'Nín thở' chờ đấu thầu vàng miếng

18/04/2024 06:37 GMT+7

Các tiệm vàng đều tỏ ra thận trọng trong mua bán trước đợt tổng kiểm tra của quản lý thị trường. Riêng vàng miếng thì "im lìm" chờ thông tin về quyết định đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước.

Giao dịch trang sức "rón rén"

Từ đầu tháng 4 đến nay, các tiệm vàng trang sức đều thận trọng trước những đợt kiểm tra của cơ quan chức năng. Ngày 17.4, ông T.C, chủ một tiệm vàng ở Q.8 (TP.HCM), cho biết vừa phân loại các sản phẩm nữ trang trên quầy xong. Những sản phẩm nhái nhãn hiệu Chanel, Louis Vuitton… đều phải bỏ ra hết. Cách đây mấy ngày, một số tiệm vàng khác lo lắng, đóng cửa một vài hôm nhưng nay cũng đã trở lại hoạt động bình thường. Theo ông T.C, những tiệm lâu năm như ông đang lo vấn đề chứng minh nguồn gốc sản phẩm từ mấy năm trước, các chành (đơn vị sản xuất - PV) ghi giấy nay không còn giữ thì sẽ rất "mệt" khi cơ quan quản lý thị trường hỏi đến.

Ghi nhận tại chợ Thiếc (Q.11, TP.HCM), khu vực các quầy vàng nhộn nhịp khách nhưng chủ yếu đến bán. Bên ngoài chợ, phía đường Phó Cơ Điều, tiệm vàng Kim Khánh Giang đóng cửa, còn bên trong chợ tiệm vàng Kim Vĩnh Phát phủ bạt che tủ không hoạt động. Các tiệm vàng khu vực chợ An Đông (Q.5, TP.HCM) khách hàng thưa thớt, nhân viên chủ yếu bấm điện thoại.

Đấu thầu vàng miếng được kỳ vọng giúp kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới

Đấu thầu vàng miếng được kỳ vọng giúp kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới

Nhật Thịnh

Không những thị trường vàng trang sức, vàng miếng cũng rơi vào cảnh "chợ chiều" khi ngóng thông tin đấu thầu vàng từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Khác với cảnh mua bán nhộn nhịp những ngày trước đó, đến tận trưa 17.4, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC (đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM) mới có khách mở hàng đầu ngày. Tại khu vực bán lẻ, cũng chỉ có 1 - 2 khách hàng vào mua vài chỉ vàng nhẫn.

Chính vì ế ẩm mà giá vàng miếng SJC biến động ngược chiều so với vàng thế giới. Hôm qua, sau khi tăng mạnh 600.000 đồng đầu ngày, giá vàng miếng SJC đã giảm 200.000 - 300.000 đồng mỗi lượng vào buổi chiều, xuống còn mua vào 82,1 triệu đồng, bán ra 84,1 triệu đồng. Trong khi đó, giá vàng trên thị trường quốc tế tăng 10 USD, lên 2.392 USD/ounce. Giá vàng miếng SJC hiện cao hơn thế giới khoảng 10,7 triệu đồng/lượng thay vì gần 13 triệu đồng như trước đó. Vàng nhẫn cũng cao hơn còn 3,3 triệu đồng/lượng thay vì trên 4 triệu đồng/lượng.

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM, giải thích: Tình trạng đóng cửa của một số tiệm đã xảy ra từ lâu hoặc di dời địa chỉ đi nơi khác, còn hoạt động kinh doanh tại chợ Thiếc vẫn diễn ra bình thường. "Việc cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ, nhãn hiệu… vàng bạc trang sức và phát hiện các sản phẩm nữ trang giả thương hiệu chứ không phải vàng giả như một số người lo ngại. Riêng đối với việc kết nối máy tính tiền của tiệm vàng với cơ quan thuế xuất hóa đơn, đã được hướng dẫn và trong tháng 4 này sẽ thực hiện đồng bộ", ông Dưng giải thích và thừa nhận một số tiệm vàng lo lắng trước thông tin kiểm tra của cơ quan chức năng nhưng sau khi được phổ biến thông tin thì đã yên tâm hoạt động bình thường.

