Những thực phẩm giúp tạo lá chắn cho dạ dày

10/05/2019 10:06 GMT+7

Những thực phẩm kháng viêm và kiềm hóa (giúp cân bằng tính a xít - kiềm trong cơ thể) có thể giúp cải thiện sức khỏe trong trường hợp bạn bị loét dạ dày.

Loét dạ dày là những tổn thương phát triển trong niêm mạc khi dịch vị chứa a xít bị tiết ra quá nhiều. Nguyên nhân phổ biến nhất của loét dạ dày là sự phát triển của vi khuẩn H.pylori, trang tin Medical Daily dẫn lời Shipla Ravella, bác sĩ tiêu hóa tại Trung tâm y tế thuộc Đại học Columbia (Mỹ), cho biết.
Ngoài ra, uống quá nhiều một số loại thuốc kháng viêm cũng có thể gây ra tình trạng loét dạ dày, theo bác sĩ Ravella.
Triệu chứng chính là cảm giác đau hoặc nóng rát ở vùng bụng, đầy hơi, chướng bụng kèm với trào ngược a xít... Hầu hết các trường hợp đều nhẹ, với cách điều trị duy nhất là thay đổi chế độ ăn uống.
Tuy nhiên trong trường hợp loét dạ dày gây ra các biến chứng như nôn mửa và chảy máu, cần gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Vì loét chảy máu có thể đe dọa tính mạng. Khi loét chảy máu, bệnh nhân có thể nhận thấy máu trong chất nôn hoặc phân có màu tối bất thường.
“Cả hai đều là những dấu hiệu đòi hỏi sự chăm sóc y tế khẩn cấp”, theo Healthline dẫn lời Sophie Balzora, bác sĩ tiêu hóa tại Trung tâm y tế thuộc Đại học New York (Mỹ).
Có nhiều loại thực phẩm giúp điều chỉnh lượng kiềm pH trong dạ dày, giảm viêm loét như sau:
Cà rốt có đặc tính kiềm hóa và chữa bệnh, giúp phục hồi lớp niêm mạc tổn thương do các a xít dư thừa gây ra. Nhờ điều chỉnh lượng a xít trong các tế bào và mô trong cơ thể, cà rốt có tác dụng kiểm soát tình trạng bỏng rát và trào ngược a xít.
Táo chứa các chất xơ và a xít hữu cơ giúp điều tiết hệ tiêu hóa. Theo trang tin steptohealth, táo có tác dụng giảm loét dạ dày, viêm dạ dày, táo bón và tiêu chảy.
Nha đam có đặc tính chữa bệnh và kháng khuẩn. Dùng nha đam kiểm soát được việc sản xuất quá nhiều dịch vị có tính a xít và gây kích ứng niêm mạc dạ dày. Các thành phần trong nha đam ức chế sự phát triển quá mức của vi khuẩn H.pylori - nguyên nhân chính gây loét dạ dày.
Ngoài ra, nha đam cung cấp aleomodine và aleoleine, các thành phần giúp phục hồi các mô bị hỏng.
Chuối giàu tinh bột và các hợp chất kiềm hóa nên ăn chuối giúp điều chỉnh độ pH của dạ dày. Chuối cũng giúp ngừa lở loét, chữa lành các mô bị tổn thương.
Khoai tây được coi là thực phẩm chống a xít tốt nhất, giúp chữa loét dạ dày. Đó là nhờ thành phần quan trọng của tinh bột, chất xơ và chất chống ô xy hóa trong khoai tây góp phần tối ưu hóa quá trình tiêu hóa.
Muối kiềm có trong khoai tây làm giảm quá trình viêm và giúp chữa lành các mô bị kích ứng bởi a xít. Ngoài ra, ăn khoai tây làm giảm tình trạng nóng rát ở vùng bụng, đẩy lùi đầy hơi chướng bụng cũng như trào ngược a xít.
Hạt lanh là một nguồn dồi dào a xít béo omega-3 quan trọng và chất xơ thúc đẩy sửa chữa các mô dạ dày trong trường hợp lở loét.
Một số thực phẩm có tính a xít dễ khiến triệu chứng của bệnh nhân bị loét dạ dày thêm nặng. Đó là:
- Cà phê và đồ uống giàu caffeine
- Kẹo và các sản phẩm giàu đường tinh luyện
- Đồ uống có ga
- Thức ăn cay
- Đồ uống có cồn
- Thức ăn chiên và thức ăn nhanh
- Một số loại bánh ngọt thương mại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.