Những sai lầm chết người cần tránh khi bị rắn độc cắn

07/12/2014 14:07 GMT+7

(TNO) Tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết 5 - 6 tuần gần đây, trung tâm liên tục ghi nhận các ca nhập viện do rắn độc cắn . Có ngày số bệnh nhân bị rắn cắn chiếm tới 30% ca cấp cứu tại trung tâm.

Tranh-sai-lam-khi-xu-li-ran-luc-can
 
Tranh-sai-lam-khi-xu-li-ran-luc-can
Tiến sĩ Kim Sơn kiểm tra sức khỏe cho bé trai 2 tuổi ở Hải Dương bị rắn lục cắn

Theo tiến sĩ Sơn, trong số các bệnh nhân nhập viện vì rắn cắn có khoảng 25 - 30% trường hợp bị tấn công bởi rắn lục, phổ biến ở Hải Dương, Phú Thọ, Lào Cai, Ninh Bình, Hòa Bình, có cả trường hợp xảy ra tại Hà Nội.

“Gần đây rộ lên thông tin rắn lục đuôi đỏ tấn công người dân, tuy nhiên, tại Trung tâm Chống độc, ngoài các ca bệnh bị tấn công bởi loại rắn lục đuôi đỏ, còn có các trường hợp bị cắn bởi các loại rắn lục khác như rắn lục xanh, rắn lục tre, rắn lục khô mộc. Độc tố của chúng đều rất nguy hiểm đối với người bị cắn, vì gây rối loạn đông máu”, tiến sĩ Sơn cho biết.

Tranh-sai-lam-khi-xu-li-ran-luc-can
Bệnh nhân 81 tuổi (ở Hà Nội) nghi bị rắn lục cắn

Đơn cử, bé trai 2 tuổi ở Chí Linh, Hải Dương vừa được chuyển vào Trung tâm điều trị do bị rắn lục xanh cắn. Chị Chu Thị Thơm, mẹ của bệnh nhi cho biết khoảng 7 giờ tối, bé bước ra cửa nhà thì bị rắn lục xanh cắn vào mu bàn chân trái, bị sưng nề lập tức. Trong vòng hai giờ, tình trạng sưng, bầm do xuất huyết và phù lan nhanh chóng từ bàn chân, cẳng chân lên đến đùi của bên chân trái.

“Xung quanh nhà có nhiều cây cối. Thời gian gần đây, hàng xóm gần nhà cũng đánh được rắn lục, cả lục xanh, lục đuôi đỏ. Có khi rắn bò cả lên sân, cửa nhà”, chị Thơm lo lắng kể lại.

Mới đây, Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn H., 24 tuổi, ở Phú Thọ nhập viện do rắn lục cắn khi đang hái chè. Tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Đây là ca rối loạn đông máu nặng do bệnh nhân đã tự điều trị bằng đắp lá lên vết cắn. Chỉ sau hai ngày tự điều trị không khỏi, bệnh nhân mới đến viện. Lúc này, bàn tay bị cắn và dọc cánh tay sưng phồng, từng vết bầm loang do xuất huyết dưới da, cùng với đó là hiện tượng chảy máu chân răng”.

Tranh-sai-lam-khi-xu-li-ran-luc-can
Độc tốc của rắn lục có thể gây tử vong do rối loạn đông máu nặng

Tranh-sai-lam-khi-xu-li-ran-luc-can
Nhiều mẫu rắn lục được lưu giữ tại Trung tâm Chống độc phục vụ cho công tác điều trị

“Rắn lục cắn gây đau buốt, sưng nề và tình trạng này thường nhanh chóng tỏa rộng kèm theo xuất huyết dưới da. Việc xử trí sớm, điều trị đúng chuyên khoa cho kết quả tốt, bởi hiện nay đã có huyết thanh kháng nọc rắn lục”, Tiến sĩ Sơn chia sẻ.

Ông cũng khuyến cáo nếu nọc độc vào cơ thể nhiều hoặc bệnh nhân đến muộn, độc tố của rắn lục có thể gây rối loạn đông máu nặng làm chảy máu chân răng, chảy máu các hốc tự nhiên, tiểu tiện ra máu. Bệnh nhân có thể tử vong do xuất huyết não.

Đặc biệt, bác sĩ Sơn cũng cảnh báo cách xử trí sai lầm của một số trường hợp khi bị rắn độc cắn, như có trường hợp bị nhiễm trùng vết thương do đắp lá; hay có người đã ăn chanh để “tẩy” độc nhưng không hiệu quả, khi đến viện điều trị thì đã nhiễm độc nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Bài ảnh: Liên Châu - Ngọc Thắng

>> Mưu sinh với nghề nguy hiểm: Nuôi rắn độc trong nhà
>> Bắt rắn độc, bị cắn tử vong
>> Nhiều ca nhập viện do rắn độc cắn
>> Bị rắn độc cắn chết trong nhà nghỉ
>> Cháu bé bị rắn độc cắn khi đang ngủ trong mùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.