Những vấn đề lớn mà ứng viên vô địch World Cup 2022 phải đối mặt

07/12/2022 09:12 GMT+7

Không ai không có điểm yếu. Bóng đá cũng không có cách chơi nào là tối ưu, đảm bảo không dẫn đến thất bại. Vậy, đâu là nhược điểm, hoặc là vấn đề chưa thể khắc phục, của các đội mạnh đang tiến xa tại World Cup 2022 ?

Brazil: Quá phụ thuộc vào Neymar

Từ sau kỳ World Cup 2002, Brazil luôn bị loại ngay khi gặp đối thủ châu Âu đầu tiên ở giai đoạn knock-out. Tại World Cup 2014, Brazil bị loại ở vòng bán kết (thua Đức 1-7) nên phải đá tiếp trận tranh hạng ba. Họ vẫn thua trước đối thủ châu Âu (Hà Lan, 0-3). Một điểm chung đáng kể khác: Brazil luôn thủng lưới từ tình huống cố định, trong những trận thua mang hình ảnh “cái chết đột ngột”, ở các kỳ World Cup 1998, 2006, 2010, 2014, 2018. Đó là những pha đội đầu của Zinedine Zidane, Wesley Sneijder, những cú volley của Thierry Henry, Thomas Muller, thậm chí là bàn phản lưới nhà của Fernandinho, sau khi đối phương đá phạt từ ngoài biên hoặc sút phạt góc.

Tại World Cup này, Brazil chưa thua bàn nào từ tình huống cố định. Và khi Brazil gặp đối thủ châu Âu đầu tiên trong giai đoạn knock-out thì đấy chỉ là đội bị đánh giá thấp nhất trong các đội châu Âu còn lại (Croatia). Xem ra, giới hâm mộ Brazil có thể yên tâm trước các nhược điểm truyền thống. Nhưng vấn đề hiện thời là Brazil tỏ ra phụ thuộc vào Neymar. Trong các trận đấu mà anh vắng mặt, đồng đội thiếu hẳn sự sáng tạo và tấn công một cách mơ hồ, thiếu hiệu quả (chỉ ghi 1 bàn, nhờ một cú sút đổi hướng). Làm sao để không chấn thương, và luôn giữ phong độ tốt? Neymar đang gánh vác trách nhiệm quá lớn, trái ngược với tình trạng Brazil có vẻ thừa mứa ngôi sao tấn công.

Argentina (trái) có nhược điểm là khả năng thay đổi cách chơi không cao nếu rơi vào bế tắc

Reuters

Argentina: Không có “kế hoạch B” khi gặp bế tắc

Trận thua Ả Rập Xê Út chỉ là “tai nạn”, nhưng đấy là trận thua “thật” hơn rất nhiều so với những trận thua bất ngờ của Tây Ban Nha, Brazil, Pháp… ở vòng bảng. Vấp ngã lần nữa, theo kiểu như thế, dĩ nhiên sẽ không có cơ hội sửa sai ở giai đoạn knock-out.

Argentina thay đổi đội hình liên tục trong suốt 4 trận đã đấu, nhưng lối chơi thì không thay đổi bao nhiêu. Enzo Fernandez khi được vào sân (đá tiền vệ trung tâm) thì lập tức tạo ra khác biệt: các vị trí xung quanh được liên kết tốt hơn. Nhưng đấy chủ yếu là vấn đề phong độ cá nhân của Fernandez. Tương tự, Rodrigo de Paul là “chiến tướng” công thủ toàn diện, đáp ứng được sự chờ đợi trong các trận đấu gần đây. Nhưng trước đó, anh lại là cầu thủ mờ nhạt nhất ở trận ra quân. Đây cũng chỉ là vấn đề phong độ.

Argentina tạo ra cảm giác nơi người xem: đấy là đội bóng không cần thay đổi gì nếu như mọi cầu thủ đều có phong độ tốt. Vậy, nhược điểm của Argentina là khả năng thay đổi cách chơi không cao nếu rơi vào tình trạng bế tắc. Ả Rập Xê Út can đảm chọn một giải pháp ngoài dự đoán của giới quan sát (đẩy hàng thủ lên rất cao để gây áp lực và làm cho khu vực giữa sân trở nên chật chội), thế là Argentina không biết phải làm gì, phó mặc cho sự may rủi của các nỗ lực cá nhân (và họ không gặp may).

Kane - ngôi sao của đội tuyển Anh

AFP

Anh: Đông nhưng không tinh

“Quá nhiều” đôi khi lại trở thành “không có gì”. Ngoài Harry Kane với băng thủ quân trên tay và cơ man bàn thắng đi kèm trong cả sự nghiệp của một thủ lĩnh vào loại không thể thay thế, HLV Gareth Southgate sẽ chọn ai cho các vị trí xung quanh nơi hàng công “Tam sư”? Ông có Jack Grealish, Bukayo Saka, Marcus Rashford, Phil Foden, Raheem Sterling. Chọn ai thì Southgate cũng bị chỉ trích, bởi một nội dung quen thuộc: sao không tin dùng những người còn lại!

Ban đầu, quan điểm của ông Southgate là dùng bộ ba tiền đạo Saka - Kane - Sterling. Ông bị chỉ trích vì trận hòa Mỹ 0-0, và quay sang dùng bộ ba Rashford - Kane - Foden. Đến trận knock-out với Senegal thì lại xuất hiện một sự “hòa trộn”: Saka - Kane - Foden. Vấn đề ở đây là các tiền đạo Anh đều chưa khẳng định được mình bởi một mức độ ổn định cần có, hoặc nói cách khác thì Anh đang gặp tình trạng “số lượng lấn lướt chất lượng”. Thật ra, có nhiều giải pháp thay thế là một thuận lợi cho ông Southgate. Nhưng ông không phải là nhà cầm quân nổi tiếng về tài thay người.