Một số tiệm vàng ở TP.HCM đóng cửa, di dời địa chỉ

NHNN sẽ đấu thầu vàng miếng

NHNN đã thông tin chính thức về việc sẽ thực hiện đấu thầu vàng miếng SJC. Cụ thể, cơ quan này đề nghị Bộ Công an phối hợp cùng tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu diễn ra an toàn, hiệu quả; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng, nhất là các hành vi buôn lậu, thao túng, đầu cơ trục lợi, đẩy giá vàng miếng... Song song đó, NHNN đề nghị Bộ Tài chính yêu cầu các tổ chức kinh doanh vàng, nhất là mua, bán vàng miếng thực hiện nghiêm việc áp dụng hóa đơn điện tử trong giao dịch để nâng cao tính minh bạch; Tiếp tục cung cấp thông tin về các sự vụ, sự việc buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng qua biên giới để NHNN kịp thời nắm bắt thông tin thị trường nhằm đưa ra phương án quản lý và hỗ trợ NHNN trong việc thực hiện thủ tục thông quan lượng vàng nhập khẩu phục vụ công tác đấu thầu.

Tuy nhiên, đến chiều 17.4, vẫn chưa có thông tin cụ thể về hoạt động đấu thầu như thời gian, số lượng doanh nghiệp (DN) được tham gia…

Theo chủ tịch một công ty vàng, việc đấu thầu vàng miếng SJC sẽ tác động đến thị trường, có thể làm giảm mức chênh lệch giá trong và ngoài nước thời gian tới. Tuy nhiên, nếu giá thế giới vẫn tăng mạnh thì thị trường vẫn phát sinh chênh lệch giá. Bởi đấu thầu, tăng nguồn cung ra thị trường sẽ có độ trễ, thêm vào đó cung vàng sẽ gặp vấn đề về tỷ giá USD/VND. Bởi giá vàng tăng hay giảm còn tùy thuộc vào giá thế giới cũng như tỷ giá hối đoái trong nước. Hiện nay tỷ giá đang là một ẩn số lớn. Trong trường hợp giá USD tăng thì có khả năng tác động đến giá trong nước. Với mức biến động của giá thế giới hiện nay, việc đấu thầu vàng và đối ứng với giá thế giới cần thận trọng.

Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu vàng miếng để tăng cung trên thị trường

Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu vàng miếng để tăng cung trên thị trường

Nhật Thịnh

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng câu chuyện đấu thầu vàng đã từng thực hiện trong năm 2013 với khoảng 76 lượt đấu thầu. Khi đó, tình trạng mất cân đối cung - cầu trên thị trường vàng cũng được hạn chế giúp thị trường ổn định hơn. Vì vậy, hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC sẽ góp phần tăng nguồn cung vàng trong nền kinh tế để qua đó giảm chênh lệch giữa trong nước với quốc tế. Ngoài ra, cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.

"Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay khác với năm 2013. Thời điểm đó, tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế đang diễn ra khi các ngân hàng được phép huy động, thanh toán và cho vay bằng vàng. Còn hiện nay vấn đề này không có nên câu chuyện "vàng hóa" không phải là chính. Quan trọng nhất là cung thấp hơn cầu khiến chênh lệch giá vàng trong nước với quốc tế quá lớn", ông Lực nhận định và cho rằng giá vàng biến động mạnh trong thời gian qua chủ yếu do giá vàng quốc tế.

Từ đầu năm đến nay, giá vàng quốc tế đã tăng gần 20%, trong nước tăng 12 - 13% và chủ yếu do biến động địa - chính trị, rủi ro tăng lên, xung đột ở Trung Đông và một số khu vực khác. Vì vậy, thị trường vàng còn phụ thuộc vào câu chuyện quốc tế, các xu hướng xung đột trên thế giới. Do đó về dài hạn, ông Lực vẫn bảo lưu quan điểm cần cho phép nhập khẩu vàng để thị trường hoạt động ổn định.

