Những tài năng trẻ đến với nghiên cứu như thế nào?

09/12/2020 07:01 GMT+7

Dù ở bất cứ lĩnh vực nào, các tài năng trẻ vẫn luôn đau đáu, trăn trở cho những nghiên cứu mới, đột phá nhằm đóng góp cho cộng đồng, cho sự phát triển của nước nhà.

Đó là điểm chung của những người trẻ sẽ tham dự Đại hội tài năng trẻ Việt Nam 2020 do T.Ư Đoàn tổ chức. Ngày 8.12, trong chương trình giao lưu tại Báo Thanh Niên, đại diện các tài năng trẻ năm nay cũng đã có nhiều chia sẻ, góc nhìn và sáng kiến thiết thực cho sự phát triển của đất nước.

Luôn trăn trở cống hiến cho cộng đồng

Tại chương trình, tài năng trẻ Trương Văn Đạt (32 tuổi), Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM, cho biết nếu nhắc đến Đạt là mọi người nhắc ngay đến các phong trào tình nguyện. Tính đến nay anh Đạt đã giữ vai trò làm công tác Đoàn hơn 8 năm. Ngoài giờ làm việc ở cơ quan, anh thường xuyên tham gia phong trào tình nguyện. Nhưng cũng chính từ những chuyến đi tình nguyện như thế này mà các công trình nghiên cứu của anh cũng bắt đầu.
Trong gia đình có người thân bị trầm cảm, lúc đó việc chữa bệnh và chẩn đoán rất khó khăn. Bản thân đang học về sinh học nên mình nghĩ có thể làm được điều gì đó để giúp cho người thân cũng như cộng đồng, vì đây là thực trạng chung hiện nay. Từ đó, mình yêu thích ngành thần kinh học, và bắt đầu học thật sâu để nghiên cứu về lĩnh vực này
Hà Thị Thanh Hương (Trưởng bộ môn kỹ thuật mô và y học tái tạo, Khoa Kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế TP.HCM)
“Khi tham gia phong trào tình nguyện, mình cảm nhận được về cách dạy của những người thầy từng có những chuyến đi thực tế. Và chính quá trình rong ruổi mình biết được vùng này người dân cần gì, có những cây thuốc dược liệu gì. Và cần suy nghĩ gì thêm để giúp cho bà con, tạo ra những công cụ kết nối với mọi người bằng cách áp dụng công nghệ thông tin”, anh Đạt chia sẻ.
Mỗi tài năng trẻ là một câu chuyện, một cơ duyên để đến với các công trình nghiên cứu, nhưng chung quy lại, họ đều muốn đóng góp cho cộng đồng.
Với Hà Thị Thanh Hương (31 tuổi), Trưởng bộ môn kỹ thuật mô và y học tái tạo, Khoa Kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, thì xuất phát từ chính câu chuyện trong gia đình mình và nghĩ đến câu chuyện chung của cả cộng đồng.
“Trong gia đình có người thân bị trầm cảm, lúc đó việc chữa bệnh và chẩn đoán rất khó khăn. Bản thân đang học về sinh học nên mình nghĩ có thể làm được điều gì đó để giúp cho người thân cũng như cộng đồng, vì đây là thực trạng chung hiện nay. Từ đó, mình yêu thích ngành thần kinh học, và bắt đầu học thật sâu để nghiên cứu về lĩnh vực này, sau đó chọn đi du học để hỗ trợ nhiều hơn cho quá trình nghiên cứu của mình”, chị Hương kể.
Và mới đây, chị Hương đã vinh dự là nữ tiến sĩ trẻ Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng cho nhà khoa học trẻ (Early Career Award) của Tổ chức Nghiên cứu Thần kinh quốc tế (International BrainResearch Organization) năm 2020. Chia sẻ về “bí quyết” nhận được giải thưởng danh giá này, chị Hương cho biết giải thưởng dựa trên nhiều tiêu chí, đầu tiên là phải thể hiện được khả năng làm nghiên cứu, rồi đề tài có ý nghĩa với cuộc sống, có tính thuyết phục về mặt khoa học hay không, bên cạnh đó là mình có thể hiện được tính độc lập trong làm nghiên cứu hay không?
“Mình cũng chuẩn bị hồ sơ thể hiện được các điều kiện đó khi tham dự giải. Sau đó khi về VN trong 2 năm đầu, mình tập trung thành lập nhóm để nghiên cứu. Nhóm mình chủ yếu làm về phần chẩn đoán, vừa kết hợp sinh học phân tử, vừa kết hợp công nghệ thông tin để chẩn đoán bệnh Alzheimer làm sao sớm nhất, chính xác và ít xâm lấn nhất. Đồng thời làm thế nào để giảm được giá thành của quá trình chẩn đoán đó. Với tất cả những sự chuẩn bị đó, mình nộp hồ sơ dự giải”, chị Hương nhớ lại.
Còn Lê Minh Quân (20 tuổi), sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM - người có điểm tích lũy 8,8/10; là thủ khoa đầu vào của trường này (năm 2018); giải nhất cuộc thi SHREC 2020; giải ba cuộc thi The 4th Look Into Person (LIP) Challenge, 2020; hạng tư cuộc thi DAVIS: Densely Annotated VIdeo Segmentation, 2020; có 1 bài đăng trên tạp chí quốc tế (nhóm Q1), 2 bài hội nghị quốc tế năm 2020.
Lê Minh Quân chia sẻ: “Mọi người thường nghĩ học công nghệ thông tin là dành hết thời gian để ngồi máy tính, nhưng ngoài việc mình dành thời gian hằng đêm để làm nghiên cứu và theo nhịp với các bạn khác thì mình còn tham gia các hoạt động thể thao để thư thái tinh thần và học tập tốt hơn”.
Quân mong muốn cần đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu trong sinh viên, vì đó sẽ là nền tảng theo học thạc sĩ, tiến sĩ ở các nước để sau này về phục vụ quê hương.

