TNO

Những sân bay cho bạn cơ hội khám phá thành phố

23/04/2015 12:09 GMT+7

(Tin Nóng) Du khách trên đường bay tới những điểm đến xa xôi thường phải nối chuyến, thay đổi máy bay tại các sân bay lớn, nhưng lắm khi thời gian chờ bay nối chuyến kéo dài cả nửa ngày. May sao nhiều sân bay sẵn sàng chào đón bạn khám phá tốc hành thành phố của họ.

(Tin Nóng) Du khách trên đường bay tới những điểm đến xa xôi thường phải nối chuyến, thay đổi máy bay tại các sân bay lớn, nhưng lắm khi thời gian chờ bay nối chuyến kéo dài cả nửa ngày. Làm gì trong mấy tiếng đồng hồ ấy? May sao nhiều sân bay sẵn sàng chào đón bạn lên đường khám phá tốc hành thành phố của họ.


Du khách trên đường phố Seoul, Hàn Quốc - Ảnh: AFP

Theo bà Angela Gittens, tổng giám đốc Hội đồng cảng hàng không quốc tế (Airports Council International - ACI): “Đó là một xu hướng đang phát triển, đặc biệt là những du khách trẻ. Vì người đi du lịch mang quan điểm tìm cân bằng giữa công việc và cuộc sống, các sân bay cũng đang quan tâm điều đó”.

Ở châu Á, cơ hội để kết hợp giữa du lịch và việc đi lại chưa bao giờ tốt hơn. Các sân bay mới hoặc vừa mở rộng gần đây tại Bangkok, Dubai - UAE; Seoul - Hàn Quốc; Singapore; Sydney - Úc; Hồng Kông và sân bay Haneda ở Tokyo..., với các khách sạn ngay tại sân bay, kết hợp việc quá cảnh nhanh chóng để đưa khách vào thành phố.

Tại sân bay quốc tế Incheon ở Seoul, những người có từ 1 đến 3 hoặc 5 tiếng đồng hồ tại sân bay, có thể đăng ký một chuyến tham quan thành phố miễn phí. Từ sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok, đi tàu điện BTS Skytrain bên dưới nhà ga chính đến tòa nhà chính phủ và viện bảo tàng tại khu trung tâm Phaya Thai chỉ mất 18 phút. Sân bay Sydney, Singapore và Dubai cũng có các phương tiện trung chuyển nhanh, du khách có thể đến các khu du lịch nổi tiếng chỉ trong nửa giờ.

Với 36 tuổi đời, sân bay quốc tế Narita ở Nhật là một trong những sân bay cũ nhất khu vực. Cách trung tâm thành phố Tokyo khoảng 72 km, nên khó có thể thực hiện một chuyến tham quan. Điều từ lâu đã khiến một phần trong số 5 triệu khách đổi chuyến mỗi năm tại sân bay phải dừng chân khám phá là lịch sử của thành phố Narita, những nét quyến rũ… thừa sức chiếm trọn cả buổi chiều hoặc phải nghỉ lại đêm.

Cô Dovalyn Hiram từ thành phố Redwood, bang California, đến Tokyo vào đầu tháng 3.2015 sau khi thăm gia đình ở Palau, Philippines. Cô có 7 tiếng trước khi bay tiếp. Là một trong những người đầu tiên tham gia vào chương trình mới của Hiệp hội Du lịch Thành phố Narita: được tham quan miễn phí với các hướng dẫn viên tình nguyện. Tại các bàn đăng ký ở ga đến, cô gặp anh Andrea Tran đến từ San Jose, California, người có 9 tiếng trước khi lên máy bay về San Francisco.

“Chúng tôi tham quan nhiều ngôi chùa, qua những con đường rải sỏi, thưởng thức vài món ăn và rảo quanh công viên…”, cô Hiram kể lại 3 giờ trải nghiệm cùng những cư dân nói tiếng Anh. Họ nói với cô về lịch sử, những bình luận, hướng dẫn và đồng hành trong chuyến thăm Narita. Chưa ai từng đến Nhật trước đây, nhưng khi đến giờ quay lại sân bay, cả Hiram và Tran đều đã cảm nhận ít nhiều về đất nước này: “Đó là cuộc rèn luyện”.

