Nhuộm xương: Nam sinh mang đến vẻ đẹp cho cái chết

23/04/2022 09:24 GMT+7

Gọi công việc của mình là làm cho cái chết có vẻ đẹp riêng, một nam sinh (15 tuổi) đã tự mình tìm tòi và theo đuổi bộ môn nhuộm xương cho động vật với những tiêu bản tựa như những tác phẩm nghệ thuật đầy màu sắc.

“Từ bé, mình rất thích khoa học và hóa thạch nên mình từng có suy nghĩ nếu lỡ như thú cưng của mình không may qua đời thì có cách nào để lưu giữ lại hay không, nên mình bắt đầu tìm hiểu về phương pháp nhuộm xương”, Nguyễn Tiến Minh Duy, học sinh Trường THCS Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, nhớ lại.

Nam sinh mê nhuộm xương

NVCC

Tự học nhuộm xương

Khi bước vào lớp 8, được tiếp xúc với bộ môn hóa học, Minh Duy bắt đầu thử ứng dụng các kiến thức mình đã tìm hiểu để nhuộm xương. Tuy nhiên, những bước đi đầu tiên của chàng trai này lại vấp phải khá nhiều khó khăn.

“Lần đầu tiên khi bắt đầu nhuộm các tiêu bản thì mình sợ bố mẹ sẽ ngăn cấm nên mình phải làm lén và các trang thiết bị, hóa chất lúc ấy vẫn còn thiếu thốn. Với lại, mình còn phải căn chỉnh rất nhiều thứ để phù hợp với mỗi tiêu bản nên thời gian đầu bị mất khá nhiều thời gian”, Minh Duy chia sẻ về những khó khăn của mình.

Phòng thí nghiệm của Minh Duy

NVCC

Một trong những tác phẩm nghệ thuật của Minh Duy

NVCC

Phòng thí nghiệm của Minh Duy ban đầu chỉ là một căn phòng kín tại nhà, một máy lọc không khí cùng với vài hóa chất và dụng cụ hỗ trợ. Mọi quá trình nhuộm xương đều được Duy thực hiện ngay trong căn phòng đó. Không một ai hướng dẫn, chủ yếu Duy tham khảo các tài liệu nước ngoài và sau đó tự thử nghiệm để cho ra một công thức nhuộm xương phù hợp.

Các hóa chất mà Minh Duy thường dùng để tẩy đi protein trong mẫu vật khiến cho phần da thịt trở nên trong suốt và dùng để nhuộm xương thường là các chất vô cùng độc hại. Các hóa chất này có thể gây ung thư, vô sinh, bỏng hoặc mù lòa; còn đối với môi trường nếu vứt bỏ các hóa chất này không đúng cách thì có thể gây hại cho môi trường.

“Khi nhuộm thì có một lần mình bị hóa chất bắn vào mắt nhưng cũng may lúc đó hóa chất đã rất loãng cho nên chỉ bị kích ứng. Làm công việc này bắt buộc phải mặc đồ bảo hộ cũng như có phòng thí nghiệm riêng, nếu không các hóa chất này sẽ phát tán ra không khí và gây hại cho người nhà”, Duy kể.

Vì thế, sau khi nhuộm xong, những hóa chất dư thừa sẽ được Duy tự xử lý ở trong phòng thí nghiệm hoặc đưa đến nhà máy để xử lý đúng cách. Còn những mẫu vật bị hỏng thì sẽ để cho sâu ăn xác giải quyết.

Thời gian để nhuộm xương cho mỗi mẫu vật kéo dài từ 2 tuần cho đến 3 tháng tùy theo độ kích thước và độ dày của thịt động vật. Mẫu vật lớn nhất mà Duy từng làm là một con rắn dài 1,2 mét với thời gian để nhuộm màu kéo dài đến 3 tháng và tốn một lượng hóa chất khá lớn. Các mẫu vật đã được nhuộm màu xong sẽ được Duy bảo quản trong dung dịch chống nấm mốc như glycerol để giữ được vĩnh viễn.

