Những tín hiệu lạc quan từ thị trường

29/08/2022 21:16 GMT+7

Bất chấp hàng loạt khó khăn bủa vây, người dân và doanh nghiệp vẫn tìm ra những cơ hội làm ăn, mở rộng đầu tư , kinh doanh khi kinh tế có tín hiệu phục hồi trở lại.

Chỉ 2 ngày sau khi rào chắn metro ở trung tâm TP.HCM được tháo dỡ, các tín đồ cà phê đã nhận ra một trong những mô hình cà phê tự phục vụ đầu tiên tại VN, Gloria Jean’s Coffees, đã mọc lên tại góc đường Pasteur - Lê Lợi (Q.1) tự bao giờ. Đây là thương hiệu cà phê Úc đình đám đã rút khỏi VN 4 năm trước và được một tập đoàn lớn nhượng quyền lại trong chiến lược phục hồi các thương hiệu cũ cách đây vài tháng. Cũng trên con đường này, người viết đã chứng kiến cuộc thay tên đổi chủ nhiều lần của một mặt bằng lớn, nằm gần ngay trung tâm thương mại xa xỉ nhất của TP.HCM - Takashimaya (Q.1). Từ cà phê, nhà hàng, văn phòng công ty... rồi bỏ không suốt một thời gian dài từ khi TP.HCM mở cửa kinh tế trở lại cuối năm ngoái, cho tới gần đây mới sáng đèn trở lại.

Cũng mấy tháng nay, không khó để nhận thấy, nhiều ngã tư đẹp nhất TP.HCM đang được “nhuộm” màu ký ức bởi thương hiệu Katinat Saigon Kafe với vẻ bề ngoài pha trộn giữa truyền thống và hiện đại. Tận dụng triệt để cơ hội thị trường tái cơ cấu sau dịch Covid-19, chỉ trong một thời gian ngắn, doanh nghiệp (DN) sở hữu thương hiệu này đã liên tục mở rộng chi nhánh, sở hữu các mặt bằng đắc địa. Ấn tượng nhất là việc nâng cấp hình ảnh, chất lượng, đặc biệt là đánh vào trào lưu check- in của giới trẻ, Katinat Saigon Kafe đang thu hút một lượng khách rất lớn về tay mình.

Các “ông lớn” thì không đợi đến bây giờ, họ dự báo và đón bắt cơ hội phục hồi từ rất sớm. Cuối tuần trước, thị trường xôn xao khi đích thân Bộ trưởng Bộ Phát triển công nghiệp, nông nghiệp và thủy sản kiêm Bộ trưởng Cộng đồng nông thôn của bang Queensland (Úc), ông Mark Furner, cùng phái đoàn thương mại đã qua VN làm việc với Tập đoàn IPPG, Viettel Post về cơ hội giao thương giữa hai bên. Việc này thực ra được khởi xướng từ hồi tháng 3, khi đại diện Tập đoàn IPPG qua Úc ký kết Thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Wagner về phát triển tuyến đường bay của IPP Air Cargo. Nói đơn giản thì hãng bay chở hàng đầu tiên của VN dù chưa được cấp phép (kỳ vọng tháng 11 này) nhưng đã có nhiều đối tác ký kết vận chuyển. Hợp tác giao thương mở ra cơ hội cho hàng dệt may, linh kiện điện tử, vật liệu xây dựng, đồ mỹ nghệ... của VN vào thị trường Úc, New Zealand và ngược lại. Hay tại Hội nghị Thủ tướng gặp DN hồi đầu tháng 8, Tập đoàn Vingroup, tập đoàn tư nhân lớn nhất VN, cũng chính thức công bố đầu tư “thung lũng silicon VN” và cần tới hơn 100.000 nhân sự, bên cạnh thu hút các tinh hoa của thế giới về đây…

Những câu chuyện trên không chỉ cho thấy tín hiệu phục hồi của nền kinh tế mà còn thể hiện sức sống mãnh liệt của DN, tiểu thương, kinh tế hộ gia đình sau đại dịch. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, số DN thành lập mới và quay lại hoạt động tiếp tục duy trì mức cao chưa từng có. Cụ thể, trong tháng 8 có 11.918 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 130.198 tỉ đồng, tăng 106,9% về số DN và tăng 91,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021.

Tất nhiên, kinh tế trong nước và thế giới vẫn còn rất nhiều khó khăn. Nhưng với tín hiệu lạc quan từ thị trường đầu tư như nói trên, điều người dân và DN cần nhất lúc này là sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc gỡ bỏ những rào cản, nút thắt thủ tục, để không bỏ lỡ cơ hội và bứt phá trong thời gian tới. n

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.