Những việc làm mới nào sẽ xuất hiện tại Việt Nam trong năm 2024?

Thu Hằng
Thu Hằng
13/12/2023 17:44 GMT+7

Các vị trí việc làm mới dần xuất hiện sẽ tập trung vào trí tuệ nhân tạo, công nghệ kỹ thuật số, xử lý dữ liệu, phân tích tình hình kinh doanh…

Đây là thông tin về việc làm và triển vọng thị trường lao động năm 2024 vừa được Navigos Group (tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự) công bố trong Báo cáo lương và thị trường lao động 2024.

Những việc làm mới nào sẽ xuất hiện tại Việt Nam trong năm 2024? - Ảnh 1.

Trí tuệ nhân tạo ngày càng được ứng dụng mạnh mẽ trong cuộc sống

ĐÀO NGỌC THẠCH

Báo cáo dựa trên ý kiến của hơn 4.000 ứng viên đang làm việc tại Việt Nam và hơn 550 doanh nghiệp đa quốc tịch như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.

Theo Navigos Group, xu hướng làm việc được ứng viên, người lao động quan tâm nhất trong giai đoạn 2023 - 2024 là làm việc linh hoạt (chiếm 49,1%). Mối quan tâm đến sức khỏe tinh thần cũng được người lao động đề cao, khi 43,7% nhân sự lựa chọn ưu tiên cân bằng giữa cuộc sống - công việc.

Trong top 5 còn có các yếu tố làm việc từ xa (chiếm 40,1%), ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (chiếm 37,7%) và trao quyền cho nhân viên (chiếm 35,8%).

Đáng chú ý, theo Navigos, những việc làm mới sẽ xuất hiện tại Việt Nam sẽ tập trung về AI, công nghệ kỹ thuật số, xử lý dữ liệu, phân tích tình hình kinh doanh...

Trong đó, các công việc liên quan đến lĩnh vực AI là phổ biến nhất và sẽ xuất hiện trong hầu hết các ngành nghề, tiêu biểu như: công nghệ thông tin, viễn thông; xây dựng, bất động sản; ngân hàng; giáo dục; dịch vụ tài chính và tư vấn; dịch vụ tư vấn...

Vị trí việc làm mới thiên về xử lý dữ liệu cũng dần xuất hiện trong các ngành xây dựng, bất động sản; thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông; ngân hàng; dịch vụ tư vấn; bảo hiểm,...

Y tế nông thôn tiếp cận với thiết bị công nghệ cao có còn xa vời

Ngoại ngữ và tư duy phân tích là kỹ năng cần phát triển

Khi được hỏi về những kỹ năng cốt lõi cần tập trung phát triển trong năm 2023 và sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2024, các ứng viên, người lao động cho rằng cần tập trung phát triển ngoại ngữ và tư duy phân tích với tỷ lệ lựa chọn tương đương nhau là 55,1%.

Nhằm tăng tính cạnh tranh cho bản thân trên thị trường lao động, ứng viên, người lao động còn tập trung phát triển các kỹ năng như tư duy sáng tạo (chiếm 48,2%), giải quyết vấn đề (chiếm 42,2%) và giao tiếp hiệu quả (chiếm 39,5%).

Kết quả này khá tương đồng khi đối chiếu với những yếu tố mà doanh nghiệp ưu tiên khi tuyển dụng. Cụ thể ngoại ngữ, giao tiếp hiệu quả hay giải quyết vấn đề... đều là những yếu tố đứng đầu trong cả hai khảo sát. Đồng thời, trong bối cảnh nhiều biến động như hiện tại, cả ứng viên, người lao động cũng như doanh nghiệp đều quan tâm đến yếu tố thích ứng với thay đổi.

Theo các chuyên gia của Navigos, người lao động cần liên tục cập nhật về tin tức thị trường, xu hướng tuyển dụng, nắm bắt yêu cầu của nhà tuyển dụng, chủ động học hỏi để phát triển và thể hiện tốt các kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp hiệu quả, ngoại ngữ và thích ứng với thay đổi...

Đặc biệt là phải nắm bắt các xu hướng làm việc mới, biết áp dụng AI vào công việc để nâng cao năng suất lao động...

Đối với doanh nghiệp, để thu hút, tuyển dụng và giữ chân nhân tài hiệu quả trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần xây dựng cơ chế lương - thưởng minh bạch và hấp dẫn; chú trọng vào lương như một yếu tố thu hút ứng viên khi tuyển dụng; đảm bảo các chính sách về lương, thưởng cho nhân viên; tăng, đa dạng thêm các khoản thưởng hoặc tài trợ về tài chính…

Ngoài ra, doanh nghiệp cần xây dựng và lan tỏa văn hóa doanh nghiệp đến người lao động; xây dựng lộ trình thăng tiến rõ ràng cho mỗi nhân viên; chú trọng nhiều hơn đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.