Vẻ đẹp của cái chết

Hiện tại, số lượng tiêu bản mà chàng trai này đã hoàn thành hơn 50 tiêu bản, bao gồm các loài cá, cá ngựa, rắn, rồng Úc và các loại kỳ đà. Những tiêu bản động vật được Duy lấy từ các tiệm cá cảnh, pet shop (cửa hàng thú cưng) hoặc là động vật từ bạn bè nuôi không may qua đời.

“Lần đầu tiên ra mắt các sản phẩm hoàn chỉnh thì có người khen, có người công nhận nhưng vẫn có nhiều ý kiến trái chiều do không hiểu biết và cho rằng công việc này là sát sinh, vô nhân đạo. Mình khá buồn vì điều đó. Mình chỉ thu lại xác của những động vật xấu số, việc nhuộm xương này là để nghiên cứu khoa học, cũng như làm cho cái chết có vẻ đẹp riêng của nó”, Minh Duy bày tỏ.

Một số tác phẩm của Duy

NVCC

Để cho mọi người hiểu rõ về đam mê của mình, Duy mất 1 tuần để giải thích và thuyết phục gia đình cho mình theo đuổi công việc nhuộm xác này. Dựa vào việc chứng minh cho bố mẹ thấy Duy không lơ là việc học hành, cũng như những sản phẩm mình làm ra là xác của những động vật đã chết chứ không sát sinh. Khi đối mặt với những bình luận tiêu cực, Duy sẽ chọn cách giải thích để mọi người hiểu công việc mình đang làm. Nếu không được thì cậu sẽ im lặng và tìm đến sự thấu hiểu từ bạn bè, gia đình.

Hiện tại, chàng trai đang theo đuổi đam mê này vừa để sưu tầm và kinh doanh. Tùy vào kích thước của mỗi tiêu bản thì sẽ có giá trị khác nhau từ 200.000 - 8 triệu đồng. Tuy nhiên, mục đích chính của nam sinh này vẫn là sưu tầm, bởi Duy khẳng định rằng mình sẽ theo đuổi niềm đam mê này cho đến khi nào không thể theo đuổi được nữa, những tiêu bản đó sau này chính là nghề tay trái của cậu.

“Theo mình, mọi hình thái của sự sống nó đều có vẻ đẹp riêng và bộ môn này là để lưu lại những kỷ niệm đẹp của sinh vật đó. Như một ai đó có thú nuôi không may qua đời, phương pháp này có thể lưu lại vẻ đẹp đó và biến vẻ đẹp của cái chết trở thành một loại hình nghệ thuật.

Điều mà mình muốn khi các sản phẩm của mình được đưa ra cho nhiều người biết đến là các lời đóng góp chân thành để cho sản phẩm của mình ngày càng tốt hơn, những quan điểm thật sự thiện chí và có sự hiểu biết. Đặc biệt là mình muốn đón nhận những lời khen và sự công nhận từ mọi người”, Minh Duy chia sẻ.

Nhuộm xương cho động vật

Phương pháp nhuộm xương cho tiêu bản động vật (Diaphonization) đã có từ năm 1897, được phát minh bởi một nhà khoa học người Đức. Cách thức để thực hiện phương pháp này là tẩy cho phần thịt của động vật trở nên trong suốt, sau đó sẽ tiến hành nhuộm màu cho phần xương và sụn. Các mẫu vật thường dùng để nhuộm màu đa số là các động vật nhỏ như cá nhỏ, chim, bò sát…

Ban đầu, phương pháp này chủ yếu dùng để phục vụ cho mục đích nghiên cứu về sinh vật. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhuộm xương cho động vật đã trở thành một bộ môn thiên về sáng tạo nghệ thuật được nhiều người trẻ đam mê và theo đuổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.