Níu giữ nghề xưa: Mai một thổ cẩm làng Chăm

07/03/2018 09:00 GMT+7

Nhiều sản phẩm tinh xảo của các làng nghề truyền thống ở miền Tây từng vang danh khắp “Nam kỳ lục tỉnh”, được nhiều thế hệ trân trọng, giữ gìn. Theo thời gian, những làng nghề xưa dần mai một. Có làng chỉ sót lại vài người còn theo đuổi, như cố níu giữ kỷ niệm hơn là vì chuyện cơm áo.

Đối diện thánh đường Masjid Al-Ehsan là một xóm nhỏ của người Chăm, thuộc ấp Hà Bao 2, xã Đa Phước (H.An Phú, An Giang). Đường vào xóm phải qua một chiếc cầu dài bắc trên cạn, lót ván cao chừng 2 m, cao hơn mực nước lũ năm 2000. Trong xóm, những ngôi nhà sàn của người Chăm cất liền kề nhau. Riêng căn nhà bày bán sản phẩm thổ cẩm của ông I Sa thì được cất trệt, nền lót gạch. Đây là cơ sở duy nhất còn sót lại của làng dệt thổ cẩm Đa Phước nổi tiếng một thời.
Làng Chăm Đa Phước hình thành khoảng hơn 100 năm trước. Có ý kiến cho rằng Hà Bao có thể do tiếng Chăm gọi là "koh Kaboak", có nghĩa là "cồn tơ tằm". Nếu đúng như vậy thì có thể đoán định nghề dệt thổ cẩm ở đây đã có từ khi làng này được lập.
Theo lời kể của ông I Sa, dệt thổ cẩm là nghề cha truyền con nối. Ngày xưa nhà ông có 3 - 4 khung dệt do mẹ và các chị ông quán xuyến. Bấy giờ phụ nữ Chăm sống thu hẹp trong phạm vi gia đình, ít tham gia các hoạt động xã hội bên ngoài. Suốt ngày họ ở trong nhà lo việc nội trợ và dệt vải, chỉ có một số ít mở tiệm buôn bán tạp hóa. Thường vào buổi tối, khi đàn ông đến thánh đường làm lễ thì phụ nữ trong xóm mới có dịp ngồi lại với nhau chuyện trò, nếu có thời gian rảnh thì chăm sóc nhan sắc.
“Khi ra đường, phụ nữ Chăm bắt buộc phải choàng khăn che kín mặt, nhất là đối với các cô gái chưa chồng để chứng tỏ sự đứng đắn, đồng thời phải có người lớn đi kèm để giám sát, ngăn ngừa các cô gặp gỡ tụ họp với đám con trai. Gặp nhau ở ngoài đường, người nhỏ phải chào người lớn. Nếu không thì bị coi là “pa-hơn”, hiểu theo nghĩa tiếng Việt là hành vi mất dạy”, ông I Sa giải thích.

