Những sự kiện thế giới có tầm ảnh hưởng năm 2017

01/01/2017 09:03 GMT+7

Châu Âu tiếp tục bị chia rẽ, chủ nghĩa dân tuý trỗi dậy mạnh mẽ, IS suy yếu dần, toàn cầu hoá bị xét lại… là những dự báo về tình hình thế giới năm 2017.

Những nhà lãnh đạo mới của thế giới

Ông Antonio Guterres sẽ thay thế ông Ban Ki-moon sau 10 năm giữ cương vị Tổng thư ký LHQ Reuters

Ngay ngày đầu năm 1.1.2017, Liên Hiệp Quốc - tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới - sẽ có Tổng thư ký mới. Ông Antonio Guterres sẽ thay thế ông Ban Ki-moon sau 10 năm giữ cương vị này. Cựu thủ tướng Bồ Đào Nha Guterres là người rất có kinh nghiệm trên chính trường cả quốc gia lẫn quốc tế, lại thông hiểu các vấn đề trong Liên Hiệp Quốc nên được kỳ vọng sẽ dẫn dắt tốt tổ chức quy tụ 193 thành viên này.

Cũng ngay trong tháng 1, ông Donald Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ. “Hiện tượng” của năm 2016 sẽ chính thức bước vào chính trường mà không có chút kinh nghiệm chính trị nào trước đó. Ông Trump sẽ lãnh đạo cường quốc số 1 thế giới và thực hiện những chính sách đối nội, đối ngoại của mình.

Người ta sẽ xem tân tổng thống thứ 45 của Mỹ làm gì để “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” như lời ông nói AFP

Ngoại trừ những lựa chọn nhân sự đã được công bố, đến lúc này chưa ai dám chắc vị tổng thống đặc biệt này sẽ làm gì để “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” như lời ông nói.

Bên cạnh ông Guterres và ông Trump, thế giới năm 2017 sẽ có những biến đổi lớn về lãnh đạo quốc gia khi nhiều cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong năm này. Pháp sẽ bầu tổng thống mới, Đức sẽ bầu thủ tướng mới và Hàn Quốc có thể sẽ bầu cử sớm nếu bà Park Geun-hye chính thức bị luận tội.

Sự trỗi dậy của phong trào dân tuý

Năm 2016 chứng kiến cuộc trỗi dậy của chủ nghĩa dân tuý trên khắp châu Âu. Sự kiện nước Anh trưng cầu dân ý rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ càng tạo nên lực đẩy cho xu hướng này tiếp tục lan rộng trong năm 2017.

Những vấn đề như tăng trưởng kinh tế chậm, khủng hoảng nhập cư, an ninh bất ổn đang kết hợp lại, đánh thức tư tưởng dân tộc tính, bài ngoại ở các nước phương Tây.

Những cam kết về tự do thương mại, nhập cư hay bình đẳng giới, hôn nhân giờ đây bị những tư tưởng không chính thống đe doạ mạnh mẽ. Một trật tự mới dần được hình thành, phân tách thành những khối nhỏ nhưng chặt chẽ hơn thay vì trật tự cũ là một khối thịnh vượng với đồng tiền chung và tự do biên giới.

Năm 2017 sẽ là thời điểm kiểm chứng khả năng của những nhà dân tuý như bà Marine Le Pen, ứng viên tổng thống Pháp Reuters

Năm 2017 sẽ là thời điểm kiểm tra khả năng chứng tỏ sức ảnh hưởng của phong trào dân tuý với các cuộc bầu cử tại Pháp, Đức, Hà Lan. Và những nhà dân tuý như Marine Le Pen (Pháp), Frauke Petry (Đức), Geert Wilders (Hà Lan) hoàn toàn toàn có thể tạo nên một cơn địa chấn trong nền chính trị thế giới.

Năm xét lại của toàn cầu hóa

Chính phủ Anh sẽ kích hoạt Điều 50 của EU để chính thức rời khối này AFP

Trong một khoảng thời gian rất dài - suốt nhiều thập niên qua - toàn cầu hóa, tự do thương mại được xem là xu thế tất yếu và được cổ vũ trên khắp thế giới. Người ta đồng thuận rằng nó mang lại nhiều công ăn việc làm, tăng lương và hạ giá thành sản phẩm, kể cả ở nước giàu lẫn nước nghèo.

Nhưng mọi chuyện đang dần thay đổi. Nhiều người, bao gồm không ít chính trị gia nổi trội, đang bày tỏ sự giận dữ trước tình trạng mất công ăn việc làm ồ ạt, nhiều ngành công nghiệp lâu năm bỗng dưng biến mất và làn sóng người di cư khắp nơi làm phá vỡ những trật tự đã tồn tại lâu đời.

Ông Donald Trump là “đại diện tiêu biểu” của chủ nghĩa xét lại toàn cầu hóa Reuters

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 là điểm nóng của chủ nghĩa xét lại toàn cầu hóa sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit ở Anh, trong đó nhập cư là một trong những nguyên nhân chủ chốt. Thêm vào đó là những cuộc biểu tình rộng khắp châu Âu chống lại các thỏa thuận thương mại quốc tế.

Ông Donald Trump, người chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ là một trong những tiếng nói chống toàn cầu hóa, chống tự do thương mại mạnh mẽ nhất với cam kết sẽ chặn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và thương lượng lại một loạt thỏa thuận thương mại quốc tế khác.

Năm không dành cho người di cư

Sẽ khó lòng có chuyện tiếp nhận làn sóng người di cư ồ ạt trong năm 2017 Reuters

Mối lo về làn sóng người nhập cư từ các nước nghèo nàn, xung đột tràn khắp châu Âu là một trong những nguyên nhân chủ chốt khiến người Anh quyết định phải Brexit - thoát ly châu Âu. Ở Đức, sau khi mở lòng và mở cửa biên giới đón những người khổ sở chạy trốn chiến tranh từ Trung Đông, Thủ tướng Angela Merkel lập tức hứng sự phản đối quyết liệt của người dân khiến bà phải xin lỗi và thay đổi chính sách.

