Ninh Hòa chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số

19/12/2023 10:00 GMT+7

Những năm qua, nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở TX.Ninh Hòa (Khánh Hòa) luôn nhận được sự quan tâm rất lớn từ Trung ương và địa phương. Đây là khâu then chốt giúp người dân đồng bào cải thiện cuộc sống, xây dựng, phát triển quê hương bền vững.

Thị xã Ninh Hòa thường xuyên phối hợp, thực hiện các chương trình thăm khám, phát thuốc miễn phí cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc - Ảnh: Ngọc Phúc

Thị xã Ninh Hòa thường xuyên phối hợp, thực hiện các chương trình thăm khám, phát thuốc miễn phí cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc

Ảnh: Ngọc Phúc

TX.Ninh Hòa có 60.382 ha là diện tích miền núi, chiếm 50,4% diện tích tự nhiên toàn thị xã; trong đó, xã Ninh Tây thuộc khu vực II với 3 thôn đặc biệt khó khăn là thôn Song Bung, Suối Mít và Buôn Sim và xã Ninh Tân thuộc khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn thị xã có 21 dân tộc thiểu số với 1.401 hộ, 5.067 khẩu, chiếm 2% dân số; trong đó đông nhất là dân tộc Ê đê. Các dân tộc thiểu số của thị xã sống tập trung chủ yếu ở 2 xã Ninh Tân và Ninh Tây và các xã miền núi của thị xã, số còn lại sống rải rác ở các xã phường.

Thực hiện theo Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030, bà Trần Thị Cúc, Trưởng phòng Dân tộc TX.Ninh Hòa, cho biết cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, đặc biệt là 2 xã Ninh Tây và Ninh Tân đã có những chuyển biến tích cực. Thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm (bình quân giảm 5,2%). Kết cấu hạ tầng cơ sở được đầu tư đồng bộ, 100% hệ thống giao thông từ thị xã đến trung tâm đến xã đã được trải nhựa hoặc bê tông hóa; 100% số hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp; 100% số xã có trường mầm non, mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở và trạm y tế. 100% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế; 63,55% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ; 99,4% phụ nữ sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế. Lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề ngày càng chú trọng, lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số đạt tỉ lệ 88,6%, có chứng chỉ đạt 9,96%.

Gia đình anh Cao Chương (tại thôn Sông Bún, xã Ninh Tây) vui mừng bên căn nhà mới do Hội chữ thập đỏ tỉnh Khánh Hòa xây tặng - Ảnh: Ngọc Phúc

Gia đình anh Cao Chương (tại thôn Sông Bún, xã Ninh Tây) vui mừng bên căn nhà mới do Hội chữ thập đỏ tỉnh Khánh Hòa xây tặng

Ảnh: Ngọc Phúc

Trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận. Hằng năm, địa phương luôn duy trì tốt việc tổ chức lễ hội cúng Bến nước của người Ê đê ở xã Ninh Tây và một số phong tục tập quán khác cũng được phát huy gìn giữ, 100% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng, cố đội văn hóa, văn nghệ truyền thống. Bên cạnh đó, công tác quốc phòng, an ninh luôn được củng cố và tăng cường, trong đó, đã chủ động phát hiện, giải quyết kịp thời các vụ việc, không để xảy ra các "điểm nóng" về an ninh, trật tự trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi.

Lễ cúng Bến nước, một nét văn hóa độc đáo của người Ê Đê xã Ninh Tây đang được duy trì - Ảnh: CT

Lễ cúng Bến nước, một nét văn hóa độc đáo của người Ê Đê xã Ninh Tây đang được duy trì

Ảnh: CT

Cũng theo bà Trần Thị Cúc, giai đoạn 2021 - 2025, thị xã đã huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình phát triển kinh tế đồng bào vùng núi, trong đó ngân sách Trung ương 7.746 triệu đồng; ngân sách địa phương 1.193,5 triệu đồng (ngân sách tỉnh là 684 triệu đồng; ngân sách thị xã là 509,5 triệu đồng). Thị xã cùng với các địa phương đã đầu tư 2.821,83 triệu đồng thực hiện đầu tư, duy tu cơ sở hạ tầng thiết yếu tại địa bàn xã Ninh Tân và 3 thôn đặc biệt khó khăn của xã Ninh Tây gồm 3 công trình giao thông, 1 công trình cổng tường rào, sân, nhà vệ sinh, hệ thống nước nhà sinh hoạt cộng đồng; triển khai đăng ký nhu cầu học nghề dưới 3 tháng cho lao động là thanh niên là người dân tộc thiểu số, người lao động là dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023.

Anh Y Ni, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Ninh Tây, cho biết địa bàn xã phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, công tác hỗ trợ người nghèo luôn được lãnh đạo các cấp quan tâm, hỗ trợ. Năm 2023, xã có 6 hộ đồng bào dân tộc được hỗ trợ xây dựng nhà mới. Bên cạnh các gói vay ưu đãi để lập nghiệp cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số, UBND xã Ninh Tây cũng đang rà soát diện tích rừng, lập hồ sơ giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người kinh nghèo đang sinh sống ổn định. Xã cũng đang hoàn thành các thủ tục hồ sơ đề xuất mức hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng cây trồng cho bà con đồng bào dân tộc…

Là một trong 6 hộ đồng bào dân tộc được Hội chữ thập đỏ tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ chi phí để xây dựng ngôi nhà mới ở xã Ninh Tây, anh Cao Chương (23 tuổi, trú tại thôn Sông Bún), chia sẻ: "Vợ chồng tôi có 1 con nhỏ, được nhà nước hỗ trợ xây dựng căn nhà mới nên rất vui mừng. Có nhà đẹp ổn định, chúng tôi sẽ cố gắng làm việc để kiếm cái ăn cái mặc và nuôi hai con nhỏ".

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, đó là kết quả thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030 chưa đạt được như mong muốn. So với mặt bằng chung của cả nước, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn thuộc diện khó khăn nhất. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao; khoảng cách so với vùng phát triển có xu hướng gia tăng; khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội còn thấp…

Chương trình Địa chỉ an toàn cộng đồng xã Ninh Tân - Ảnh: CT

Chương trình Địa chỉ an toàn cộng đồng xã Ninh Tân

Ảnh: CT

Theo báo cáo của UBMTTQ TX.Ninh Hòa, năm 2023 thị xã đã cấp 12.958 thẻ BHYT cho người nghèo, người cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi và vùng đặc biệt khó khăn với kinh phí 11.746.879.200 đồng. Ngân hàng chính sách đã giải ngân cho vay ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách khác trên 7.288 lượt với số tiền 217.164 triệu đồng. Thị xã đã hỗ trợ xây dựng mới 26 căn nhà, sửa chữa 3 căn nhà cho hộ nghèo và cận nghèo; trợ cấp xã hội thường xuyên cho 11.446 người với tổng số tiền 77.494,9 triệu đồng. Ngoài ra, trong năm tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình của các tổ chức đoàn thể thị xã nhằm góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của địa phương như: Hội Nông dân thị xã với chương trình hỗ trợ vốn sản xuất (nhân rộng các tổ vay vốn, tổ tín chấp, vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xây dựng các mô hình nông dân thi đua sản xuất giỏi khuyến khích người nông dân tự vươn lên thoát nghèo,…); Hội Cựu chiến binh thị xã với các phong trào giúp nhau xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất, nâng cao đời sống của các hội viên; Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã ngoài việc vận động phụ nữ tiết kiệm giúp vốn xoay vòng, còn tranh thủ nguồn vốn ủy thác của các chương trình từ ngân hàng…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.