Nobel Y sinh cho liệu pháp miễn dịch trị ung thư

Lan Chi
Lan Chi
02/10/2018 08:39 GMT+7

Giải Nobel Y sinh 2018 vinh danh hai nhà khoa học James P.Allison và Tasuku Honjo vì những nghiên cứu đột phá với liệu pháp miễn dịch dùng trong chữa trị một số bệnh ung thư.

Theo trang Nobelprize.org, hai giáo sư Allison (70 tuổi, người Mỹ, Đại học Texas) và Honjo (76 tuổi, người Nhật Bản, Đại học Kyoto) đã chứng minh được những phương pháp gây ức chế các “bộ thắng” của hệ miễn dịch tỏ ra hiệu quả để xử lý các khối u ác tính. Các phương pháp này giúp hệ miễn dịch “nhả thắng” và “đạp đúng chân ga để tăng tốc”. Liệu pháp trên chứng tỏ được tác dụng chống lại ung thư phổi, bàng quang và tế bào hắc tố - một dạng ung thư da hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm. Trước đây, khoảng 50% bệnh nhân mắc bệnh này tử vong trong vòng 1 năm sau khi phát hiện bệnh. Với phương pháp của hai nhà khoa học trên, nhiều bệnh nhân có thể sống thêm hơn 10 năm và bệnh tình thuyên giảm rõ rệt.
AFP hôm qua dẫn lời ông Eric Vivier, chuyên gia của Viện Sức khỏe và nghiên cứu dược phẩm quốc gia Pháp (Inserm), nhận định: “Liệu pháp miễn dịch thật sự là một tin tốt lành với thế giới, đặc biệt với bệnh nhân. Đây có thể xem là cuộc cách mạng tương tự như khi kháng sinh xuất hiện”. Đến nay, 3 phương pháp phổ biến nhất để chữa trị ung thư là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Liệu pháp miễn dịch đang được giới y khoa thế giới kỳ vọng sẽ là phương pháp thứ tư.
Công trình đã được ứng dụng tại Việt Nam
Tối 1.10, trao đổi với PV Thanh Niên, GS Tạ Thành Văn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, học trò của GS Tasuku Honjo, cho biết các nhà khoa học tại Trường ĐH Y Hà Nội đã ứng dụng liệu pháp tế bào miễn dịch trị liệu tự thân tại VN từ đầu năm 2017, theo cơ chế tương tự với sự chuyển giao của chuyên gia Nhật Bản. Liệu pháp này đã được áp dụng điều trị cho 5 hình thái ung thư (phổi, gan, dạ dày, đại tràng và vú), giúp các bệnh nhân ung thư cải thiện rất rõ rệt về triệu chứng lâm sàng. Liên Châu
Đầu thập niên 1990, ông Allison bắt đầu tìm tòi về tình trạng các tế bào lympho T - thành phần quan trọng của hệ miễn dịch - bị “ru ngủ” và không phản ứng gì trước sự di căn của các tế bào ung thư, theo chuyên san Le Quotidien du Médecin. Trong khi đó, vai trò của tế bào này là phát hiện những bất thường và hệ miễn dịch sẽ tiêu diệt các vật ngoại xâm có hại cho sức khỏe. Ông Allison nghiên cứu các protein trên màng của tế bào lympho T và phát hiện CTLA-4, một loại thụ thể có khả năng ức chế phản ứng của “khổ chủ”. Dựa trên nền tảng này, đến năm 1994, nhiều nghiên cứu trên chuột bị ung thư tế bào hắc tố cho thấy khi CTLA-4 bị vô hiệu hóa, khối u không lan ra, thậm chí còn thu hẹp lại. Năm 1995, phương pháp của ông bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng. Đến năm 2011, hoạt chất ipilimumab có công dụng ức chế CTLA-4 để điều trị ung thư hắc tố di căn được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cùng Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cho phép lưu hành.
Nghiên cứu hoàn toàn độc lập với người đồng nghiệp Mỹ, ông Honjo năm 1992 cũng phát hiện một thụ thể khác trên màng tế bào của lympho T là PD-1 có tác dụng “hãm phanh” tương tự CTLA-4 khi gặp các khối u ác tính. Và khi PD-1 bị ức chế, “thắng” được nhả ra, các “chiến binh” của hệ miễn dịch đã chiến đấu rất hiệu quả để tiêu diệt tế bào ung thư. Hoạt chất nivolumab gây ức chế PD-1 đã được lưu hành ở Mỹ vào năm 2014 và ở châu Âu vào năm 2015.
Liệu pháp miễn dịch vẫn tiếp tục được nghiên cứu chuyên sâu, hứa hẹn sẽ mở ra nhiều hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư. Một trong những hướng được quan tâm nhất là kết hợp các hoạt chất ipilimumab và nivolumab với nhau hoặc với các phương pháp điều trị khác
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.