Những tác phẩm nghệ thuật từ đồ tái chế

06/11/2020 09:04 GMT+7

Chai nhựa, giấy báo, vải vụn, hoa khô, hoa dại… đều có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật dưới bàn tay khéo léo và tính sáng tạo của các bạn trẻ .

Thêm hồn cho tranh bằng hoa khô

Tận dụng hoa có sẵn trong vườn nhà, bên đường, chị Lê Thị Trang (30 tuổi, Thanh Hóa) đang sống và làm việc tại TP.HCM đã nảy ra ý tưởng trang trí tranh bằng hoa. Vì hoa tươi nhanh tàn nên Trang đã tìm tòi để tự tạo ra hoa khô. “Hoa dại đa phần mình hái ở bờ rào hoặc bên vệ đường, một số loại hoa khác thì được bạn bè tặng. Mình đem phơi khô tự nhiên hoặc dùng hạt hút ẩm silicagel để làm hoa khô hơn, mịn hơn”, chị Trang chia sẻ.

Hoa salem, hoa dại được chị Trang tận dụng để thổi hồn vào tranh

Ảnh: Lê Thị Trang

Để có một bức tranh hoàn chỉnh, Trang sẽ tự vẽ theo ý tưởng của mình, sau đó là dán hoa khô vào tranh. Chị Trang cho biết: “Thời gian để vẽ khoảng 2 - 4 giờ tùy độ khó của tranh, thêm hoa khô vào chỉ khoảng 30 phút. Khi hoàn chỉnh, mình sẽ lồng thêm một lớp kính để giúp tranh giữ được lâu hơn và không bám bụi”.
Chị Trang thường dùng hoa salem, mào gà hay hoa cỏ dại để đính vào tranh. “Khi khô, hoa salem vẫn giữ màu tím đặc trưng, mào gà dại hay cỏ dại chỉ phai đi một ít nhưng hoa cúc tím lại chuyển thành màu đen. Mình đang thử nhiều loại hoa khác để giúp tranh thêm sống động và màu sắc hơn”, chị nói.
Thất bại lần đầu do hoa không giữ đúng màu khi khô nhưng đến lần thứ hai thì chị Trang đã thành công. Chị chia sẻ: “Do mình không qua trường lớp đào tạo vẽ tranh, không có nhiều kinh nghiệm để làm hoa khô nên tranh không đẹp như mình mong muốn. Nhưng mình thấy vui vì gia đình và bạn bè luôn ủng hộ. Ngoài hoa khô, mình còn tận dụng chai nhựa, giấy báo cũ… để làm bình cắm hoa hay đồ vật trang trí trong nhà”. 

Tranh xé dán từ giấy báo cũ

Chị Nguyễn Thị Kim Hồng (34 tuổi, ở Nghệ An) hiện là giáo viên Trường mầm non Montessori (Hà Nội) lại đặc biệt lưu tâm đến số phận của những tờ báo. “Thông tin trên báo chí mang tính cập nhật nên nhanh lỗi thời và số phận của nó là vựa ve chai hoặc sọt rác. Vậy là ngoài việc cắt những hình lớn sưu tập thành sách ảnh theo chủ đề để dạy học sinh, mình còn tận dụng những mẫu báo thừa còn lại để làm tranh”, chị Hồng chia sẻ.
Những tác phẩm nghệ thuật từ đồ tái chế

Chị Kim Hồng và tác phẩm tranh xé dán của mình

Ảnh: Kim Hồng

Để hoàn thành một bức tranh, chị Hồng sẽ vừa đọc tin, vừa ngắm nhìn họa tiết, sau đó là cắt xé và phân loại các mảng màu sắc, họa tiết riêng lẻ. Chị cho biết nền tranh là bìa gỗ ép, dùng bút dạ phác họa mảng, khối lên bìa sau đó dùng keo sữa dán các mảng màu, họa tiết lên đó. “Mỗi bức tranh mất tối thiểu 24 giờ liên tục hoặc một tuần để hoàn thành, tùy vào độ phức tạp của chi tiết và họa tiết mà thời gian có thể lâu hơn”, chị Hồng nói.
Những tác phẩm nghệ thuật từ đồ tái chế

Bức tranh xé dán “Hy vọng” để gây quỹ ủng hộ miền Trung

Ảnh: Kim Hồng

Chị Hồng chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất khi làm tranh xé dán là nguồn cảm hứng. Nếu có sẵn cảm hứng, ý tưởng cho bức tranh thì việc tìm họa tiết, màu sắc khi đọc báo mình có thể chủ động hơn. Ngoài ra, khi làm tranh mình cũng không dùng quạt, máy điều hòa, thậm chí không mở cửa sổ vì chỉ cần gió nhẹ thì giấy vụn sẽ bay lẫn vào nhau”.
Để ủng hộ đồng bào miền Trung, chị Hồng còn đấu giá tranh xé dán để gây quỹ. “Hy Vọng” vừa là tên của tranh, vừa là lời cầu nguyện của chị dành cho người dân quê mình.

Người trẻ và tình yêu tái chế

Nguyễn Thị Cẩm Tiên (23 tuổi, ở Đồng Tháp) cho rằng: “Tái chế là cách để hạn chế rác thải ra môi trường, cũng là cách để mình tiết kiệm được một phần chi phí mua sắm đồ đạc. Ly nhựa, chai thủy tinh, giấy carton… luôn được mình tận dụng để đựng mỹ phẩm, cắm hoa. Nhiều người nói mình tiết kiệm quá mức nhưng đồ còn tận dụng được đem vứt thì vừa lãng phí, vừa ảnh hưởng môi trường”.
Chị Lê Thị Trang nói thêm: “Mình thích tái chế từ những đồ vật tưởng như bỏ đi. Mình đã mày mò từ lúc nhỏ nhưng khi lớn mới quan tâm nhiều hơn. Tái chế vừa giúp chúng ta sáng tạo, vừa bảo vệ môi trường”.
Những tác phẩm nghệ thuật từ đồ tái chế

Tận dụng nguồn vải, Bảo Nhi tự tay may thành những chiếc dây buộc tóc

Ảnh: Bảo Nhi

“Hai năm nay, mình mới bắt đầu sống xanh và giảm thiểu rác. Mình ý thức hơn về thứ sẽ mua và đồ sẽ vứt. Mình nghĩ bản thân cần phải có trách nhiệm với môi trường nhiều hơn. Sớm thay đổi thói quen sống là cách để chúng ta cứu lấy môi trường”, Đỗ Hoàng Quốc Bảo (27 tuổi, ở Tiền Giang) chia sẻ.
Còn Huỳnh Ngọc Bảo Nhi (21 tuổi, ở Kom Tum) cho hay : “Mình tái chế rác của mình hằng ngày, không để rác chết đi là cách tái chế hiệu quả, từ bịch ni lông, chai nhựa, ống hút nhựa đến vải vụn. Mình từng tham gia trào lưu Viên gạch sinh thái, nhồi những bao bì ni lông vào chai nhựa để có thể sử dụng làm gạch xây nhà”.
“Hoạt động sản xuất và tiêu dùng thì không bao giờ dừng lại. Vậy nên cốt lõi của việc bảo vệ môi trường vẫn là từng cá nhân biết thế nào là “đủ” và “đúng”, bảo vệ môi trường cũng là để con người cứu lấy chính mình trước tiên. Sống xanh và tái chế dạy con người hai điều trên”, chị Nguyễn Thị Kim Hồng chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.