ đó mà cuộc sống người dân ấm no, cũng như bao nhiêu xã khác ở tỉnh Bình Định, sự học nơi đây luôn được chú trọng, từ xưa đến nay làng đã đóng góp rất nhiều nhân tài cho quê nhà.
Sự có mặt của thầy mang lại niềm hân hoan, phấn khởi không những chỉ cho học sinh mà còn cả phụ huynh. Người ta sẽ không phải lo lắng về tình trạng thiếu nhân lực có trình độ ở xã này nữa. Ngày thầy về trường, bà con đã tổ chức một buổi đón tiếp long trọng.
Ngôi trường có năm phòng học, tường gạch, mái ngói rất kiên cố. Ngày đó không phải do chính quyền xây cất.
Mùa xuân năm ấy, hương chức trong làng sau lễ Kỳ Yên còn dư chút đỉnh tiền, lại nảy ra sáng kiến dùng vào việc mua số “Bạc cổ” (sổ xố kiến thiết bây giờ), may mắn thay, làng trúng số với số tiền khá lớn. Nhờ vậy mà ngôi trường được xây lên.
Kể từ ngày có mặt thầy, mang theo một luồng gió mới. Bên cạnh thầy chính thức đem tiếng Pháp dạy cho học sinh lớp nhì (lớp bốn) và lớp nhất (lớp năm), phụ huynh và học sinh thật sự vui mừng, hưởng ứng nồng nhiệt. Riêng thầy cảm thấy sung sướng và có chút tự hào.
Sự chăm chỉ và ngoan ngoãn của các em làm cho thầy vơi đi nỗi nhớ nhà. Thầy vận dụng những điều đã học, cùng tấm long và sự quyết tâm truyền đạt những kiến thức và rèn luyện nhân cách cho học sinh.
Hồi tưởng lại buổi học đầu tiên dạy tiếng Pháp mà học sinh không bao giờ quên được. Thầy dùng tranh ảnh để hướng dẫn bài học trong lúc giảng, cả lớp đều tham gia, tạo cho giờ dạy thêm hào hứng. Lần đầu tiên chúng tôi luyện giọng, phát âm với một ngôn ngữ xa lạ, làm cho học sinh cười ồ và thích thú.
Kỷ niệm đó, thật khó quên trong cuộc đời chúng tôi.
Ngoài ra, trong giáo án thầy viết ở giữa trang đầu với hàng chữ in lớn bằng mực đỏ: “Apres le ciel, le maître” (tạm dịch: Sau ông trời là ông thầy). Mãi sau này chúng tôi mới hiểu câu châm ngôn của Pháp mà thầy đã trân trọng viết lên.
Thấu hiểu được nguyện vọng của phụ huynh muốn con em mình vào học trường trung học của thành phố Qui Nhơn (Bình Định), thầy thường tổ chức dạy thêm vào những ngày nghỉ. Thầy thấy rằng tỷ lệ đỗ vào trường công lập không quá mười phần trăm.
Một kỷ niệm khó quên: có những đêm thầy dùng chiếc đèn bão đi khắp vùng có học sinh cuối cấp. Thầy để mắt nhìn vào nhà nào không có ánh đèn, thế là sáng mai thầy gặp từng em để tìm hiểu, thầy nhẹ nhàng khuyên nhủ và chia sẻ những khó khăn và động viên các em học tập. Nhiều em quá cảm động, ôm lấy thầy với hàng nước mắt chảy dài.
Với tấm lòng ấy, với sự tận tụy ấy, phụ huynh và học sinh vô cùng quý mến và kính trọng thầy. Gương sáng của thầy còn lưu lại trong tâm khảm chúng tôi qua bao nhiêu năm tháng.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, có quá nhiều đổi thay trong cuộc đời của mỗi người chúng tôi. Quê hương bây giờ đã khác xưa rất nhiều. Giờ hồi tưởng những kỷ niệm đó, chúng tôi không bao giờ quên được nơi ấy có thầy và những điều tuyệt vời.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.