Những ông lớn công nghệ 'thấm đòn' tại thị trường Trung Quốc

Khánh An
Khánh An
20/06/2022 16:00 GMT+7

Hàng loạt vấn đề được cho là nguyên nhân khiến nhiều ông lớn công nghệ rút khỏi Trung Quốc , thị trường dường như khiến các công ty đa quốc gia ngày càng thận trọng.

Trung Quốc từng là thị trường khiến nhiều ông lớn không thể ngó lơ, nhưng ngày càng nhiều công ty đang rút lui

ảnh chụp màn hình scmp

Với quy mô nền kinh tế cũng như dân số, Trung Quốc từ lâu đã là một thị trường mà những doanh nghiệp toàn cầu không thể phớt lờ.

Tuy nhiên, theo phân tích mới đây trên tờ South China Morning Post, làn sóng rút lui gần đây của những công ty công nghệ lớn như Amazon và Airbnb cho thấy quốc gia này đang khiến nhiều công ty đa quốc gia phải thận trọng.

Theo giới phân tích, nhiều công ty rút khỏi Trung Quốc do đối diện sự kết hợp giữa quy định ngày càng nghiêm ngặt, cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ nội địa và thay đổi sở thích của người tiêu dùng.

Liên tiếp rút lui

Tháng trước, dịch vụ đặt và thuê phòng Airbnb trở thành dịch vụ internet nước ngoài gần đây nhất rút khỏi Trung Quốc, sau khi cho biết sẽ tiếp tục phục vụ khách hàng Trung Quốc khi họ ra nước ngoài.

“Việc đóng cửa nghiêm ngặt và giới hạn do Covid-19 tại Trung Quốc nằm trong số những yếu tố khiến Airbnb rút lui, nhưng chưa phải là lý do chính. Lý do căn bản liên quan cạnh tranh khốc liệt mà Airbnb gặp tại thị trường Trung Quốc từ những đối thủ nội địa như Meituan và Ctrip”, theo phó giáo sư luật Angela Zhang tại Đại học Hồng Kông.

Dịch vụ đa chức năng Meituan và Ctrip được hình thành dựa trên sự sáp nhập của các doanh nghiệp, giúp những nền tảng này có lợi thế khi cạnh tranh với dịch vụ đặc biệt của Airbnb, theo bà Zhang.

Không lâu sau thông báo của Airbnb, Amazon thông báo sẽ đóng cửa mảng dịch vụ sách điện tử Kindle tại Trung Quốc vào ngày 30.6.2023. Hãng đã dừng bán thiết bị Kindle cho các nhà phân phối địa phương.

Một thời hấp dẫn

Khi cải cách kinh tế được tiến hành ở Trung Quốc cách đây gần nửa thế kỷ, một tầng lớp trung lưu mới nổi khiến Trung Quốc trở thành thị trường hấp dẫn cho nhiều công ty toàn cầu muốn đặt chân tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Ngay cả những gã khổng lồ công nghệ cũng không ngần ngại trước các quy định ở Trung Quốc. Tỉ phú Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook, đến năm 2016 vẫn tiếp tục vận động giới chức Trung Quốc khi ông chạy bộ tại Bắc Kinh giữa làn không khí sương mù ô nhiễm trong động thái gây tranh cãi. Dù ông chưa thành công trong việc mở rộng dịch vụ sang Trung Quốc, nhiều ông lớn internet khác đã đặt chân thành công để rồi phải rút lui vài năm sau đó, và con số này đang gia tăng.

Sau 3 năm đổ tiền vào Trung Quốc, dịch vụ vận tải Uber đã bán mảng hoạt động tại nước này cho đối thủ Didi Chuxing vào năm 2016. Ngoài ra, Google đã đóng cửa dịch vụ tìm kiếm tại Trung Quốc vào năm 2010 sau 4 năm hoạt động, nhằm đối phó hàng loạt vụ tấn công mạng.

Mạng LinkedIn của Microsoft cũng cung cấp dịch vụ phiên bản được kiểm duyệt tại Trung Quốc trong vài năm, trước khi thông báo đóng cửa vào cuối năm 2021. Tháng 2, Yahoo cũng thông báo sẽ đóng cửa dịch vụ thư điện tử tại Trung Quốc.

Ngay cả hãng giày Nike cũng rút ứng dụng chạy bộ khỏi Trung Quốc trong tháng này do vướng quy định mới về dữ liệu.

