Những thói quen bị thời gian lãng quên

19/02/2012 12:04 GMT+7

Đó đều là những thói quen đã từng gắn bó rất lâu dài với cuộc sống của chúng ta, thậm chí đôi khi, nó còn mang đến những kỷ niệm hoặc khoảnh khắc vô cùng đặc biệt. Thế nhưng cùng với tốc độ phát triển của xã hội, những thói quen ấy lại trở thành kỷ niệm và bị lãng quên dần theo thời gian.

Xa rồi thời viết thư tay

 

Đã qua rồi cái thời người ta viết cho nhau những bức thư, hồi hộp gửi đi và hồi hộp chờ một cánh thư khác quay trở về.

Với những người đã từng một lần trong đời viết thư tay, hay từng một lần chờ đợi ai đó gửi thư tay cho mình, thì có lẽ, lá thư ấy không chỉ đơn thuần là trang giấy trắng cùng những dòng chữ chứa đựng thông tin. Đơn giản và giản dị thế thôi, nhưng thư tay với nhiều người đã từng là cả bầu trời thương nhớ, từng là cả bến bờ chất chứa niềm vui nỗi buồn, hờn giận vu vơ và cả sự đợi chờ mong mỏi.

Nhưng rồi cuộc sống thay đổi, với những chức năng tiện ích của hàng loạt công nghệ thông tin ra đời, điện thoại di động, internet giúp con người có thể kết nối với nhau ở mọi lúc, mọi nơi. Thế giới vốn bao la, rộng lớn nay trở nên “phẳng” và mọi khoảng cách chỉ là con số 0. Và lá thư tay, với hạn chế truyền tải thông tin chậm đã dần không còn hữu dụng trong nhịp sống hiện đại vốn ngày càng hối hả hơn. Nhưng với nhiều người, vẫn thật khó quên cái cảm giác mỗi lần gửi thư, nhận thư và cả những tình cảm phải nhờ đến những dòng thư ta mới có thể diễn tả được. Điều đó, không một công nghệ hiện đại nào có thể thay thế nổi.

Những câu chuyện xung quanh chiếc điện thoại

 

Còn nhớ, lần đầu tiên gia đình lắp điện thoại bàn và được cấp một cuốn danh bạ, tôi đã hào hứng tra số nhà mình trong cuốn sách dày cộp với vẻ hào hứng thật khó tả. Rồi những lần lanh chanh tra số giúp người lớn hay nhìn bố mẹ chăm chú di tay trên những trang giấy vàng dày đặc những chữ và số… tất cả vẫn còn nguyên bên ký ức về chiếc điện thoại bàn năm nào.

Bây giờ, có lẽ nhiều nhà cũng chẳng còn dùng điện thoại bàn nữa. Người ta quen dùng di động nhiều hơn, bởi tính tiện lợi, lưu sẵn số, và nhất là ở cái tính “di động” và “gọn nhẹ” của nó. Người trẻ sẽ có những chiếc smart phone thông minh làm được đủ thứ chuyện, người già sẽ có những chiếc điện thoại được chế tạo dành riêng cho mình và trẻ em sẽ có những chiếc điện thoại thật dễ thương phù hợp với lứa tuổi của các em. Mỗi người mải mê bên chiếc điện thoại của mình, bỏ quên chiếc điện thoại bàn năm xưa nằm im lìm ở một nơi nào đó trong nhà, bỏ quên hình ảnh gia đình quây quần xung quanh chiếc điện thoại ấy khi trò chuyện với người thân đang ở phương xa,

Câu chuyện về chiếc điện thoại sẽ còn tiếp tục với những chiếc bốt điện thoại công cộng bị bỏ quên trên từng góc phố, cũ kỹ và đôi khi sứt mẻ vì sự lãng quên của hàng nghìn con người đi lại qua nó mỗi ngày. Giờ chẳng ai nghe gọi điện thoại ở bốt nữa, cũng dễ hiểu thôi, khi mà ai cũng đã có cho mình một chiếc điện thoại riêng rồi. Nhưng những chiếc bốt điện thoại vẫn sẽ im lìm ở một góc phố nào đấy, không phải để dùng để liên lạc mà là để nhắc cho nhiều người về một ký ức đã qua, một thói quen có lẽ là của rất nhiều người và một thời người ta nghĩ đến cái thẻ quẹt nhiều hơn đến chính cái điện thoại khi muốn liên lạc cho ai.

Khoảnh khắc bên cuốn album ảnh

 

Có lẽ, một lúc nào đó, bạn sẽ thầm cảm ơn ông, bà, cha, mẹ vì họ đã lưu giữ lại cho bạn những ký ức bằng hình ảnh nguyên vẹn trong từng trang album. Cảm giác lật giở từng trang ảnh và ngạc nhiên lẫn xúc động hẳn sẽ còn trong trí nhớ của những ai đã từng ngắm nhìn hình ảnh người thân yêu qua những cuốn album ảnh cũ kỹ và cồng kềnh. Có một sự thật, rằng người trẻ bây giờ ít có riêng cho mình một cuốn album ảnh lắm. Mọi thứ được số hóa, ký ức được định dạng thành những tệp tin và người ta sống lại trong kỷ niệm sau những cú click chuột.

Sẽ không còn những cảm giác hồi hộp chờ rửa tấm ảnh, băn khoăn chọn lựa một cuốn album rồi đem về tỉ mẩn đặt từng tấm ảnh lên, vuốt ve và ngắm nhìn lại những khoảnh khắc đã qua. Giờ đây, cuộc sống hiện đại mang con người ra trước màn hình máy tính, công nghệ hiển thị hình ảnh sẽ tốt hơn, màu sắc sẽ trung thực hơn, thậm chí “không ưng” điểm gì trong ảnh người ta cũng có thể chỉnh sửa, xóa đi được hết. Nhưng hãy thử một lần lật giở lại cuốn album ảnh cũ của gia đình, cảm giác tôi muốn nhắc đến ở đây là gì, chắc chắn bạn sẽ hiểu được.

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.