Tận dụng thế mạnh chuyên môn

Chia sẻ về những nghiên cứu của mình, anh Đạt cho biết ngành y tế nói chung và ngành dược Việt Nam nói riêng hiện nay có nhiều bứt phá. Đặc biệt sắp tới Việt Nam chuẩn bị thử nghiệm vắc xin Covid-19 giai đoạn trên người.
“Bản thân mình cũng là người trẻ, giai đoạn đầu theo các thầy, hợp tác với các thầy để nghiên cứu về việc phát triển và tổng hợp các thuốc mới. Để ra một loại thuốc thì cũng qua cả công đoạn từ 10 - 15 năm, giai đoạn nghiên cứu, thử lâm sàng. Ban đầu nhóm nghiên cứu tập trung vào việc phát triển ra những hợp chất có tiềm năng. Tuy nhiên, tụi mình vẫn đang tiếp tục theo đuổi vấn đề này”, anh Đạt bày tỏ.
Theo anh Đạt, VN có nguồn dược liệu rất phong phú. Vấn đề đặt ra là làm sao để giúp mọi người thay vì dùng để ăn hoặc nấu uống thì chúng ta cần áp dụng phương pháp hiện đại để bào chế ra những loại dược phẩm bằng viên nén, bột để giúp mọi người dễ dùng.
“Nhóm mình cũng đang nghiên cứu sản xuất viên nang có tác dụng giảm hạ mỡ, giảm cân cho cơ thể người từ quả bưởi non bị bỏ đi sau khi thu hoạch bưởi. Ngoài ra, mình cũng rất đam mê công nghệ thông tin, và trong ngành dược thì hiện nay mối quan tâm là làm sao sử dụng công nghệ thông tin trong việc tư vấn từ xa cho bệnh nhân, và cũng là một hướng mà nhóm nghiên cứu của mình đang thực hiện”, anh Đạt tâm huyết.
Trước những câu hỏi của sinh viên về bí quyết nghiên cứu khoa học, anh Đạt cho biết trước khi bước vào con đường nghiên cứu, bản thân phải có một nền tảng nhất định. Nền tảng đó có thể ít hay nhiều nhưng chúng ta phải có kiến thức chuyên môn, phải quan tâm, đam mê về nghiên cứu khoa học. Tiếp theo là phải tham gia vào các nhóm cùng nghiên cứu để không bị đơn độc.
“Mình phải có tính trung thực trong nghiên cứu, có tư duy phản biện. Có nghĩa là khi mình đặt ra vấn đề nào đó, phải tự hỏi tại sao không là như thế này mà lại như thế kia. Chính quá trình đó sẽ giúp hình thành những ý tưởng hay. Và đặc biệt phải kiên trì, đeo bám mới giúp mình thành công”, anh Đạt gợi ý.

Hiến kế ứng phó biến đổi khí hậu

Khi bạn đọc đặt vấn đề về biến đổi khí hậu, anh Đạt cho rằng biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu. Vừa qua Việt Nam cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề. Bản thân là người trẻ, anh Đạt cũng nhận thức được điều đó, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cuộc sống, kinh tế, xã hội, an ninh, đồng thời cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Chính vì vậy, anh Đạt cho rằng mọi cá nhân đều phải hành động để bảo vệ môi trường.
“Riêng đối với vấn đề sông Mê Kông, mình thấy sự thay đổi rất rõ rệt khoảng 10 năm trở lại đây, do mình là dân Tiền Giang. Và do nước ta là hạ nguồn sông Mê Kông nên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Chính vì vậy, Chính phủ cần đứng ra để hoạch định, xây dựng chính sách. Rõ ràng sông Mê Kông phần lớn được sử dụng để khai thác thủy điện.
Như vậy, Việt Nam sẽ có vai trò gì trong việc hỗ trợ nguồn điện cho các quốc gia như Lào và Campuchia? Đặc biệt là giúp họ sử dụng các nguồn điện thay thế như: điện gió, năng lượng mặt trời hoặc có những chính sách giúp các nước bạn đảm bảo về năng lượng mà không phải khai thác bằng thủy điện? Và với các nhà khoa học trẻ, chúng ta có thể nghiên cứu, tìm thêm những giải pháp trong việc tiết kiệm nguồn điện, có những nguồn năng lượng thay thế, phát triển những sản phẩm xanh…”, anh Đạt nêu. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.