Những tình khúc làm nên tên tuổi 'đệ nhất danh ca' Thái Thanh

18/03/2020 11:57 GMT+7

Trong sự nghiệp ca hát của mình, danh ca Thái Thanh để lại dấu ấn sâu đậm với khán giả bởi chất giọng đặc biệt, đáng chú ý nhất phải kể đến Ngày xưa Hoàng Thị.

Thông tin danh ca Thái Thanh qua đời vào trưa 17.3 tại Mỹ (giờ địa phương), hưởng thọ 86 tuổi khiến giới văn nghệ sĩ và người hâm mộ tiếc nuối. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn nghệ, bắt đầu theo đuổi đam mê âm nhạc từ năm 14 tuổi, nữ danh ca sinh năm 1934 ghi điểm với khán giả bởi chất giọng đặc biệt, vừa có màu sắc opera song cũng mang dấu ấn của chầu văn, quan họ, chèo. Được mệnh danh “tiếng hát vượt thời gian”.
Thành danh ở Sài Gòn từ cuối thập niên 50 thế kỷ trước, tiếng hát Thái Thanh gắn liền với nhạc của Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Văn Cao và nhiều ca khúc tiền chiến khác. Bà đã tạo ra một “trường phái” riêng, ảnh hưởng tới nhiều giọng ca thế hệ sau như Mai Hương, Ánh Tuyết. Ca sĩ Khánh Ly từng bày tỏ: "Tôi hiểu thế nào là Diva nhưng tại sao tôi lại nghĩ đến làm gì cái điều sẽ chẳng bao giờ liên quan đến tôi? Kể ra, trên thế giới, Diva không nhiều lắm đâu, còn nói tới Việt Nam, nếu có, tôi nghĩ, chỉ một người xứng đáng được xưng tụng là Diva, đó là cô Thái Thanh. Chấm hết”. Trong sự nghiệp của mình, danh ca Thái Thanh để lại nhiều tác phẩm đình đám, khiến công chúng không khỏi tiếc nuối khi nhớ về.

Ngày xưa Hoàng Thị

Nhắc đến sự nghiệp âm nhạc của danh ca Thái Thanh, người ta nhớ đến Ngày xưa Hoàng Thị. Đây là bài hát được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc dựa trên bài thơ do thi sĩ Phạm Thiên Thư sáng tác. Ca khúc trở thành hiện tượng trên thị trường âm nhạc khi kể về chuyện tình của một chàng trai trẻ với cô gái tên Hoàng Thị Ngọ. Không thể phủ nhận rằng chất giọng ngọt ngào, cao vút của danh ca Thái Thanh đã góp phần làm nên thành công cho sáng tác này. Những giai điệu quen thuộc như: “Em tan trường về, đường quê nho nhỏ…” đi vào lòng người nghe với những tình cảm đặc biệt nhất qua phần thể hiện của giọng ca sinh năm 1934.

Danh ca Thái Thanh trong một lần hòa giọng cùng con gái Ý Lan

Ảnh: TL

Cỏ hồng

Thái Thanh có duyên khi thể hiện các sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy. Ngoài Ngày xưa Hoàng Thị, ca khúc Cỏ hồng cũng tạo nên một dấu ấn khó quên trong sự nghiệp âm nhạc của bà. Đây là bài hát sáng tác năm 1970 với nội dung kể về tình yêu đôi lứa. Cỏ hồng được nhiều ca sĩ thể hiện, trong đó có Nguyên Thảo. Nhưng chất giọng đặc biệt của nữ danh ca giúp ca khúc trở nên giàu cảm xúc hơn.

Nghìn trùng xa cách

Thái Thanh thể hiện khá thành công bài hát Nghìn trùng xa cách. Đây được xem là một trong những tình khúc hay nhất về cuộc tình giữa Phạm Duy và Alice, với giai điệu mang đậm dấu ấn của nam nhạc sĩ. Những ca từ như: “Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi. Còn gì đâu nữa mà khóc với cười. Mời người lên xe về miền quá khứ. Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu…” bộc lộ sự dằn vặt trong tình yêu được nữ danh ca thể hiện giàu cảm xúc thông qua chất giọng đặc trưng của mình.

