Nợ có khả năng mất vốn của BIDV tăng 20,5%

Anh Vũ
Anh Vũ
29/04/2022 12:17 GMT+7

Thu nhập của BIDV chủ yếu đến từ cho vay. Trong khi đó, thu từ mảng dịch vụ, bán lẻ lại sụt giảm. Đáng chú ý, nợ cần chú ý tăng vọt, còn nợ có khả năng mất vốn tăng 20,5%.

Sáng 29.4, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2022 với nhiều vấn đề quan trọng được đưa ra thảo luận.

Trước đó, tối 28.4, nhà băng này mới công bố toàn bộ tài liệu phục vụ đại hội và báo cáo tài chính quý 1/2022. Việc chỉ công bố trước có 1 ngày lại vào ban đêm khiến các cổ đông, nhà đầu tư rất khó hiểu.

“Các nhà băng khác họ công bố trước 1 tháng. Còn BIDV thì công bố trước 1 ngày lại vào ban đêm thì đến đọc tài liệu còn không kịp chứ nói gì đến phân tích tìm hiểu với đầu tư”, nhà đầu tư tên Đ., chia sẻ.

BIDV thu từ dịch vụ trong quý 1/2022 giảm mạnh
bidv

Thu từ dịch vụ giảm mạnh

Theo báo cáo tài chính quý 1/2022 của BIDV, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt hơn 12.438 tỉ đồng, tăng khoảng 19,3%. Đây là khoản mục tăng trưởng khá mạnh đóng góp chủ yếu vào lợi nhuận.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các ngân hàng chuyển hướng bán lẻ, đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ để tăng thu phí, dịch vụ thì BIDV lại “cài số lùi”. Theo đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trong quý 1 năm nay chỉ đạt có 1.039 tỉ đồng, giảm 14,4% so với cùng kỳ.

Kinh doanh ngoại hối của ngân hàng tăng mạnh nhất, khoảng gần 53%. Lãi từ mảng này quý 1/2022 đạt hơn 556 tỉ đồng.

Về mua bán chứng khoán kinh doanh năm ngoái lãi hơn 411 tỉ đồng, năm nay lỗ 27,6 tỉ đồng. Lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư không đáng kể chỉ hơn 1,5 tỉ đồng.

Tựu chung, trong quý 1 năm nay, BIDV có tổng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 3.358 tỉ đồng, tăng khoảng gần 36%. Đây là mức tăng trưởng khá ấn tượng trong hệ thống ngân hàng. Song, về cơ cấu rõ ràng đang thiếu đi tính bền vững và sự cạnh tranh.

BIDV có tổng tài sản lớn nhất hệ thống (hơn 1,8 triệu tỉ đồng) nhưng hiệu quả sử dụng tài sản ở mức rất thấp (ROA năm 2021 đạt 0,64% thấp nhất trong nhóm 4 ngân hàng sở hữu nhà nước).

Nguồn thu nhập của BIDV chủ yếu đến từ cho vay, còn thu dịch vụ giảm. Điều này cho thấy những áp lực rất lớn đối với BIDV khi cạnh tranh với nhà băng khác đang tăng tốc các nguồn thu từ bán lẻ lên rất mạnh, để giảm thu từ cho vay truyền thống.

Thuyết minh nợ xấu của BIDV
tp

Nợ có nguy cơ mất vốn tăng (nhóm 5) tăng mạnh

Đáng chú ý, tính đến hết quý 1/2022, BIDV có 12.453 tỉ đồng nợ xấu nội bảng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm tới hơn 62,8% (hơn 7.827 tỉ đồng) và tăng 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, nợ cần chú ý của ngân hàng tăng 32% lên 17.825 tỉ đồng, cho thấy nhiều khoản vay có thể do Covid-19 hoặc các khoản khác đang bắt đầu gặp khó trong khả năng trả nợ.

Tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra sáng nay 29.4, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2022 đạt 20.600 tỉ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ. Về kế hoạch tăng vốn điều lệ 2022, BIDV dự kiến tăng vốn thêm 10.623 tỉ đồng, lên 61.208 tỉ đồng (tăng 21% so với năm 2021) thông qua hai phương án.

Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành hơn 607 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ chia cổ tức là 12%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phần tại thời điểm chốt danh sách sẽ nhận được 12 cổ phiếu phát hành thêm.

Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 3 và quý 4/2022, trên cơ sở phê duyệt của cơ quan nhà nước có thầm quyền.

Tại Đại hội đồng cổ đông sáng 29.4, nói về hoạt động của ngân hàng, Tổng giám đốc Lê Ngọc L Lâm, cho biết trong những năm vừa qua chênh lệch thu chi của ngân hàng ở mức khá cao. Tuy nhiên, ngân hàng cũng dành nguồn lực để trích lập dự phòng, nâng cao chất lượng tín dụng. Hết năm 2021, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức 0,82%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.