Những ông bố đơn thân lấy nước mắt khán giả của màn ảnh Việt

04/08/2023 10:26 GMT+7

Vài năm trở lại đây, phim truyền hình Việt khai thác khá nhiều đề tài về những ông bố đơn thân với nhiều tính cách, số phận, thu hút khán giả.

Mỗi nhân vật ông bố đơn thân trong phim Việt là tính cách, số phận, hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, tựu chung họ đều là những người cha yêu thương gia đình, hết lòng vì các con, khiến khán giả phần nào thấy đồng cảm, rơi nước mắt.

Ông Sơn phim Về nhà đi con

Vai diễn ông Sơn, một ông bố trong cảnh "gà trống nuôi con" với 3 cô con gái của NSND Trung Anh gây xúc động cho khán giả truyền hình. Nhiều người gọi vui nghệ sĩ là "ông bố quốc dân".

Trong phim, ông Sơn luôn mang trong mình nỗi day dứt về câu chuyện trong quá khứ và lỗi lầm với người vợ đã mất. Với 3 cô con gái tính cách khác nhau, ông đã nuôi các con lớn lên bằng tình thương yêu, sự che chở, sẻ chia của một người cha, dù các con ông đều có những biến cố trong hôn nhân và cuộc sống. Ông cũng là người bố luôn sẵn sàng bao dung, tha thứ, dang rộng vòng tay đón con quay trở về.

Những ông bố 'đơn thân' lấy nước mắt khán giả của màn ảnh Việt  - Ảnh 1.

NSND Trung Anh vào vai ông bố đơn thân trong phim Về nhà đi con

CHỤP MÀN HÌNH

NSND Trung Anh đã lột tả thành công nhân vật người cha khắc khổ, hết lòng yêu thương con cái. Từ ánh mắt, cử chỉ với nhiều cảm xúc như ân hận, xót xa đến lo lắng, bất lực và có cả hạnh phúc, diễn xuất của nam nghệ sĩ chạm đến trái tim của người xem, nhiều phân đoạn trong phim còn khiến khán giả rơi nước mắt.

Ông Lâm phim Khi đàn ông góa vợ bật khóc

Vốn nổi tiếng với những vai diễn hài, tuy nhiên ở phim Khi người đàn ông góa vợ bật khóc, khán giả biết tới nghệ sĩ Công Lý với một tính cách hoàn toàn khác. Anh vào vai một người cha chín chắn, điềm đạm, luôn yêu thương vợ con.

Bộ phim xoay quanh câu chuyện ông Lâm là một đầu bếp giỏi sống cùng vợ và 3 cô con gái. 

Những ông bố 'đơn thân' lấy nước mắt khán giả của màn ảnh Việt  - Ảnh 2.

NSND Công Lý hóa thân thành công vai ông bố góa vợ trong Khi người đàn ông góa vợ bật khóc

CHỤP MÀN HÌNH

Biến cố xảy ra khi vợ ông sinh con gái út và chẳng may qua đời, một mình ông phải chịu cảnh "gà trống nuôi con". Ông Lâm mang nỗi ân hận vì khi vợ sinh con út ông không có mặt bên cạnh. Khi vợ mất, ông quyết định không đi thêm bước nữa.

Ông luôn bên cạnh 3 cô con gái để cùng các con giải quyết những vướng mắc và khó khăn trong cuộc sống. Rồi ông phát hiện mình bị bệnh Alzheimer - căn bệnh trầm cảm và mất trí nhớ của người già. Bệnh tình của ông ngày càng nghiêm trọng, thậm chí ông còn không nhớ nổi mình là ai và sau đó là một chuỗi thử thách được đặt ra cho 3 cô con gái.

Số phận của các nhân vật trong phim có nhiều nét tương đồng với phim Về nhà đi con. Tuy nhiên, theo chia sẻ của NSND Công Lý, đây là vai diễn "nặng ký", đầy tâm trạng; tính cách, số phận, hoàn cảnh đều xa lạ, khác hẳn với những vai trước đây mà anh từng đóng. 

