Những thầy cô... 8X

16/11/2008 23:26 GMT+7

“Giúp sinh viên tự tìm tòi, học hỏi từ thực tế”, đó là cách giảng dạy của những thầy cô 8X.

Điều không đơn giản

97 giáo viên trẻ được Thành Đoàn TP.HCM tổ chức tuyên dương Giáo viên trẻ tiêu biểu TP.HCM lần 1 - năm 2008 đều có điểm chung là năng động, luôn tìm tòi, ứng dụng những phương pháp mới trong cách dạy, được sinh viên (SV) rất thích thú. 

Anh Nguyễn Khắc Quốc Bảo (29 tuổi) - giảng viên khoa Tài chính doanh nghiệp trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết: “Để đạt được thành tích trong giảng dạy, được sinh viên yêu thích là điều không đơn giản. Khi bước vào trường ĐH, điểm mạnh của sinh viên là luôn có ước mơ, nhưng cũng có điểm yếu là chưa biết cách học. Lúc này vai trò của giảng viên rất quan trọng, phải biết được những lo lắng, mong muốn của sinh viên, từ đó khơi gợi tinh thần học hỏi ở họ. Theo tôi, cách giảng dạy giúp sinh viên tự tìm tòi, học hỏi là điều quan trọng. Bởi khi tự tìm tòi như vậy, SV đã học được rất nhiều không chỉ từ sách giáo khoa mà còn cả những kiến thức bổ ích từ internet, các chuyên gia”. 

Tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP.HCM loại giỏi, Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhận được một suất học bổng nghiên cứu về bộ môn Tài chính quốc tế của ĐH Osaka Sangyo (Nhật Bản). Chỉ sau một năm, Quốc Bảo đã hoàn thành luận án thạc sĩ và trở về nước với nhiều lời mời làm tư vấn cho các công ty. Thế nhưng anh đã từ chối. “Khi ngồi trên giảng đường ĐH, mình rất ngưỡng mộ các thầy cô vì những kiến thức, sự hiểu biết của họ và mơ ước một ngày nào đó sẽ đứng trên bục giảng nói chuyện trước sinh viên.

Trước lời mời hấp dẫn từ trường ĐH Kinh tế TP.HCM mình quyết định sẽ gắn bó với nghề mình yêu thích”, anh Bảo bộc bạch. “Làm thế nào để thu hút sinh viên học tập?”, câu hỏi luôn thường trực trong đầu anh và rồi chính từ thực tế lớp học, anh đã chọn cho mình phương pháp giảng dạy. Anh Bảo cho rằng có hai yếu tố chính: thứ nhất là nội dung bài giảng hấp dẫn, phải có tính cập nhật, thời sự và mang tính ứng dụng; thứ hai là phương pháp giảng sao cho hoạt bát và sôi nổi. “Thường thì tôi giảng những thuật ngữ cho SV hiểu, sau đó chia lớp ra làm hai nhóm, một làm nghiên cứu và một làm phản biện.

Cả hai nhóm này đều phải tìm tài liệu, đọc hiểu để khi lên lớp tranh luận với nhau. Với phương pháp này, tôi thấy SV năng động hơn, dám tranh luận, bảo vệ luận điểm của mình, rèn được cho các bạn ấy khả năng nói chuyện trước đám đông và quan trọng hơn, thầy giáo cũng phải nghiên cứu để tổng kết ý kiến SV”, anh Bảo chia sẻ... Với lợi thế trưởng thành từ phong trào nghiên cứu khoa học của trường, anh Bảo hướng dẫn sinh viên nghiên cứu đề tài “Xu hướng tài khoản vãng lai Việt Nam hậu WTO” đã đoạt giải nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Bộ và vinh dự được Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân trao bằng khen.

Chấp nhận thử thách

Đa số các giảng viên trẻ được tuyên dương lần này đều có tuổi nghề, tuổi đời rất trẻ nhưng rất say mê và yêu nghề. Với trình độ của mình, họ có thể đi làm ở các công ty với mức lương rất cao, thế nhưng đa số đều chọn nghề giáo như cái nghiệp của mình. 

Ngày 18.11, Thành Đoàn TP.HCM sẽ tổ chức tuyên dương Giáo viên trẻ tiêu biểu TP.HCM lần 1 - năm 2008 nhằm ghi nhận và tôn vinh đội ngũ trí thức trẻ trong ngành giáo dục và đào tạo. Theo ban tổ chức có 97 giáo viên, giảng viên trẻ sẽ được tuyên dương, trong đó có 46 giảng viên ĐH, CĐ, THCN; 51 giáo viên mẫu giáo - mầm non, tiểu học, THCS, THPT. Về trình độ chuyên môn, có 11 tiến sĩ, nghiên cứu sinh, 30 thạc sĩ, 41 người có trình độ ĐH và 15 người có trình độ CĐ.
Kể về quyết định chọn nghề, chị Trần Nguyên Chất (28 tuổi) - giảng viên trường ĐH Ngoại thương (Cơ sở 2 - TP.HCM) nói đó là một sự tình cờ. Chị Chất kể: “Thời SV, tôi đã đi làm và sau khi  tốt nghiệp tôi đã có một chỗ đứng trong công ty. Năm 2003, khi đang là trợ lý tổng giám đốc một công ty may mặc của Hàn Quốc, một người bạn báo tin trường ĐH Ngoại thương (cơ sở 2) có tổ chức tuyển giáo viên và bảo tôi nộp đơn thử, ai ngờ trúng tuyển thật. Lúc này băn khoăn giữa hai sự lựa chọn: tiếp tục làm để phát triển công việc kinh doanh hay chấp nhận làm lại từ đầu.

Sau khi tham vấn ý kiến thầy cô và gia đình, tôi quyết định chấp nhận thử thách. Trong 3 tháng đầu tiên, tôi phải vượt qua rất nhiều áp lực từ việc phải học cách soạn bài, làm đề cương, làm chủ lớp học và môi trường làm việc. Nhưng “sốc” nhất là từ lĩnh lương tính bằng USD giờ thì lĩnh lương giáo viên... (cười)”. Sau 4 năm, từ một người “chân ướt chân ráo” đến nay chị Trần Nguyên Chất đã là Trưởng bộ môn Chính sách thương mại quốc tế. Chị cũng vừa được bổ nhiệm làm Quyền trưởng ban Tổ chức hành chính của trường vừa phụ trách thêm mảng cố vấn Câu lạc bộ Sinh viên nghiên cứu khoa học. 

Thiên Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.