Nỗ lực tìm giải pháp kiểm soát AI

Khánh Như
Khánh Như
01/11/2023 07:08 GMT+7

Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển nhanh chóng kéo theo cả tác động tiêu cực, Mỹ và Anh đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp thực tiễn để ngăn mọi thứ đi quá xa.

Sắc lệnh bước ngoặt

Reuters ngày 31.10 đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp để kiểm soát AI thông qua quy định, một phần trong nỗ lực giảm thiểu rủi ro mà công nghệ gây ra cho người tiêu dùng, người lao động, các nhóm thiểu số lẫn vấn đề an ninh quốc gia.

Quy định mới yêu cầu các nhà phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo có tiềm ẩn rủi ro cho an ninh quốc gia, nền kinh tế và sức khỏe cộng đồng, phải trình bày kết quả kiểm tra an toàn với chính phủ Mỹ, phù hợp với Đạo luật sản xuất quốc phòng. Ông Biden cũng chỉ đạo các cơ quan đặt ra tiêu chuẩn chặt chẽ cho cuộc thử nghiệm đó và giải quyết các rủi ro liên quan hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân và an ninh mạng. "Để hiện thực hóa lời hứa về AI và tránh rủi ro, chúng ta cần quản lý công nghệ này", Tổng thống Mỹ nói.

Nỗ lực tìm giải pháp kiểm soát AI - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Biden ký sắc lệnh về AI ngày 30.10

AP

Đây là bước đi mới nhất của chính phủ Mỹ nhằm thiết lập các quy định xung quanh AI, khi công nghệ này đang phát triển một cách vượt kiểm soát. Theo Politico, quy mô áp dụng rộng lớn của sắc lệnh cũng cho thấy nỗ lực của Nhà Trắng nhằm giải quyết căng thẳng ngày càng tăng giữa các phe phái chính trị, vốn đang bị chia rẽ vì những bất đồng trong cách quản lý. Tuy nhiên, quy định hành pháp cũng gây ra phản ứng trái chiều từ các nhóm công nghiệp và thương mại. Dù hoan nghênh động thái của chính phủ, ông Bradley Tusk, Tổng giám đốc công ty đầu tư mạo hiểm Tusk Ventures (Mỹ), nói rằng các công ty công nghệ có thể sẽ ngại chia sẻ dữ liệu độc quyền với chính phủ vì lo ngại chúng rơi vào tay đối thủ.

Ông Biden cũng đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ và đội ngũ thực thi pháp luật liên bang đối với việc sử dụng tác phẩm có bản quyền trong đào tạo AI, bao gồm lời kêu gọi đánh giá các hệ thống AI có dấu hiệu vi phạm luật sở hữu trí tuệ. Ông Max Tegmark, Chủ tịch Viện Nghiên cứu chính sách Future of Life Institute (Mỹ), nhận định Mỹ đã tụt hậu rất xa so với châu Âu. Theo ông, các nhà hoạch định chính sách, bao gồm giới lập pháp tại quốc hội, cần quan tâm đến người dân bằng cách thông qua những quy định chặt chẽ để giải quyết các mối đe dọa.

Ứng dụng 'ghép mặt' bằng AI: Vì sao quân đội Philippines cấm?

Hội nghị thượng đỉnh về AI

Trong khi đó, Anh cũng đẩy mạnh kiểm soát công nghệ cao thông qua việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về AI, dự kiến diễn ra vào ngày 1 - 2.11 tại London. Theo AFP, những chính trị gia tầm cỡ trong cuộc họp lần này có Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, và Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres. Tỉ phú công nghệ Mỹ Elon Musk dự kiến cũng góp mặt để thảo luận về những rủi ro từ AI, bao gồm việc công nghệ này bị lợi dụng để hỗ trợ sản xuất vũ khí sinh học hoặc phục vụ các cuộc tấn công mạng. Tất cả đều hướng đến mục tiêu xây dựng sự đồng thuận quốc tế về AI.

Tổng thống Mỹ Biden phát biểu về sắc lệnh AI ở Nhà Trắng. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Biden phát biểu về sắc lệnh AI ở Nhà Trắng

AP

Tuy nhiên, đã có nhiều tranh luận xuất hiện trước thềm hội nghị. Anh đang bị cáo buộc tập trung quá nhiều vào các mối đe dọa trong tương lai của AI mà không xem xét những ảnh hưởng hiện hữu đối với người dân, bao gồm việc AI khiến nhiều lao động mất việc và nhiều nhà sáng tạo nội dung bị "ăn cắp" sản phẩm để làm công cụ huấn luyện AI, theo tờ Financial Times. Ngoài ra, viễn cảnh AI bị lạm dụng để tạo ra những hình ảnh và video giả nhằm thao túng dư luận cũng đang là vấn đề khiến nhiều người lo ngại.

Trung Quốc, Mỹ, Anh ủng hộ an toàn AI tại hội nghị thượng đỉnh

Còn theo tờ The Independent, Thủ tướng Sunak cũng là tâm điểm bị người tiền nhiệm Liz Truss thuộc đảng Bảo thủ chỉ trích vì ông mời đại diện Trung Quốc tham dự hội nghị. Đáp lại phản ứng của bà Truss, ông Sunak khẳng định "không có chiến lược nghiêm túc nào" được phát triển để quản lý tác động do AI gây ra nếu không có sự tham gia của một trong những nền công nghệ hàng đầu thế giới. 

Anh muốn dùng AI để sớm phát hiện nghi phạm

Bộ trưởng Cảnh sát Anh Chris Philp hôm 30.10 đã thúc giục lực lượng an ninh quốc gia đẩy mạnh sử dụng công cụ nhận dạng khuôn mặt bằng AI để nhanh chóng truy quét tội phạm và thực thi pháp luật, theo tờ International Business Times. Chỉ thị của ông Philp cũng khuyến khích cảnh sát mở rộng triển khai công nghệ nhận dạng khuôn mặt theo thời gian thực để duy trì trật tự công cộng. Công cụ tiên tiến này sẽ ghi lại hình ảnh của đám đông theo đúng thời gian thực tế và sau đó đối chiếu chiếu với danh sách các cá nhân bị cơ quan thực thi pháp luật truy nã.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.