Hoa văn thổ cẩm của người Chăm dần dần mai một hết

Ông I Sa

Trước năm 1975, ở làng này đi đâu cũng nghe lốc cốc tiếng thoi đưa, bởi nhà nào cũng làm nghề dệt, vừa cung cấp cho thị trường vừa để may mặc trong nhà. Trang phục của người Chăm vùng này khá đơn giản. Đàn ông quấn xà rông, may bằng vải kẻ sọc nhiều màu từ nâu đến đỏ và xanh nhạt, xanh đậm. Xà rông của họ chỉ dùng khoảng 2 m vải đấu lại, chiều cao chừng 1,1 m là đủ, không có lưng và gấu. Phụ nữ thì mặc củng hay váy được may kỹ hơn, thông thường thì dùng màu đen, nhà giàu thì dùng vải bông.
Ngày nay, do thị hiếu thay đổi, số người dệt vải không còn nhiều nên vải may trang phục của cộng đồng người Chăm ở địa phương đa số là mua hàng dệt công nghiệp. Theo ông I Sa, hiện thời chỉ có người Chăm vùng Ninh Thuận là còn giữ tập quán tự dệt vải để mặc. Gia đình ông I Sa cũng không phải Chăm gốc Ninh Thuận như nhiều người nghĩ. Ông cho biết trước năm 1975, căn cước của những người trong gia đình ghi quốc tịch Malaysia. Đến năm 1977, nhà nước cấp giấy CMND mới ghi là quốc tịch VN, dân tộc Chăm.
Níu giữ nghề xưa: Mai một thổ cẩm làng Chăm1
Khung dệt còn lại của gia đình ông I Sa
Làng nghề dần mai một
Theo ông I Sa thì thời bao cấp, dù nguồn nguyên liệu chỉ, nhuộm khó khăn nhưng nghề dệt thổ cẩm vẫn làm ăn khấm khá, khách hàng rất nhiều. Người ta thường sử dụng khăn choàng tắm dệt thủ công. Lúc đó, mọi nhà ở Đa Phước đều có từ 2 - 3 khung dệt. Đặc biệt là vào mùa vía Bà, loại khăn rằn quấn cổ bán rất chạy. Về sau, khi hàng dệt công nghiệp tràn về, hàng dệt tại chỗ không bán được, nên thổ cẩm chỉ còn bán cho khách du lịch mua làm quà.
Từ năm 1992, các điểm dệt thổ cẩm bắt đầu tiếp khách du lịch đi đò từ Châu Đốc sang. “Họ tỏ ra rất thích thú với những sản phẩm thủ công truyền thống của chúng tôi, đặc biệt là khăn choàng. Nhờ vậy mà nhiều gia đình có điều kiện nâng cao thu nhập. Đến năm 2016, khách du lịch thưa dần. Bấy giờ làng Chăm Đa Phước vẫn còn 2 điểm dệt thổ cẩm và bán hàng lưu niệm. Nhưng vài năm nay thì du khách đến ngày một ít hơn. Công việc không thuận lợi nên nhiều người bỏ nghề. Bọn trẻ lên thành phố làm công nhân. Chỉ còn tôi giữ lại khung dệt và sản xuất cầm chừng cho khách tham quan. Nhưng hàng làm ra cũng rất khó bán”, ông I Sa than thở.
Hiện điểm của ông I Sa chỉ còn một khung dệt. Mỗi ngày cô cháu gái của ông dệt được chừng 15 chiếc khăn. Nhưng khách đến đây chủ yếu để tham quan, ít quan tâm tới việc mua hàng. Vì vậy, ông phải mua thêm các sản phẩm thủ công khác như áo khoác, túi xách, hàng mỹ nghệ... để bày bán cho phong phú. “Tại An Giang không riêng làng Chăm Đa Phước, ở Châu Giang bây giờ cũng chỉ còn vài cơ sở dệt “biểu diễn” cho khách xem. Làng Chăm Châu Phong có những mặt hàng dệt hoa văn xưa độc đáo nhưng cũng chỉ còn vài người làm. Hoa văn thổ cẩm của người Chăm dần dần mai một hết”, ông I Sa nói.
Níu giữ nghề xưa: Mai một thổ cẩm làng Chăm2
Sản phẩm thổ cẩm của người Chăm ở Đa Phước Ảnh: Hoàng Phương
Một thời bán dạo
Nhiều người lớn tuổi vẫn còn nhớ trước năm 1975, ở nhiều tỉnh vùng ĐBSCL thỉnh thoảng xuất hiện những người Chăm len lỏi vào vùng nông thôn để bán vải, mà bấy giờ dân địa phương gọi là “người Chà”. Cách bán hàng của họ rất đặc biệt: Đến từng nhà bán thiếu rồi năm sau quay lại lấy tiền. Nhưng không ai dám giựt!
Ông I Sa cho biết gia đình ông cũng có một thời đi bán kiểu như vậy. Hàng đa số là lãnh Mỹ A ở vùng Tân Châu (An Giang) sản xuất, nhưng đi bán theo mùa, thường là những tháng mùa khô. Người chuyên sống bằng nghề này đi bán quanh năm suốt tháng, lâu lâu mới trở về làng. Còn những người đi bán theo mùa có khi tổ chức thành đoàn, hoặc chỉ có gia đình, vợ con 4 - 5 người cùng đi. Khi đến nơi, phụ nữ ở dưới ghe lo cơm nước, đàn ông lên bờ, vào xóm lân la làm quen để bán hàng.
Cách mua bán này khá mạo hiểm, nhiều rủi ro, nhưng theo ông I Sa, người bán hàng cũng đã lường trước chuyện đó. “Người ta tính toán hàng bán ra phải lời gấp đôi, gấp ba phòng khi bị giựt hoặc tiền bị mất giá. Nhưng hiếm khi bị khách hàng quỵt nợ. Vì bấy giờ người ta nghe tiếng “Chà bán vải” ai cũng sợ bị “thư”, bị “yếm”. Nhưng thực tế không có chuyện bùa chú gì cả. Chủ yếu là cách tiếp cận làm quen, bán tận nhà và có niềm tin nên không sợ. Đến đầu thập niên 1970, do chiến tranh ác liệt nên còn ít người đi bán xa”, ông I Sa chia sẻ.
Cũng theo ông I Sa thì hiện tại cách bán hàng này vẫn còn. Chủ yếu là đi bán dạo ở vùng Sóc Trăng, nhưng không còn thịnh như xưa, do hàng hóa bây giờ dồi dào, cạnh tranh không lại. Riêng ở Đa Phước chỉ còn vài ba người đi bán dạo kiểu như vậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.