Với du khách thích đi một mình, có thể dùng dịch vụ xe buýt của khách sạn, hoặc theo tuyến đường sắt (JR) đến trung tâm Narita. Một bảng thông tin du lịch ngay bên ngoài nhà ga Narita sẽ có thông tin về những địa điểm để xem, nhiều nơi có thể đi bộ.


Một ngôi chùa ở Narita - Ảnh: traveladventures.org

Theo cô Akiko Komatsu thuộc Hiệp hội du lịch Narita, đã có 13 triệu người đến Narita vào năm 2013, tính cả khách viếng thăm trong ngày và nghỉ qua đêm. Từ lâu, thành phố này đã là điểm đến phổ biến cho du khách Nhật, họ muốn thăm Naritasan, một quần thể các khu vườn và điện thờ 1.000 năm tuổi, rộng 16 ha. Chuyến tham quan với các điểm dừng tại ngôi Đại Cổ tự Hòa bình cao 55 m, Chùa Shinshoji và bảo tàng Thư pháp, có thể mất cả ngày.

Omotesando là con đường chính nối Naritasan với trung tâm giao thông của thành phố và khu mua sắm chính. Dọc theo con đường này rất nhiều các tòa nhà gỗ xây dựng theo kiểu khung cột liền dầm (post-and-lintel) mang lại cho đường phố một cảm giác của thời quá khứ. Những lá cờ phất phới trên không cùng tác phẩm điêu khắc miêu tả các con vật biểu tượng cung hoàng đạo đặt dọc theo vỉa hè. Các đầu bếp nhà hàng đứng lóc da và nướng lươn ở lối vào tòa nhà kiến trúc lịch sử, mời gọi người qua lại vào trong thưởng thức món thịt lươn sốt tương ngọt với cơm.

Trên khắp Narita, vai trò của ngành hàng không trong bản sắc thành phố hiện đại thật rõ ràng. Phi công và tiếp viên có mặt ở khắp các cửa hàng và quán karaoke. Ngành kinh doanh cũng dành cho họ mức giảm giá đặc biệt cùng các dịch vụ vận chuyển cho nhân viên hàng không. Nổi bật trên cửa nhà hàng Teco Teco Brazil là chiếc máy bay cánh kép và tên nhà hàng được cho là đặt theo âm thanh phát ra từ động cơ máy bay. Tại quán Jet Lag Café, khách có thể dùng một ly cocktail trong khi chiêm ngưỡng bộ sưu tập các kỷ vật hàng không của chủ quán, ông Vincent Timmermans, một cựu tiếp viên hãng Sabena Airlines.

Lòng mến mộ nhiệt tình thành phố dành cho sân bay hiện nay là một sự tương phản với những tranh cãi sau đề nghị đầu tiên xây dựng sân bay vào năm 1960. Trong nhiều năm, những người nông dân sở hữu đất đã phản đối chính phủ , đôi khi tranh đấu dữ dội trước tòa án. Bảo tàng lịch sử cộng đồng, cách trung tâm thành phố khoảng 10 km, được xây dựng như một phần thỏa thuận với  người biểu tình, ghi nhớ thời kỳ tranh chấp cùng với phim, ảnh và hiện vật.

Cân bằng giữa thời khai sinh hỗn loạn của sân bay với hiện trạng ngày nay là sự hiện diện của bảo tàng Khoa học Hàng không gần đó, một điểm đến đông khách thứ 13 thế giới. Hiện vật trưng bày tại khu trung tâm có chiếc Boeing 747, loại máy bay phổ biến trong đội bay các hãng hàng không Nhật Bản.

Ngoài ra, du khách muốn quan sát đường băng có thể đến 3 khu vực có vị thế tốt, trong đó một đài quan sát trên tầng 5 với ghế ngồi bố trí như rạp hát và có người hướng dẫn giới thiệu chi tiết của từng chuyến bay. Từ đây, các ‘fan’ hâm mộ ngành hàng không và du khách mỗi ngày có thể xem các dòng máy bay phản lực khổng lồ cất cánh ngay trên đầu và các chuyến bay chuyển tiếp.


