Những trang viết của Thủy *
* Hoa hậu Việt Nam 1994 Nguyễn Thu Thủy

Thanh Niên
(Lược trích)
08/03/2024 17:22 GMT+7

Trong một dòng hồi tưởng lặng lẽ mà cuộn sóng, những trang di cảo để lại của Hoa hậu Nguyễn Thu Thuỷ đã được người thân in thành bộ sách 3 cuốn có tựa đề: 'Một chuyến đi - Soi gương - Một dấu hiệu của tình yêu', tập hợp những bài báo, sáng tác, gồm kịch bản, truyện ngắn, bút ký, trích đoạn tiểu thuyết (có tác phẩm còn dang dở) cùng những dòng chia sẻ trên Facebook…

Tròn 30 năm ngày Hoa hậu Việt Nam 1994 Nguyễn Thu Thủy đăng quang và non 3 năm ngày cô đột ngột qua đời, vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức người hâm mộ ấn tượng đẹp về một nhan sắc rạng rỡ, tinh anh, được phản chiếu từ chiều sâu tri thức ở một "người đàn bà viết" giàu nhiệt huyết, cũng đồng thời là một người đọc giàu suy tưởng.

Nhân Ngày Quốc tế phụ nữ (8.3), được sự đồng ý của gia đình và NXB, Thanh Niên xin trích đăng một phần những trang viết tinh tế sâu sắc mà cô để lại về phụ nữ, món ăn, những cuộc gặp, những chuyến đi, ám ảnh hay lướt qua…, sau tròn 30 năm cái tên Nguyễn Thu Thủy (khi viết sách là Tử Yên Nguyễn Thu Thủy) được xướng lên dưới vành vương miện…

"Người khác" ở Hà Giang

Năm 2010, Thủy cùng ê kíp hoàn thành bộ phim tài liệu có tên Người khác, trong đó cô là người chắp bút và dẫn chuyện, sau nhiều chuyến thiện nguyện tại Hà Giang, những dòng này được cô viết vào dịp đó:

Những trang viết của Thủy *- Ảnh 1.

Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy: “Sống là dám dấn thân”

GIA ĐÌNH CUNG CẤP

"…Tôi đã thử tìm cách nhìn người khác bằng việc làm một bộ phim ở một nơi rất xa lạ với cuộc sống bình thường của tôi, chỗ của những con người không có gì chung với tôi, thử để cho cái nhìn của mình không vướng chút thành kiến nào, giữ cho mình là một người quan sát trung tính tối đa.

Tôi chứng kiến những người dân tộc khi gặp chuyện không vui thì một mình đi vào rừng, nói hết lòng mình cho cây nghe, nhẹ nhõm rồi thì trở về, không vướng bận gì nữa. Những con người ấy biết kết nối rất hài hòa giữa bản thân mình, người khác và tự nhiên, họ biết dựa vào tự nhiên một cách bản chất và thân tình, nương theo nó mà không cố công cải tạo hay chế ngự. Tôi không biết cách này hay dở thế nào, nhưng tôi đã biết được rằng trước các sự việc giống nhau, cách giải quyết của mỗi người không chỉ khác nhau ở vẻ ngoài mà còn có thể khác về bản chất, từ quan niệm sâu xa nhất trở đi…" (Người khác, 2013)

Nhưng thật ra Thủy không gọi những chuyến thiện nguyện (dù có năm, tận 29 tết họ còn "rong ruổi ở bên phía bắc Hà Giang mang gạo và thịt cho đồng bào"), mà chỉ đơn thuần là "một kiểu rong chơi" cùng những người bạn trong nhóm "Yêu vùng cao" - như cô từng trả lời trong một bài phỏng vấn: "Tôi xác định những chuyến đi như thế trước hết là để cho mình cân bằng lại những thứ mình còn thiếu hụt về tinh thần trong cuộc sống. Tôi ngại gọi những chuyến đi hay những việc tôi và các bạn tôi đã và đang làm bằng những cụm từ đại loại như "từ thiện", "tình nghĩa", "tình thương", "nhân ái"... Nếu có ai hỏi thì tôi thường nói đó là hoạt động xã hội. Những chuyến đi ấy vô cùng ý nghĩa không chỉ với những người được chia sẻ, mà nó đặc biệt có ý nghĩa đối với riêng tôi…".

Một hành trình "dấn thân để được sống một cuộc đời đích thực", như cô từng chia sẻ trong một bài viết có tên Sống là dám dấn thân trên Facebook: "Khi dám dấn thân, dám đương đầu, dám chịu trách nhiệm thì lòng tốt sẽ chỉ đơn giản là lòng tốt. Vượt qua nỗi sợ hãi sẽ tới được bờ yêu thương. Việc tôi ra tay cứu giúp hay lên tiếng kêu gọi mọi người chung tay cũng sẽ chỉ vì tôi là một người đàn bà, một người mẹ trong muôn vàn những người biết thấu cảm và chia sẻ nỗi đau với những thân phận khác. Tôi làm cho chính tâm tôi có một sự bình an, cho những người xung quanh tôi hiểu và không nghi ngờ sự đơn giản của hạnh phúc đôi khi chỉ là cảm giác thấy những đứa con mình thơm tho lạ hay cái giường đơn chiếc của mình sao tối nay bỗng mềm và ấm áp quá…".

Những trang viết của Thủy *- Ảnh 2.

Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy trong một chuyến thiện nguyện tại Hà Giang

GIA ĐÌNH CUNG CẤP

Hay sau này, vẫn là Hà Giang, nhưng là trên những cung đường chạy, môn thể thao mà cô đặc biệt yêu thích và đã truyền cảm hứng mạnh mẽ tới nhiều người:

"…Mình rất thích cảm giác vừa chạy vừa suy nghĩ, lúc đó như thể mình cứ thế đi thẳng vào một chiều không gian khác hẳn. Không gian có các lớp, các loài chim rất biết cách nương theo đó, vì chúng nhìn thấy các lớp (các lớp này không vô hình, đối với chúng, cũng như cá không thấy nước là một môi trường đồng chất). Nhất là, mình hay để ý muỗi, chắc chắn là chúng biết cách luồn qua khoảng cách. Vấn đề có thể nằm ở chỗ cần không gian và về chuyển động, cần phải tìm hiểu thêm về perception. Mình đã bắt đầu hiểu hơn về khái niệm "mô men lực", chắc đây sẽ là một nền tảng quan trọng để phát triển tư duy và khiến mình thực sự hiểu nhiều điều…" (Đi race ở Hà Giang)

Những người phụ nữ Việt ở châu Âu - Bề mặt và bản thể

Trong cuốn sách mang tên Một chuyến đi tập hợp loạt bút ký Thủy viết về những người Việt đáng nhớ mà cô đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện trong chuyến du hành châu Âu cùng ê kíp làm phim tài liệu (từ tháng 9 - tháng 12.2015), người đọc có thể bắt gặp ở Hoa hậu Việt Nam 1994 một hơi văn đầy suy tưởng miên man cùng óc quan sát tinh tế, giàu mỹ cảm.

Những trang viết của Thủy *- Ảnh 3.

Hoa hậu Việt Nam 1994 Nguyễn Thu Thủy trong trang phục của nhà thiết kế Hà Linh Thư

LÊ TUẤN ANH

Đây là cách cô "vẽ truyền thần" chân dung nhà văn Pháp gốc Việt nổi tiếng Linda Lê: "… bà im lặng và sẵn sàng im lặng rất lâu, lâu cho đến khi nào mỗi đồ vật và con người đang xâm lăng vào thế giới của bà kia tạm yên ổn. Bà hướng ánh mắt ra ngoài cửa sổ, nhưng tôi biết bà không hẳn là đang nhìn ra những thứ bên ngoài cửa sổ, mà chỉ là vì không gian bên trong lúc này chật hẹp đến độ không đủ cho cả một ánh nhìn", "Càng nói chuyện, vẻ mặt bà càng dần dần lấy lại được vẻ tự tại vốn có: như thể có một lớp sương giá mỏng dần dần lan ra trên bề mặt vững chắc mà trước đó sự hốt hoảng làm cho có sự xáo trộn từ bên trong, khiến xuất hiện những vết rạn trên bề mặt của cái tôi; khi ấy, bản thể bên trong của bà có nguy cơ bị rạn vỡ…" (Gặp Linda Lê ở Paris)

Cũng trong chuyến đi châu Âu này, Thủy đã gặp cô gái Việt đoạt giải Quán quân Master Chef của nước Pháp năm 2015 và cuộc trò chuyện giữa họ rốt cuộc đã "nhanh chóng chuyển hướng đi rất xa khỏi địa hạt ẩm thực": "Nấu ăn đối với tôi là cả một khải ngộ (…), là tình yêu đặt lên những cái đĩa, là tâm hồn, là âm nhạc. Tôi tìm lại được các giá trị của tôi trong sự chia sẻ, khám phá và tôi tìm lại được sự tò mò tưởng như đã đánh mất từ lâu", "Phải trải qua cảm giác mạnh mẽ về những giá trị không ở đúng chỗ, về cả sự tha hóa, người ta mới thực sự hiểu được những gì giản dị nhất"…

Nhưng để lại âm vọng ám ảnh nhất, lại là hình ảnh một người phụ nữ "không tên" được người viết tạm định danh là "Người phụ nữ đạp xe trên phố Berlin", một thân phận đặc biệt ẩn sau lớp sương mờ của lịch sử cùng những trò đùa trớ trêu của cái gọi là "chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ": "Không thể quên nổi hình ảnh người phụ nữ ấy, nhỏ bé, giọng nói hơi có chất kim loại khàn đi, đứt quãng trong tiếng nức nở khi để cho ký ức quay trở về. Nhưng tôi muốn, rất muốn nhớ đến A. trong một hình ảnh khác. Khi chúng tôi hỏi chị muốn xuất hiện trong bộ phim của chúng tôi trong một hình ảnh như thế nào, A. đã trả lời ngay là muốn được quay mình đang đi xe đạp. Chúng tôi đặt máy camera lên ô tô rồi đi theo chị qua những phố Berlin vắng lặng đầu đông. Nhiều điều đã thay đổi, nhưng bầu không khí phố phường ấy chắc vẫn còn phảng phất giống như cách đây hơn năm mươi năm, vào đầu thập niên 60 rạo rực và tươi đẹp.

Khi bạn đạp xe đi giữa một thành phố, qua những con đường, những cây cầu, dưới những hàng cây, cứ đạp như vậy, mải miết mải miết, chắc chắn có một lúc nào đó, giữa những vòng bánh xe quay, bạn sẽ tìm gặp được chính mình và những quá vãng"…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.