Cần cho phép nhập khẩu vàng

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, khi tăng cung cho thị trường vàng, chênh lệch giữa giá vàng SJC với thế giới sẽ xuống thấp. Tùy theo lượng cung vàng thì chênh lệch này sẽ rút ngắn xuống dưới 8 triệu đồng ngay lập tức, thậm chí có thể xuống dưới 4 triệu đồng/lượng vào cuối năm nay.

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng việc NHNN đấu thầu vàng chỉ có tác dụng ngắn hạn. Về dài hạn, điều này sẽ không có quá nhiều tác động đến câu chuyện chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế. Nguyên nhân chính cho mức chênh lệch quá cao này xuất phát từ việc SJC độc quyền về xuất nhập khẩu và không xuất, không nhập khẩu vàng thời gian qua khiến giá vàng trong nước tăng cao so với thế giới.

Vì vậy, việc đấu thầu vàng không phải là biện pháp căn bản để xử lý chênh lệch giá vàng giữa SJC và thế giới. Phải lưu ý rằng trên thế giới còn mỗi ở VN là ngân hàng trung ương độc quyền xuất nhập khẩu vàng miếng. Hiện nay, vàng miếng SJC không chênh lệch với các thương hiệu vàng miếng khác về chất lượng, song giá cả lại chênh lệch rất lớn. Đây là điều vô lý và cần trả lại thương hiệu SJC cho DN để họ kinh doanh bình đẳng như các đơn vị khác.

'Nín thở' chờ đấu thầu vàng miếng- Ảnh 3.

Biện pháp căn cơ nhất là phải cho phép một số DN được xuất nhập khẩu bình thường và dùng công cụ thuế, hải quan điện tử để kiểm soát và quản lý thị trường vàng. TS Lê Xuân Nghĩa đặt vấn đề: Vàng có quan trọng như xăng dầu hay không? Tại sao chúng ta vẫn để xăng dầu xuất nhập khẩu thông thường mà lại cấm nhập khẩu vàng? Bất cứ nhập khẩu hàng hóa nào cũng phải chi ra ngoại tệ thì vàng cũng vậy. Ước tính, lượng ngoại tệ để nhập khẩu vàng chỉ khoảng 3 tỉ USD, thấp hơn nhiều so với nhập xăng dầu hay nhiều sản phẩm khác. Vì vậy không quá lo ngại về việc cho phép nhập khẩu vàng sẽ tác động đến tỷ giá hối đoái. Thậm chí, nếu không cho nhập khẩu vàng thì tình trạng buôn lậu diễn ra càng gia tăng khi chênh lệch giá trong và ngoài nước quá lớn. Khi buôn lậu thì cá nhân gom USD để mua nên cũng tác động đến tỷ giá hối đoái.

Do vậy, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng đơn giản nhất là cho phép công ty kinh doanh vàng bạc đủ điều kiện được xuất nhập khẩu vàng. Chính phủ cần dùng công cụ mạnh nhất để xử lý vấn đề này là thuế. Thậm chí, không cần áp dụng quản lý về số lượng nhập khẩu mà để DN tự thực hiện theo cung cầu của thị trường. Nếu áp dụng bằng hạn ngạch (quota) thì lại vô hình trung tạo ra cơ chế xin - cho. Các DN được quota để nhập khẩu vàng sẽ hưởng lợi trong khi nhà nước lại không thu được thuế. Riêng đối với thị trường trong nước, cần áp dụng hóa đơn điện tử cho hoạt động mua bán vàng.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh về dài hạn, cần thiết phải sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng để phù hợp hơn với bối cảnh trong nước và thế giới hiện nay. Bởi nhu cầu về tích trữ, mua sắm trang sức bằng vàng của người dân là điều tất yếu. Đó là chưa kể về phía nhà nước, dự trữ vàng cũng cần thiết trong bất kỳ nền kinh tế tại bất cứ thời điểm nào. Vì vậy, nên bỏ độc quyền sản xuất và nhập khẩu vàng miếng của NHNN, cho phép một số DN đủ điều kiện có thể nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