Thành phố Sydney - Ảnh: AFP

Sydney, Úc: Sân bay Quốc tế Kingsford Smith là trung tâm quốc tế hiếm hoi có tầm cỡ vừa phải nhưng gần với thành phố. Trong 20 phút, tàu Airport Link có thể mau chóng đưa khách từ ga quốc tế đến dưới chân của một trong những tòa nhà nổi tiếng nhất thế giới: nhà hát Opera Sydney tại bến tàu Circular Quay. Vườn Bách thảo Hoàng gia nằm theo một hướng trong khi những người thích vận động lại muốn theo hướng về phía cầu cảng Sydney, nơi họ có thể đi bộ, đi xe đạp hoặc leo trèo.

Nếu có thể dừng chân qua đêm, khách đi phà từ bến tàu đến bãi biển Manly, nơi có màn biểu diễn lướt sóng quanh năm, hoặc thưởng thức các món uống và dùng bữa tối tại một trong nhiều điểm bán hàng đêm của cộng đồng.

Seoul, Hàn Quốc: Việc di chuyển bằng tàu từ sân bay quốc tế Incheon về trung tâm thành phố là thời gian lâu nhất. Được chọn là sân bay tốt nhất của Hội đồng cảng hàng không quốc tế trong nhiều năm qua, sân bay Incheon cung cấp 7 tuyến tham quan miễn phí bằng xe buýt cho hành khách quan tâm đến văn hóa Hàn Quốc, lịch sử Phật giáo, nghệ thuật, kiến trúc, mua sắm và các hoạt động du lịch. Một số nơi có tính phí vào cổng và bán suất ăn trưa.

Ngay cả những du khách hiểu biết cũng được khuyên nên tham gia vào các ‘tour’, hơn là đi một mình, nếu không ngại bị lạc đường. Tại Seoul, tiếng Anh không được sử dụng nhiều, cùng với hệ thống giao thông công cộng tuy tốt nhưng hoạt động phức tạp, gây bối rối cho du khách đến lần đầu. Khách muốn đi tham quan phải xuất trình hộ chiếu và vé máy bay tại quầy tham quan ở ga đến.


Quang cảnh nhìn từ toà nhà Burj Khalifa cao nhất thế giới ở Dubai - Ảnh: AFP

Dubai, United Arab Emirates: Trong khi thành phố này đang nhanh chóng trở thành một điểm đến riêng, Emirates, hãng hàng không quốc gia của Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất tự hào đã cung cấp cầu nối giữa hai nền kinh tế đang phát triển nhanh: Ấn Độ và Trung Quốc.

Kết quả là hơn một nửa số hành khách đến sân bay quốc tế Dubai, khi đang trên đường đến một nơi khác. Những người có hơn một vài giờ tạm dừng chân có thể mua vé tàu điện trên cao sử dụng trong ngày và theo tuyến màu đỏ từ ga số 1 hoặc 3 đến Burj Khalifa, tòa nhà cao nhất thế giới.

Giá vé khởi điểm cho chuyến tham quan tòa nhà là 24 USD. Tuy nhiên, chẳng gì sánh bằng cảnh quan thành phố sa mạc thế kỷ 21 nhìn từ đài quan sát ở độ cao 457 m. Chỉ đi bộ một đoạn ngắn là đến Dubai Mall nhưng là chuyến tham quan đáng giá, ngay cả khi bạn không mua được món nào cho vào hành lý. Đầy dẫy các cửa hàng ở tầng dưới bán trang phục truyền thống của người Ả Rập (abaya). Tất cả gần như chỉ có một màu đen, nhưng nhiều kiểu sáng tạo ấn tượng.

Thủy cung và công viên dưới nước, cùng với sân trượt băng tiêu chuẩn Olympic có thể khiến bạn mất nhiều thời gian, nhưng không nên bỏ lỡ đài phun nước nghệ thuật Fountain Dubai: những tia nước phun trào, hòa nhịp theo các bản nhạc nổi tiếng của Ả Rập và phương Tây.

P. Nguyễn Dũng
(tổng hợp)

>> Tại sao mã sân bay có 3 ký tự ?
>> Bay sang Anh, Vietnam Airlines đổi sân bay qua Heathrow
>> Sân bay London tê liệt vì lỗi phần mềm máy tính có từ thập niên 1960
>> Vụ mất điện sân bay Tân Sơn Nhất: bắt kíp trưởng ca trực điện
>> Gọi vốn mua lại sân bay quốc tế
>> Phòng chờ sang trọng ở sân bay: Không còn là đặc quyền
>> Những sân bay tấp nập nhất thế giới 2013
>> Khi an ninh sân bay lại là đạo chích

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.