Hàng loạt trở ngại

Một trong những nguyên nhân Airbnb rút lui khỏi thị trường Trung Quốc là do những quy định giới hạn trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, cũng như với những công ty công nghệ khác, Airbnb đã vấp phải nhiều thách thức về địa phương hóa, cũng như sự cạnh tranh gia tăng từ các công ty nội địa.

Nhiều công ty nội địa hợp nhất và tăng khả năng cạnh tranh hơn. Sau khi thâu tóm đối thủ Mayi vào năm 2016, dịch vụ chia sẻ nhà Tujia đã mua lại mảng homestay (lưu trú nhà dân) của Trip.com.

Dịch vụ du lịch Fliggy của Tập đoàn Alibaba thì đầu tư vào công ty đối thủ Xiaozhu và bắt đầu niêm yết ở các sàn lớn hơn. Theo chuyên gia Đồng Văn hạo tại công ty phân tích LeadLeo, yếu kém trong việc địa phương hóa của Airbnb là thất bại chính của công ty này.

“Khuyến mãi của Airbnb đưa ra không cao bằng các nền tảng địa phương, nên người tiêu dùng quay sang Fliggy và Trip.com. Các công ty địa phương này dễ dàng có được lòng tin của người tiêu dùng nhờ nhiều năm kinh nghiệm”, chuyên gia này nhận định.

Đây dường cũng là điểm yếu của các công ty công nghệ nước ngoài khác như Amazon và eBay vốn mở rộng sang nhiều thị trường nhưng không thành công tại Trung Quốc.


Doanh nghiệp Mỹ ngày càng bi quan khi hoạt động tại Trung Quốc

Amazon và eBay bị cạnh tranh bởi Alibaba và JD.com, và eBay đóng cửa dịch vụ EachNet tại Trung Quốc từ năm 2006. Một dịch vụ khác không thích nghi được là Groupon, do khó cạnh tranh lại hàng trăm dịch vụ nhóm mua nổi lên ở Trung Quốc.

Theo chuyên gia Đồng, Amazon thất bại khi tìm cách đưa ra dịch vụ đăng ký Prime vào năm 2016. Miễn phí vận chuyển vốn đang phổ biến tại thời điểm đó, nên việc yêu cầu khách hàng đóng phí 43 USD/năm để được ưu tiên là điều khó thuyết phục.

Xe Tesla bị "cấm cửa" tại Bắc Đới Hà, nơi lạnh đạo Trung Quốc sắp họp kín

Xu hướng mua sắm trên mạng thay đổi cũng khiến nhiều công ty nước ngoài không thích nghi, khi dịch vụ Taobao của Alibaba dẫn đầu về thị trường thương mại điện tử phát sóng trực tiếp, trong khi Amazon đầu tư rất ít vào mảng này.

Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng địa phương hóa cũng chưa chắc là yếu tố để thành công. Uber đã có công ty con độc lập hoạt động tại Trung Quốc và hợp tác với công ty tìm kiếm Baidu hàng đầu tại nước này.

Sau cuộc chiến trợ cấp căng thẳng với dịch vụ Didi của Trung Quốc, Uber sau cùng bị đánh bật khỏi thị trường này.

Ngoài ra, các công ty nước ngoài còn gặp áp lực từ quy định nghiêm ngặt, bao gồm những yêu cầu về kiểm duyệt nội dung và bảo vệ dữ liệu. Khi đóng cửa tại Trung Quốc, LinkedIn đề cập “môi trường hoạt động thách thức hơn đáng kể và những yêu cầu tuân thủ nhiều hơn tại Trung Quốc”.

Những thành công hiếm hoi

Bất chấp tất cả những trở ngại trên, vẫn có những câu chuyện về thành công của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc. Apple (Mỹ) vẫn là thương hiệu điện thoại thông minh đứng thứ 3 tại nước này, bán ra 13 triệu iPhone trong quý 1 năm 2022. Công ty xe điện Tesla (Mỹ) vẫn đứng đầu thị trường với cách biệt đáng kể trước các đối thủ nội địa tại Trung Quốc như Nio, Speng Motors và Li Auto. Trong năm ngoái, 3 công ty này của Trung Quốc bán ra tổng cộng 280.075 xe tại thị trường nội địa, thấp hơn 13% so với 321.000 chiếc do Tesla bán ra tại đây.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.