Những ý tưởng lạ lùng đối phó vũ khí bội siêu thanh

13/02/2022 14:00 GMT+7

Trong lúc Lầu Năm Góc tìm cách đẩy nhanh tiến độ phát triển vũ khí bội siêu thanh, giới học giả Mỹ đưa ra những ý tưởng “kỳ quặc” nhưng có vẻ hiệu quả để đối phó dòng vũ khí của Nga và Trung Quốc .

Mô phỏng "bức tường bụi" cản trở hoạt động của vũ khí bội siêu thanh

csis

Vũ khí bội siêu thanh (đạt tốc độ hơn gấp 5 lần vận tốc âm thanh) được xếp nhóm khó đối phó nhất, do chúng di chuyển quá nhanh. Trong lúc Mỹ bị tụt lại đằng sau trên đường đua phát triển vũ khí bội siêu thanh, các học giả của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở tại Washington D.C, vừa đưa ra một loạt các phương án đối phó vũ khí của Nga và Trung Quốc.

Phòng thủ bằng “bụi”

Tại hội thảo diễn ra gần đây, CSIS công bố sách trắng với tựa đề “Phòng không phức hợp: Đối phó đe dọa từ tên lửa bội siêu thanh”, do các tác giả Tom Karako và Masao Dahlgren hợp tác thực hiện.

Các tác giả tranh luận rằng, do nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo không được trang bị năng lực đối phó mối đe dọa từ vũ khí bội siêu thanh, Mỹ cần nghiên cứu cách tiếp cận mới, tập trung khai thác các điểm yếu của chúng.

Tên lửa bội siêu thanh đáng sợ đến mức nào?

Một trong những đề xuất thú vị nhất được nêu lên trong sách trắng chính là khái niệm "chặn đường" vũ khí bội siêu thanh bằng cách tạo nên những đám mây gồm các hạt kim loại nhỏ. Họ cũng đề nghị sử dụng vi sóng và những biện pháp khác để can thiệp chức năng vận hành của vũ khíđối phương, đẩy chúng vào tình trạng bị hư hỏng và dễ bắn hạ hơn.

“Ở vận tốc bội siêu thanh, những sự va chạm của tên lửa với bụi khí quyển, mưa và các phân tử khác trong không khí có thể tích tụ năng lượng động học với sức công phá tương đương viên đạn, gây ra những gián đoạn không dự đoán trước về khí động học, nhiệt và cấu trúc đối với dòng vũ khí này”, theo báo cáo.

Các chuyên gia CSIS cho hay kết luận trên được rút ra từ những sự cố được ghi nhận trước đó, liên quan đến các phương tiện tiến nhập khí quyển tốc độ cao. Họ gọi đây là “vũ khí phòng không thế kỷ 21”.

Thuật ngữ “vũ khí phòng không” (flak) trong trường hợp này có nguồn gốc từ thế chiến thứ hai, xuất phát từ nghĩa tiếng Đức là “pháo phòng không”. Trong suốt những năm chiến tranh, Đức Quốc xã chủ yếu dựa vào các khẩu pháo phòng không 88 ly và bắn những loạt đạn tự nổ tung thành những đám mây chứa toàn mảnh vụn kim loại sát bên máy bay đối địch.

Phiên bản thế kỷ 21

Phiên bản thế kỷ 21 hoạt động tương tự nhưng phức tạp hơn nhiều. Theo báo cáo của CSIS, các hệ thống phòng không sẽ rải “những hạt phân tử được thiết kế” trên bình diện không gian rộng và gần hướng di chuyển của tên lửa bội siêu thanh. Những hạt này có thể làm bằng kim loại, được thiết kế để duy trì độ cao trên thượng tầng khí quyển suốt “hàng chục phút”. Cách tiếp cận mới mẻ sẽ cho phép lực lượng Mỹ “rải bụi” cản trở hoạt động của vũ khí bội siêu thanh vào thời điểm chúng mới được phóng lên.

“Do tốc độ trong giai đoạn đầu kể từ khi rời bệ phóng sẽ cao hơn, việc triển khai “bức tường bụi” ở giai đoạn này sẽ mang đến hiệu quả tốt hơn so với trường hợp rải bụi sau đó”, theo phân tích của CSIS.

Việc dựng lên “bức tường bụi” không nhằm phá hủy ngay tức khắc vũ khí bội siêu thanh, mà thay vào đó tác động ở mức vừa đủ để can thiệp sự vận hành của chúng. Tuy nhiên, cách này có lẽ chỉ phù hợp khi sử dụng với vũ khí được trang bị đầu đạn thường. Trong trường hợp đầu đạn nguyên tử, sức công phá của chúng ở tầm rộng lớn và chết chóc hơn dù có thể không bắn trúng mục tiêu đã định.

Các học giả CSIS cũng đề nghị sử dụng vũ khí vi sóng năng lượng cao (HPM). Đây là dạng ít bị thời tiết ảnh hưởng hơn so với vũ khí laser. Cũng như trường hợp “vũ khí phòng không thế kỷ 21”, HPM được khai hỏa bằng cách chặn đầu và “đun nóng khu vực khí quyển” trước khi vũ khí bội siêu thanh xuất hiện. Biện pháp này có thể phá hủy mạch điện của tên lửa, khiến chúng dễ dàng bị bắn hạ bằng vũ khí thường, hoặc bị hỏng và rơi xuống đất.

Thiết bị bay Avangard có thể lắp đầu đạn hạt nhân được Nga công bố năm 2028

cơ quan báo chí bộ quốc phòng nga

Đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn chưa có vũ khí bội siêu thanh được triển khai trên thực tế. Trong khi đó, Nga phát triển 3 dòng vũ khí bội siêu thanh và chính thức biên chế 2 dòng là thiết bị bay Avangard và tên lửa hành trình Kinzhal. Tên lửa Zircon đối hạm đang trong những giai đoạn cuối cùng của nỗ lực thử nghiệm. Trung Quốc cũng phát triển nhiều vũ khí tương tự, và láng giềng CHDCND Triều Tiên tuyên bố vừa thử nghiệm vũ khí bội siêu thanh trong vài tháng gần đây. Lần gần nhất Bình Nhưỡng phóng vũ khí này là vào tháng 1.

Tuần trước, Phó đô đốc Mỹ Jon Hill thừa nhận hiện hải quân Mỹ chỉ có duy nhất tên lửa RIM-174 (hay SM-6) là đủ sức bắn hạ vũ khí bội siêu thanh. Lầu Năm Góc đã bán SM-6 cho Hàn Quốc và Úc. Về phần mình, Nga nói rằng hệ thống phòng không S-500 tối tân của nước này cũng đối phó được vũ khí bội siêu thanh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.