Nobel Hóa học 2022 chia đều cho 3 nhà khoa học phát triển những lĩnh vực mới

Khánh An
Khánh An
05/10/2022 17:13 GMT+7

Giải Nobel Hóa học năm 2022 được trao cho 2 nhà khoa học Mỹ và một nhà khoa học Đan Mạch nhờ những đóng góp cho lĩnh vực hóa học click và sinh - trực giao.

Ba nhà khoa học chia nhau giải Nobel Hóa học 2022

NobelPrize.com

Theo trang NobelPrize.com, Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển chiều ngày 5.10 đã công bố giải Nobel Hóa học năm 2022. Theo đó giải Nobel Hóa học năm nay được chia đều cho 3 nhà khoa học.

Các nhà khoa học được vinh danh gồm Carolyn R. Bertozzi tại Đại học Stanford (Mỹ), Morten Meldal tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch) và K. Barry Sharpless tại Viện Nghiên cứu Scripps Research (Mỹ).

Ba nhà khoa học được ghi nhận về những đóng góp cho sự phát triển của những lĩnh vực mới, bao gồm lĩnh vực hóa học click và hóa học sinh-trực giao (bioorthogonal).

“Giải Nobel Hóa học 2022 là về việc làm những quá trình khó trở nên dễ dàng hơn”, theo thông cáo của Ủy ban Nobel.

Theo đó, 2 nhà khoa học Sharpless và Meldal đã đặt nền móng cho một hóa học click, trong đó các khối xây dựng phân tử gắn kết lại với nhau một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Về phần mình, nhà khoa học Bertozzi đã đưa lĩnh vực hóa học click theo một chiều hướng mới và vận dụng vào những cơ quan sống.

Ông Sharpless từng giành giải Nobel Hóa học năm 2001 cùng với Noyori Ryoji và William Standish Knowles khi đã tìm ra cách kiểm soát phản ứng hóa học hiệu quả, từ đó dọn đường cho các loại dược phẩm trị bệnh tim và bệnh Parkinson

Năm ngoái, giải Nobel Hóa học năm 2021 đã được trao cho nhà khoa học Đức Benjamin List và nhà khoa học Scotland David W.C. MacMillan cho việc phát triển phương pháp xúc tác hữu cơ bất đối xứng.

Bằng những phản ứng này, các nhà nghiên cứu giờ đây có thể tạo ra từ dược phẩm mới đến các phân tử có thể thu nhận ánh sáng trong pin mặt trời hiệu quả hơn. Do đó, các chất xúc tác hữu cơ này đang mang lại lợi ích lớn cho loài người.

Nobel Hóa học 2020 đã vinh danh hai nữ khoa học gồm giáo sư Emmanuelle Charpentier, chuyên gia người Pháp là giám đốc Viện Max Planck về Mầm gây bệnh tại Berlin (Đức), và đồng nghiệp Jennifer Doudna, giáo sư Đại học California ở Berkeley (Mỹ).

Hai nhà khoa học trên đã có công phát hiện một trong những công cụ chỉnh sửa gien di truyền được cho là “sắc bén” nhất từ trước đến nay: “cây kéo sinh học” CRISPR/Cas9. Nhờ vào công cụ này, giới khoa học có thể thay đổi cấu trúc gien di truyền của động vật, thực vật và vi sinh vật với độ chính xác cực cao.

Tiếp theo trong mùa giải năm nay, dự kiến giải Nobel Văn học sẽ được công bố vào ngày 6.10 và Nobel Hòa bình công bố ngày 7.10.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.