Đồng thời, bỏ độc quyền thương hiệu vàng SJC, bởi chính vì câu chuyện độc quyền sản xuất và nhập khẩu nói trên đã làm hạn chế nguồn cung thời gian qua, gây mất cân đối cung - cầu trên thị trường. Vì độc quyền thương hiệu SJC khiến chênh lệch giữa giá vàng SJC với các thương hiệu khác là rất lớn, giá vàng SJC cũng cao hơn rất nhiều so với thế giới. Bên cạnh đó, cần kiên định đối với chính sách của Chính phủ từ hơn 10 năm qua là không cho phép vay mượn bằng vàng, mà chỉ cho mua bán vàng. Đây là điều rất quan trọng, góp phần chống "vàng hóa" trong nền kinh tế.

Giá USD tại các ngân hàng tăng kịch trần

Ngày 17.4, NHNN tăng tỷ giá trung tâm 90 đồng/USD, lên 24.231 đồng. Ngay lập tức, các ngân hàng thương mại tăng mạnh giá USD thêm 90 - 120 đồng, lên mức kịch trần cho phép. Eximbank mua vào lên 25.120 đồng, bán ra 25.442 đồng; Vietcombank mua vào với giá 25.100 - 25.130 đồng, bán ra 25.440 đồng… Đây là mức giá cao kỷ lục của USD trong hệ thống ngân hàng từ trước đến nay. Từ đầu tháng 4 đến nay, đồng bạc xanh tăng giá mạnh 472 đồng, tương ứng đi lên 1,9%. Tổng cộng từ đầu năm đến nay, giá USD tăng 1.022 đồng, tương ứng mức tăng gần 4,2%.

Hàng loạt tiệm vàng có vi phạm

Tổng cục Quản lý thị trường đã triển khai thực hiện Công điện số 23 ngày 20.3 của Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng. Theo đó, lực lượng quản lý thị trường nhiều tỉnh thành đã kiểm tra, phát hiện hàng loạt tiệm vàng có sai phạm trong hoạt động.

Chẳng hạn, ngày 16.4, Đội quản lý thị trường số 1 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Nam Định phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Nam Định tiến hành kiểm tra đột xuất DN tư nhân A và phát hiện, tạm giữ các sản phẩm bông tai, mặt dây chuyền bằng kim loại màu vàng mang nhãn hiệu của Chanel có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Tương tự, trong hai ngày 11.4 và 14.4, các đoàn kiểm tra thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau qua kiểm tra 2 DN đang trưng bày hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của Chanel gồm 11 loại hàng hóa (vòng đeo tay, bông tai, nhẫn tay, lắc tay…) là trang sức kim loại màu vàng.

Cục Quản lý thị trường TP.HCM thành lập 6 đoàn kiểm tra, phối hợp với UBND phường, công an phường đồng loạt ra quân kiểm tra đột xuất 6 điểm kinh doanh vàng trên địa bàn Q.6, Q.8. Kết quả kiểm tra bước đầu ghi nhận có một địa điểm kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và 5 địa điểm có các hành vi vi phạm như kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu lớn đang được bảo hộ tại VN. Hàng hóa là trang sức các loại có dấu hiệu vi phạm bị tạm giữ có tổng giá trị hơn 177,4 triệu đồng…

Đấu thầu vàng miếng giúp kéo giá trong và ngoài sát nhau

Mục tiêu của đấu thầu vàng là tăng nguồn cung, là kéo giá trong nước sát với giá thế giới. Kết quả đấu thầu vàng đạt được ra sao phải chờ xem NHNN thực hiện đấu thầu như thế nào. Trong đó chờ xem lượng vàng đưa ra đấu thầu nhiều hay không. Tuy nhiên mục tiêu kéo sát giá trong và ngoài nước sẽ đạt được thời gian tới. Kết hợp với những biện pháp tăng cường kiểm tra của cơ quan chức năng về nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ, các tiệm vàng xuất hóa đơn… sẽ giúp thị trường vàng minh bạch hơn.

Ông Đinh Nho Bảng, Hiệp hội Kinh doanh vàng VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.