Những tính năng người dùng mong đợi ở smartphone năm 2021

26/12/2020 11:37 GMT+7

Trải nghiệm của người dùng smartphone sẽ tốt hơn nếu nhà sản xuất trang bị những tính năng như sạc không dây, chuẩn âm thanh AptX HD... trong những sản phẩm tầm trung ra mắt năm 2021.

Sạc không dây

Sạc không dây làm giảm nguy cơ chập điện

Ảnh: Digital Trends

Hầu hết những dòng điện thoại cao cấp của các hãng lớn như iPhone, Samsung, Huawei... đều có trang bị sạc không dây, nhưng tính năng này vẫn chưa phổ biến với smartphone tầm trung. Với bộ sạc không dây, người dùng chỉ cần đặt điện thoại lên mặt đế sạc đã cắm điện. Ưu điểm của nó không chỉ nằm ở thiết kế gọn nhẹ, dễ sử dụng mà còn hạn chế rủi ro về cháy nổ, chập điện. Hi vọng sang năm 2021, các nhà sản xuất sẽ cung cấp bộ sạc không dây cho phân khúc điện thoại bình dân.

Sạc ngược không dây

Những tính năng người dùng mong đợi ở smartphone năm 2021

Hai chiếc smartphone hỗ trợ tính năng sạc ngược có thể truyền pin cho nhau

Ảnh: Samsung

Công nghệ sạc ngược không dây sẽ biến smartphone của bạn trở thành đế sạc cho điện thoại khác, hoặc cho các thiết bị đồng hồ thông minh, tai nghe hay bàn chải đánh răng điện hỗ trợ chuẩn không dây. Để triển khai tính năng này, điện thoại bạn phải duy trì mức pin khoảng 30 - 50%.
Đáng tiếc rằng công nghệ trao đổi pin như vậy hiện chỉ xuất hiện ở những chiếc điện thoại cao cấp, nên người dùng phổ thông có lẽ vẫn phải chờ thêm một thời gian dài.

Nâng cấp camera trước

Những tính năng người dùng mong đợi ở smartphone năm 2021

Camera trước vẫn tồn tại nhiều điểm bất cập

Ảnh: Shutterstock

Để đáp ứng nhu cầu selfie của khách hàng, nhiều hãng điện thoại đã tìm cách nâng cấp độ phân giải, tính năng nhận diện gương mặt và chụp ảnh góc rộng của camera trước. Bây giờ phần lớn camera trước đều có điểm lấy nét cố định, giúp mọi thứ trong ảnh kể cả hậu cảnh đều được lấy nét. Nhưng Digital Trends cho rằng như vậy sẽ làm mất điểm nhấn của chủ thể trong bức ảnh. Vì thế, tốt hơn hết là các hãng điện thoại nên cho phép người dùng được tự do điều chỉnh tiêu cự khi chụp hình bằng camera trước.

Cải thiện bàn phím ảo

Những tính năng người dùng mong đợi ở smartphone năm 2021

Màn phím ảo của Android có thiết kế không thuận tiện

Ảnh: Digital Trends

Theo Digital Trends, bàn phím ảo trên các thiết bị sử dụng hệ điều hành Android đều rất tệ, đặc biệt là smartphone của Samsung và LG. Thao tác vuốt không chính xác, tính năng chỉnh sửa văn bản tự động thường nhảy sang những vị trí khó hiểu là một trong vô số vấn đề có thể bắt gặp khi gõ chữ trên Android. Trong khi đó, Gboard của Google lại rất tuyệt vời.
Nhiều người dùng Android không biết rằng họ có thể đổi sang sử dụng bàn phím khác. Sang năm 2021, Digital Trends mong rằng nhà sản xuất Android sẽ quan tâm nhu cầu khách hàng và đặt Gboard làm bàn phím mặc định trên các sản phẩm áp dụng hệ điều hành của mình.

Áp dụng chuẩn âm thanh AptX HD

Những tính năng người dùng mong đợi ở smartphone năm 2021

Công nghệ âm thanh AptX HD cho phép người dùng nghe nhạc với chất lượng tốt hơn cả CD

Ảnh: Digital Trends

AptX là thuật toán mã hóa âm thanh được phát triển từ năm 1980, dùng để truyền âm thanh không dây từ thiết bị phát đến thiết bị nhận. Hiện tại, AtpX gần như đã hợp nhất với Bluetooth vì hầu hết các thiết bị đều tích hợp tiêu chuẩn này, từ smartphone, loa, tai nghe không dây cho tới AV receiver và máy tính.
AptX HD là phiên bản nâng cấp từ AptX, cho phép những người yêu âm nhạc có thể nghe âm thanh chân thực nhất với bản gốc. Cho đến nay, vẫn chưa có nhiều thiết bị hỗ trợ AptX HD nên Digital Trends mong muốn các nhà sản xuất smartphone có thể áp dụng công nghệ này vào sản phẩm của họ càng sớm càng tốt.

Màn hình có tốc độ làm mới cao

Những tính năng người dùng mong đợi ở smartphone năm 2021

Điện thoại có tốc độ làm mới cao thì trải nghiệm chơi game cũng tốt hơn

Ảnh chụp màn hình TechNick

Tốc độ làm mới (refresh rate) là số lần trên 1 giây tín hiệu hiển thị trên màn hình làm mới lại các hình ảnh, được đo bằng đơn vị Hertz (Hz). Con số này càng cao thì hình ảnh hiển thị càng mượt, giúp người dùng đỡ mỏi mắt. Tiêu chuẩn cơ bản của các loại màn hình TV, máy tính và smartphone hiện giờ là 60 Hz, tức màn hình sẽ được làm mới 60 lần mỗi giây. Năm 2020 đã có nhiều nhà sản xuất ra mắt điện thoại có tốc độ làm mới lên đến 90 Hz, như Samsung Galaxy S20 hay OnePlus 7 Pro. Rất có thể những smartphone sở hữu màn hình đạt chuẩn 120 Hz hay 144 Hz sẽ là tiêu chuẩn mới trong tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.