Áo anh sứt chỉ đường tà

Áo anh sứt chỉ đường tà là bản phổ nhạc nổi tiếng từ bài thơ Màu hoa sim tím của Hữu Loan. Ca khúc mở đầu bằng giai điệu nhẹ nhàng, đoạn điệp khúc cao trào mang đến cảm xúc cho người nghe. Đặc biệt, thông qua cách trình bày của danh ca Thái Thanh, Áo anh sứt chỉ đường tà trở nên có hồn hơn.

Nhiều khán giả tiếc nuối cho sự ra đi của một giọng ca đặc biệt của nền nghệ thuật nước nhà

Ảnh: Facebook Trần Quốc Bảo

Kỷ vật cho em

Ca khúc ra đời năm 1970, là bài hát được nhạc sĩ Phạm Duy phổ theo điệu slow rock, nổi tiếng tại miền Nam giai đoạn đó. Kỷ vật cho em được xem là một trong những ca khúc làm nên tên tuổi của danh ca Thái Thanh khi bà được đánh giá cao dù không phải là người đầu tiên thể hiện. Trong đó, nhạc sĩ Trần Quốc Sỹ nhận định: “Nghe Thái Thanh trong bài Kỷ vật cho em, thính giả có thể cảm tưởng như mình đứng giữa những gì đang xảy ra của cuộc chiến buồn vơi".

Đưa em tìm động hoa vàng

Đưa em tìm động hoa vàng tiếp tục là một ca khúc do nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ thơ của Phạm Thiên Thư. Qua chất giọng của Thái Thanh, ca khúc nhanh chóng thu hút được sự chú ý của khán giả. Bên cạnh đó, ca từ của bài hát cũng là yếu tố được mọi người yêu mến. Trong một lần phỏng vấn, tác giả bài viết chia sẻ: “Bài Đưa em tìm động hoa vàng được rút ra từ mấy trăm câu thơ của thi sĩ, và ta chỉ cần có ba đoạn ca là nói lên hết được cái cảnh ngày xưa, có kẻ từ quan, lên non tìm động hoa vàng… Để làm gì? Không phải chỉ để nhớ nhau mà chính ra là để ẩn náu vậy".

Ca sĩ Quỳnh Huơng cùng thân mẫu - danh ca Thái Thanh trong ngày ra mắt CD Trăng khuya năm 1997

Ảnh: Ca sĩ Quỳnh Hương cung cấp

Còn chút gì để nhớ

Nguồn gốc của bài hát xuất phát từ bài thơ cùng tên do Vũ Hữu Định sáng tác khi ông sang thăm một người bạn gái ở Pleiku. Cùng năm 1970, nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc rồi trở nên phổ biến với giọng hát của Thái Thanh. Ca khúc được phổ theo điệu boston, lời thơ vẫn giữ nguyên và khổ thơ cuối được đẩy lên cao trào. Đây cũng là một trong những bài hát thành công trong sự nghiệp của "đệ nhất danh ca". 

Nửa hồn thương đau

Ca khúc Nửa hồn thương đau cũng được Thái Thanh thể hiện thành công khi diễn tả được sự day dứt trong tình yêu. Bài hát do nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác. Thực ra đây là ca khúc ông viết cho phim Chân trời tím. Đến lúc bộ phim sắp hoàn tất, bị nhắc nhở vì trễ hẹn và trong men say chếnh choáng Phạm Đình Chương đã trút hết nỗi đau của mình vào Nửa hồn thương đau. Sau này, khi nhắc đến Phạm Đình Chương, người ta nhớ đến Nửa hồn thương đau dưới phần thể hiện của nữ danh ca sinh năm 1934. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.