Pháp: Giữ và chuyền bóng không hay

Bản chất của một ứng viên vô địch là họ luôn thể hiện được tư thế “đàn anh” qua các chỉ số quan trọng liên quan khâu chuyền bóng. Không nhất thiết phải có hàng ngàn đường chuyền hoặc sở hữu trên 70% thời gian bóng lăn như Tây Ban Nha, nhưng một đội mạnh thật sự phải là đội giữ bóng nhiều, tỷ lệ chuyền chính xác cao, từ đó làm chủ thế trận (thắng hay thua lại là chuyện khác). Nếu không có được những điều vừa nêu mà vẫn thành công, thì đấy sẽ chỉ là đội… “ngựa ô”.

Pháp chưa đảm bảo được ưu thế ở khâu giữ và chuyền bóng. Họ chỉ sở hữu 55% thời gian bóng lăn trong trận knock-out với Ba Lan, và sở hữu bóng bình quân 58% ở vòng bảng. Tỷ lệ chuyền chính xác của Pháp cũng không cao (hiếm khi lên được đến gần con số 90% như những ứng viên vô địch khác). Hệ quả từ chi tiết “không mạnh” này là đối phương sẽ trở nên mạnh lên - bởi bóng đá là môn đối kháng. Số đường chuyền liên tục trong một pha tấn công của Đan Mạch, hoặc số đường chuyền chính xác ở khu vực tấn công của đội này, đều cao hơn “mức độ cho phép” khi họ gặp Pháp ở vòng bảng...

Croatia: “Chấp” tiền đạo

Giá như Croatia có một tiền đạo ở đẳng cấp gần với các tiền vệ của họ (Marcelo Brozovic, Luka Modric, Mateo Kovacic)! Ivan Perisic phải lên đá choàng vai tiền đạo cánh, và có vẻ như đấy đã là tiền đạo khá nhất để Croatia hy vọng. Bruno Petkovic và Andrej Kramaric làm cho các đường chuyền quyết định đầy kỹ thuật và giá trị sáng tạo của đồng đội trở nên uổng phí. Vấn đề ở đây không chỉ là chất lượng của khâu dứt điểm mà còn là số lượng nữa: tiền đạo Croatia hầu như không thể sút bóng.

Romelu Lukaku mà không đến nỗi quá kém, Bỉ đã có thể thắng Croatia một cách đậm đà. Bài học ở đây không phải là những pha bỏ lỡ cơ hội đến kỳ lạ của Lukaku, mà là: từ đâu ra ngần ấy cơ hội dứt điểm cho Bỉ - đội tuyển mà ai cũng thấy là đã già nua, lại còn chia rẽ nội bộ. Một mặt, đấy là do hệ thống phòng thủ của Croatia không quá an toàn. Nhưng mặt khác, đấy cũng là do hoàn cảnh của một trận đấu “mở” hoàn toàn. Bỉ chấp nhận mở toang đội hình để tràn lên tấn công, nhưng ở phần sân ngược lại thì tiền đạo Croatia vẫn không thể sút bóng (chứ khoan nói chuyện ghi bàn).

Hà Lan: Đã lộ rõ mồn một

Điểm mạnh của Hà Lan… cũng là điểm yếu. Hà Lan dưới thời HLV Louis Van Gaal dứt khoát phải chơi theo sơ đồ 5-3-2 (hoặc 3-5-2 khi cầu thủ đá cánh dâng lên tấn công). Trong cách chơi này, chỗ mấu chót là những đường chuyền dài và bổng để đảo cánh: cầu thủ chơi ở biên này tạt bóng cho cầu thủ ở biên kia, mà Denzel Dumfries bên cánh phải hiện đang tỏa sáng.

Gặp Argentina ở vòng tứ kết thì không dễ đá như vậy, chưa kể ít ai xác nhận lối chơi và sơ đồ chiến thuật trước khi bóng lăn. Nhưng nếu Van Gaal giữ nguyên công thức đang giúp ông thành công thì đấy chẳng bao giờ là chuyện lạ. Từ lâu, đấy đã là quan điểm bất di bất dịch của HLV bảo thủ nhất tại World Cup này. Báo giới hỏi ông đấy có phải là nhược điểm, ông Van Gaal trả lời: đấy là ưu điểm của Hà Lan, mà ông luôn tự hào. HLV Van Gaal nói tiếp: ông từng gặp nhiều đối thủ mà ông đã hiểu rõ cách chơi của họ, nhưng họ không hề, cũng chẳng cần thay đổi gì khi đôi bên ra sân. Hà Lan cũng sẽ như vậy! HLV Van Gaal tuyên bố: Argentina, hay dù là Pháp, Tây Ban Nha, Brazil đi nữa, đều không nhất thiết phải chơi theo cách của người Hà Lan. Vậy chúng tôi phải điều chỉnh, thay đổi, chơi theo cách của họ để làm gì”!

Cuối cùng, nếu cứ giữ nguyên một công thức, một cách chơi, và thất bại thì chắc chắn sẽ bị chỉ trích nặng nề. HLV Van Gaal nói: “Kệ, tôi không quan tâm”!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.