Ở Mỹ, ông Donald Trump từng tuyên bố sẽ xây một bức tường dài ngoằng, cao ngất để chặn người nhập cư bất hợp pháp từ Mexico. Trong bối cảnh chủ nghĩa quốc gia đang trỗi dậy khắp nơi, 2017 chắc chắn không phải là năm “đẹp” cho người di cư.

Biển Đông vẫn tiếp tục nóng

Trung Quốc đưa tên lửa phòng không phi pháp ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam GoogleEarth/FoxtrotAlpha

Năm 2017, Trung Quốc có thể sẽ hoàn tất quá trình bồi đắp các đảo nhân tạo phi pháp tại quân đảo Trường Sa của Việt nam và tiến hành quân sự hoá tại các thực thể này. Bắc Kinh gần như đã lắp đặt những thiết bị quân sự cần thiết trên các đảo đang chiếm đóng phi pháp nhằm kiểm soát lưu thông hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Đó cũng là thách thức không chỉ của khu vực mà cả với chính quyền mới của ông Donald Trump.

Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19

Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết tổng cộng 2.300 đại biểu sẽ được 40 đơn vị bầu cử trên toàn quốc bầu chọn để đi dự Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vào cuối năm 2017. Công tác bầu chọn đại biểu bắt đầu từ tháng 11.2016, hoàn tất vào tháng 6.2017, theo South China Morning Post (Hồng Kông).

Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường được dự đoán tiếp tục giữ hai vị trí quan trọng trong Ban Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc sau Đại hội 19 Reuters

Cũng theo Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, các đại biểu sẽ bỏ phiếu bầu khoảng 350 ủy viên chính thức và dự khuyết của Ban chấp hành Trung ương khóa 19, sau đó các ủy viên sẽ bầu ra Bộ Chính trị và Ban Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo South China Morning Post, bộ máy lãnh đạo cấp cao Trung Quốc sẽ có nhiều thay đổi, bởi vì ngoài Tổng bí thư - Chủ tịch Tập Cận Bình (63 tuổi) và Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Thủ tướng Lý Khắc Cường (61 tuổi), thì 5 Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị còn lại sẽ về hưu vào kỳ đại hội này.

IS suy yếu trong năm 2017

IS được dự đoán sẽ suy yếu và có thể lụi tàn trong năm 2017 Reuters

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) mất kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ chiếm được ở Syria và Iraq trong năm 2016. Công ty phân tích tình báo tư nhân Stratfor của Mỹ dự đoán IS sẽ tiếp tục suy yếu trong năm 2017, giữa lúc liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu đang tiến hành chiến dịch tấn công vào thành phố Mosul, thành trì cuối cùng của IS ở Iraq.

Tuy nhiên căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục leo thang, và IS suy yếu có nguy cơ tạo điều kiện cho mạng lưới khủng bố al-Qaeda vực dậy, theo Stratfor. Ngoài ra nguy cơ các tay súng IS quay về nước cũng khiến nhiều nước lo ngại, nhất là các nước khu vực Đông Nam Á.

Bán đảo Triều Tiên thêm căng thẳng khi có THAAD

Theo tuyên bố của giới chức Mỹ và Hàn Quốc, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) sẽ được triển khai tại Hàn Quốc trong năm 2017. Điều này có thể khiến an ninh tại bán đảo Triều Tiên có nhiều biến động.

Việc triển khai THAAD có thể khiến an ninh tại bán đảo Triều Tiên thêm nhiều biến động Reuters

Ngay từ khi nghe kế hoạch này, Triều Tiên đã phản ứng dữ dội và nhiều lần đe doạ trả đũa quyết liệt. Việc Mỹ triển khai THAAD làm Triều Tiên càng cảm thấy bị đe doạ, do đó không thể loại trừ khả năng nước này sẽ có những quyết định mạo hiểm và những hành động thiếu cân nhắc. Các chuyên gia dự báo Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục chương trình hạt nhân trong năm 2017. Đây là năm đặc biệt, bầu cử tổng thống ở Hàn Quốc và chuyển giao quyền lực ở Mỹ, được đánh giá là thời điểm tốt để Bình Nhưỡng đẩy mạnh chạy đua hạt nhân.

Ngoài ra, quyết định của Mỹ cũng không làm vừa lòng Trung Quốc và Nga. Điều này có thể dẫn đến những mâu thuẫn giữa các nước lớn, đồng thời khiến nỗ lực giảm căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên như việc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên trở nên xa tầm với.

Bầu cử phổ thông đầu phiếu lần đầu tiên ở Hồng Kông

Đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh tuyên bố không tham gia tái tranh cử năm 2017 AFP

Vào tháng 3.2017, người dân Hồng Kông lần đầu tiên sẽ bầu trực tiếp lãnh đạo của đặc khu hành chính này kể từ sau khi được trao trả về cho Trung Quốc hồi năm 1997. Cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi, thậm chí còn là nguyên nhân dẫn đến chia rẽ ở lãnh thổ này khi chính phủ Trung Quốc yêu cầu các ứng cử viên tham gia tranh cử phải được sự đồng ý của Bắc Kinh.

Ứng cử viên sáng giá cho chức Đặc khu trưởng Hồng Kông được cho vẫn là ông Lương Chấn Anh, nhưng đương kim đặc khu trưởng này đã tuyên bố không tái tranh cử. Cuộc đua vào vị trí lãnh đạo Hồng Kông đang là dấu hỏi lớn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.