Những vấn đề đối ngoại nào đang làm 'đau đầu' ông Tập Cận Bình?

11/08/2016 15:10 GMT+7

AP cho rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức về chính sách đối ngoại từ vấn đề Biển Đông, Triều Tiên cho đến các mối quan hệ với Mỹ, Hàn Quốc.

Trung Quốc là nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế lớn G20 (gồm 19 nước và Liên minh châu Âu). Hội nghị sẽ diễn ra tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang vào ngày 4 - 5.9 tới. Theo AP, khi đang chuẩn bị đón tiếp những nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới, trên bàn làm việc của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng thời cũng "chất đống" một loạt thách thức về chính sách đối ngoại.
Vấn đề Biển Đông
Đây có thể coi là một trong những điểm nóng trong thời gian qua gắn liền với cái tên Trung Quốc. Trung Quốc ngang nhiên đưa ra yêu sách chủ quyền phi lý chiếm lấy phần lớn Biển Đông. Không những thế, nước này còn tiến hành các hoạt động cải tạo và xây dựng đảo phi pháp, và nhiều chuyên gia nhận định đó là hành vi quân sự hóa của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) hôm 12.7 đã ra phán quyết đối với vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, trong đó bác bỏ yêu sách "đường chín đoạn" mà Trung Quốc tuyên bố trên Biển Đông. Phía Trung Quốc liên tục tuyên bố không chấp nhận phiên tòa cũng như phán quyết trên, không những vậy còn nói tiếp tục các hoạt động xây dựng trái phép trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Theo AP, Trung Quốc luôn muốn mình được xem là nước lớn có trách nhiệm, tuân theo những quy tắc của cộng đồng quốc tế; nhưng chính phản ứng của Trung Quốc có thể coi như đã "tự giẫm vào chân mình". Nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ phải đối diện với việc mất thể diện quốc tế rất lớn sau những phản ứng liên quan đến vấn đề Biển Đông.
Vấn đề Triều Tiên
Dù Trung Quốc là đồng minh duy nhất nhưng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn chưa sang thăm Trung Quốc từ khi lên nắm quyền Reuters
Trung Quốc trước nay được biết đến là đồng minh duy nhất của Triều Tiên và được kỳ vọng có thể gây ảnh hưởng để Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Tuy nhiên, những nỗ lực của Trung Quốc để tác động đến hành vi của Triều Tiên dưới thời lãnh đạo Kim Jong-un dường như không thu được kết quả như mong đợi.
Triều Tiên vẫn một mực tuyên bố sẽ thử hạt nhân và tên lửa. Theo AP, Trung Quốc cũng không thể thuyết phục Bình Nhưỡng cải cách kinh tế. Mặc dù Trung Quốc tuyên bố sẽ ngăn không để Triều Tiên sụp đổ nhưng vẫn không chủ động bảo vệ Triều Tiên trước. Trên thực tế, Trung Quốc đã ủng hộ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc trừng phạt Triều Tiên sau những vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Giải quyết mối quan hệ với Triều Tiên hiện nay chắc chắn là một thách thức không nhỏ của Trung Quốc.
Quan hệ với Hàn Quốc
Quyết định của Mỹ và Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc đã khiến Trung Quốc nổi giận. Bắc Kinh cho rằng việc triển khai THAAD chỉ khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên căng thẳng hơn, đồng thời lo ngại có thể đe dọa an ninh Trung Quốc.
Hôm 9.8, vì Trung Quốc phản đối THAAD nên Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc đã không thể ra tuyên bố lên án hành động thử tên lửa đạn đạo mới đây của Triều Tiên. Phản ứng trả đũa của Trung Quốc đối với vấn đề THAAD còn nhắm tới nền công nghiệp giải trí của Hàn Quốc. Cụ thể, Cục Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc đã công bố một danh sách gồm 42 "sao hạng A" của Hàn Quốc bị cấm xuất hiện trên truyền hình Trung Quốc và 53 phim hợp tác Trung Quốc - Hàn Quốc không được phép phát sóng.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng khẳng định niềm tin đã sụt giảm trong quan hệ Trung - Hàn.
Quyết định của Mỹ và Hàn Quốc để triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc đã khiến Trung Quốc nổi giận Reuters
Quan hệ với Mỹ
Thách thức của Trung Quốc trong quan hệ với Mỹ trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Khi Trung Quốc trỗi dậy và nỗ lực gia tăng sức ảnh hưởng ở châu Á thì Mỹ - với vị trí cường quốc số 1 thế giới - đẩy mạnh chiến lược xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương. 
Mỹ theo sát nhất cử nhất động của Trung Quốc trong các vấn đề như biển Hoa Đông, Biển Đông, nhân quyền, Đài Loan. Thêm vào đó, theo AP, nếu người thắng cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới là bà Hillary Clinton thì đó sẽ là một thách thức lớn đối với Trung Quốc, vì cựu ngoại trưởng Mỹ được coi là "kiến trúc sư" của chiến lược xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.