Nam nghệ sĩ đã khắc họa chân thực cuộc sống, nội tâm, những khó khăn, biến cố của một người cha đơn thân nuôi dạy, giúp 3 cô con gái trưởng thành trước những sóng gió cuộc sống.

Ông Thành phim Lối nhỏ vào đời

Trong phim Lối nhỏ vào đời, NSND Bùi Bài Bình vào vai ông Thành, góa vợ, có một cậu con trai. Là cán bộ về hưu, ông Thành làm nghề xe ôm chỉ để bớt cô quạnh trong mối quan hệ lạnh nhạt với vợ chồng con trai.

Ở cái tuổi đáng lẽ được nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già, ông Thành lại lâm vào tình cảnh trớ trêu, bất hạnh bởi con trai bất hiếu. Hết lần này đến lần khác, vợ chồng con trai ông đòi bố bán nhà để chia tiền nhưng ông nhất quyết không chịu.

Phong, "cậu con trai trời đánh" của ông Thành, bất ngờ bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não, phải cần tiền để phẫu thuật gấp. Ông Thành quyết định bán nhà lo tiền chạy chữa cho con, số còn lại trả nợ nần giúp Phong, còn dư thì về quê dưỡng già.

Những ông bố 'đơn thân' lấy nước mắt khán giả của màn ảnh Việt  - Ảnh 3.

Ông Thành (NSND Bùi Bài Bình) và cậu bé Dũng (diễn viên Hoàng Long) trong phim Lối nhỏ vào đời

CHỤP MÀN HÌNH

Cảnh khiến khán giả rơi nước mắt chính là lúc ông tâm sự chia tay với cậu bé Dũng, khách hàng xe ôm quen thuộc của ông. Dũng là một cậu học sinh cấp 3 nhà giàu ở với bố từ nhỏ (bố mẹ ly hôn), có đầy đủ mọi thứ ngoại trừ những bữa cơm gia đình, bởi bố Dũng quanh năm bận rộn với công việc.

Ông Thành thừa nhận con trai thành ra như thế này cũng một phần do ông. Vợ mất sớm, ông bù đắp bằng cách chiều chuộng Phong khiến anh trở thành kẻ vô trách nhiệm.

Cuộc chia tay đẫm nước mắt của ông Thành và Dũng khiến khán giả cũng đau lòng theo. Trong phim, ông Thành cũng giúp bố Dũng nhận ra công việc của người bố không chỉ đơn giản là mang lại một cuộc sống vật chất đầy đủ cho con.

Tiến sĩ tâm lý học Trần Thị Phi Hằng, giảng viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, cho rằng các bộ phim về đề tài bố đơn thân phần nào phản ánh những khó khăn mà các gia đình bố đơn thân hầu hết đều gặp phải như: cảm giác thiếu sự ổn định trong cuộc sống gia đình; tình cảm thiếu thốn; khó khăn trong việc định hướng và giáo dục con cái; khó khăn trong việc cân nhắc giữa công việc và quản lý thời gian; khó khăn trong vấn đề tài chính...

Những ông bố 'đơn thân' lấy nước mắt khán giả của màn ảnh Việt  - Ảnh 4.

Tiến sĩ tâm lý học Trần Thị Phi Hằng, giảng viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam

NVCC

Đây là một hình thức gia đình không truyền thống, con cái sẽ thiếu mất vai trò người mẹ trong cuộc sống hàng ngày. Điều đó ảnh hưởng không ít đến tâm lý, sự trưởng thành, phát triển của các con. Bởi việc nuôi dạy một đứa trẻ không hề đơn giản, đặc biệt khi những đứa con vẫn còn nhỏ, đòi hỏi sự chăm sóc, bảo vệ, nuôi nấng nhiều hơn.

"Mặc dù không phải tất cả các gia đình có bố đơn thân đều trải qua những khó khăn tâm lý nêu trên, tuy nhiên trong cuộc sống sẽ không tránh khỏi những lúc gặp khó khăn. Những người cha đơn thân có thể vượt qua những khó khăn này bằng cách tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và cộng đồng xã hội, cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý. Điều này có thể giúp người cha đơn thân và con cái vượt qua thách thức, xây dựng một môi trường gia đình ổn định và hạnh phúc", bà Phi Hằng chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.